Chế độ tuần 3 ngày nghỉ đang là chủ đề dành được nhiều sự quan tâm đối với người đi làm Nhật. Bối cảnh chính là đại dịch corona và việc cần thiết cho sự điều chỉnh lối sống. Cùng LocoBee nắm một số thông tin về chế độ này nhé!
Nội dung bài viết
- #1. Chế độ tuần 3 ngày nghỉ là gì?
- #2. Tại sao chủ đề đang được tranh luận?
- #3. Số thời gian làm việc của Nhật có phải đang dài?
- #4. Lợi ích của chế độ tuần 3 ngày nghỉ
- #5. Điểm bất lợi
- #6. Thực trạng áp dụng chế độ tuần 3 ngày nghỉ
- #7. Các doanh nghiệp áp dụng trả lương cho nhân viên như thế nào?
- #8. Tác động đến lương hưu và an sinh xã hội?
- #9. Có được làm nghề phụ hay không?
- #10. Khó khăn nào đang gặp phải?
重ねてお詫び申し上げます- Nghĩa và cách dùng
#1. Chế độ tuần 3 ngày nghỉ là gì?
Hiện tại phần lớn các công ty Nhật đang áp dụng chế độ tuần 2 ngày nghỉ. Ở chế độ mới người lao động được nghỉ 3 ngày. Từ việc làm 5 ngày 1 tuần, chỉ còn 4 ngày sẽ tạo ra cơ hội để mọi người có thể thay đổi lối sống của bản thân.
Chế độ chỉ áp dụng dành cho những người muốn sử dụng nó chứ không bắt buộc.
#2. Tại sao chủ đề đang được tranh luận?
Ngày càng nhiều người lao động quan tâm hơn đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vì thế mong muốn gia tăng về khả năng tự lựa chọn cách làm việc phù hợp với bản thân ngày càng mạnh mẽ.
Thêm vào đó, để giảm thiểu nguy cơ lây lan corona, nhiều doanh nghiệp cũng muốn giảm số ngày đến công ty hoặc số giờ lao động của nhân viên.
#3. Số thời gian làm việc của Nhật có phải đang dài?
Số giờ làm việc trung bình hàng năm của tất cả người lao động Nhật Bản vào năm 2019 là 1.644 giờ, giảm 20% so với năm 1985, xếp thứ 22 trên thế giới. So với Mexico (2.137 giờ) ở vị trí thứ nhất, Costa Rica (2.060 giờ) ở vị trí thứ 2, và Hàn Quốc (1.967 giờ) ở vị trí thứ 3, thì số giờ lao động của Nhật không phải là nhiều.
Điều cần biết về quy định liên quan đến làm thêm giờ ở Nhật
#4. Lợi ích của chế độ tuần 3 ngày nghỉ
Khi sử dụng chế độ này người lao động sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho lối sống của mình. Họ có thể dành nhiều thời gian cho gia đình, chăm sóc cha mẹ, con cái hay làm nghề phụ, tham gia các sự kiện, khoá học để rèn rũa bản thân… Ngoài ra cơ thể được nghỉ ngơi có thể dẫn đến những ý tưởng đột phá, mang đến nhiều giá trị cho công ty, xã hội…
Về phía doanh nghiệp, họ không chỉ có thể tiết kiệm được chi phí lao động mà còn là cơ hội tuyệt vời để thay đổi nhận thức về kiếm tiền, thúc đẩy sự chuyển dịch kĩ thuật số. Với bên nhân sự thì đây chính là điểm nổi bật, tạo ấn tượng tốt thu hút được nhiều ứng viên vì doanh nghiệp coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động. Từ đó mà thu hút được nhiều nhân tài và tạo ra được nhiều thành quả cho công ty. Doanh nghiệp có thể tăng được sự hài lòng của người lao động với chế độ làm việc dẫn đến tỉ lệ thôi việc giảm đi.
#5. Điểm bất lợi
Có trường hợp tiền lương của người lao động bị giảm. Khi mà chế độ nghề phụ chưa được linh hoạt thì người lao động sẽ bị bất lợi vì thu nhập thấp đi. Từ đó làm cho động lực của nhân viên với công ty thấp hơn dẫn đến sự giảm năng suất lao động, Ngoài ra, số ngày đến công ty ít đi làm giảm sự tương tác, giao tiếp giữa các nhân viên dẫn đến môi trường làm việc trở nên thiếu liên kết.
#6. Thực trạng áp dụng chế độ tuần 3 ngày nghỉ
Có 8,3% doanh nghiệp ở Nhật áp dụng chế độ này là kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm 2020. Con số này chỉ là 3,9% vào năm 2010.
Ví dụ:
- Fast Retailing (UNIQLO…) đưa vào từ tháng 10 năm 2015
- Yahoo đưa vào từ tháng 4 năm 2017 dành cho người có con nhỏ, phải chăm sóc cha mẹ (dành cho nhân viên chính thức, nhân viên hợp đồng)
- Toshiba đưa vào từ tháng 6 năm 2020 chỉ cho 1 bộ phận người lao động
- Mizuho tích cực áp dụng chế độ 3,4 ngày nghỉ từ tháng 12 năm 2020
#7. Các doanh nghiệp áp dụng trả lương cho nhân viên như thế nào?
Trong trường hợp nhân viên toàn thời gian ở địa phương của UNIQLO, mức lương tương tự sẽ được trả bằng cách kéo dài thời gian làm việc vào các ngày làm việc và bổ sung cho số giờ làm việc tăng thêm vào các ngày lễ.
Mặt khác, một số công ty, chẳng hạn như Mizuho, có mức lương cơ bản khoảng 80% cho 3 ngày nghỉ và 60% cho 4 ngày nghỉ.
#8. Tác động đến lương hưu và an sinh xã hội?
Do thu nhập giảm nên có khả năng ảnh hưởng đến các quyền lợi về bảo hiểm xã hội khác nhau như lương hưu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc dài hạn và trợ cấp thai sản.
Phí bảo hiểm xã hội được xác định bằng “tiền lương hàng tháng”. Nếu lương giảm xuống khi làm theo chế độ 3 ngày nghỉ 1 tuần, phí bảo hiểm hàng tháng cũng sẽ giảm. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến số tiền lương hưu bạn sẽ nhận được trong tương lai.
Ví dụ, giả sử rằng một người có thu nhập hàng tháng là 400.000 yên (nghỉ 2 ngày 1 tuần). Lương sẽ giảm xuống còn 320.000 yên (20%) khi nghỉ 3 ngày 1 tuần. Mức lương hưu phúc lợi sẽ giảm 4 bậc từ “395.000 yên trở lên và dưới 425.000 yên” xuống “310.000 yên trở lên và dưới 330.000 yên”. Phí bảo hiểm hưu trí phải trả sẽ từ 450.000 yên còn 350.000 yên.
Khi nhận tiền lương hưu từ năm 65 tuổi nếu ở chế độ 2 ngày nghỉ sẽ nhận 670.000 yên một năm nhưng con số này sẽ là 520.000 yên một năm nếu là chế độ 3 ngày nghỉ. Đây là một trường hợp giả định rằng “lương không đổi” ngay cả sau khi 40 tuổi. Nếu mức thù lao tăng lên, tiền lương hưu nhận được có thể tăng lên.
Tương tự, do phí bảo hiểm y tế thấp hơn nên bạn sẽ nhận được ít tiền trợ cấp thai sản, quyền lợi nghỉ chăm sóc con cái và quyền lợi chăm sóc điều dưỡng hơn”.
#9. Có được làm nghề phụ hay không?
Điều này sẽ phụ thuộc vào chính sách của công ty.
#10. Khó khăn nào đang gặp phải?
Khi áp dụng chế độ 3 ngày nghỉ và nới lỏng việc làm nghề phụ thì một người có thể thuộc nhiều tổ chức, nhiều nguồn thu nhập dẫn đến gánh nặng cho việc khai thuế… Chính vì vậy, cần thiết đẩy mạnh quá trình số hoá để các thủ tục bớt phức tạp. Với doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về chế độ chấm công, tính lương.
Theo Nikkei