Dự luật mới của Nhật về thụ tinh trong ống nghiệm

Đảng cầm quyền và đối lập của Nhật Bản mới đây đã cùng nhau đệ trình 1 dự luật công nhận những người sinh ra trẻ em bằng trứng hoặc tinh trùng hiến tặng là cha mẹ hợp pháp. Đây là một động thái có thể giúp kết thúc cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ qua ở Nhật Bản về vấn đề này.

Luật dân sự hiện hành không có điều khoản nào về việc thụ tinh trong ống nghiệm có người thứ 3. Điều này làm dấy lên những cuộc tranh luận về cách loại bỏ những bất ổn pháp lý liên quan đến huyết thống của những đứa trẻ đó.

Tuy nhiên, dự luật không công nhận quyền của những đứa trẻ này được tiết lộ danh tính của người hiến trứng hoặc tinh trùng. Việc này gây ra sự chỉ trích từ các nhóm đại diện cho họ cũng như Liên đoàn Luật sư Nhật Bản. Dự luật cũng trì hoãn các câu trả lời về một số vấn đề khác như việc mua bán trứng và tinh trùng hay việc có chấp thuận mang thai hộ hay không. Các nhà lập pháp cho biết họ sẽ xem xét hành động pháp lý để giải quyết những vấn đề đó trong 2 năm tới.

Dự luật cũng không phản ánh nhu cầu gia tăng gần đây của các cặp vợ chồng thuộc nhóm tính dục thiểu số và phụ nữ độc thân mong muốn có con. Dự luật dự kiến ​​sẽ được ban hành trong kỳ họp Quốc hội vào đầu tháng 12 với sự ủng hộ của các đảng bao gồm Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Suga Yoshihide và Đảng Dân chủ Lập hiến – đảng đối lập lớn nhất của Nhật Bản.

Dự luật quy định người phụ nữ đã sinh con là mẹ của đứa trẻ khi sử dụng trứng hiến tặng và người chồng không thể phủ nhận mình là cha sau khi đã đồng ý cho vợ sử dụng tinh trùng hiến tặng từ người thứ ba.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi hiện tại chỉ cho phép hiến trứng từ người thứ ba cho những cặp vợ chồng không thể tự sinh con. Đồng thời Bộ cũng loại trừ những người phụ nữ có buồng trứng già là người nhận.

Ở Nhật Bản, việc thụ tinh như vậy đã được tiến hành ở một số cơ sở hạn chế và nhiều bệnh nhân, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi đã sinh con sau khi nhận trứng ở nước ngoài. Vấn đề về hiến tặng tinh trùng giữa các cá nhân thông qua internet đang ngày càng gia tăng. Số lượng bệnh nhân đi điều trị ở nước ngoài thông qua trung gian đã tăng lên trong những năm gần đây.

Cuộc tranh luận về việc hiến tặng trứng và tinh trùng trở nên sôi nổi ở Nhật Bản sau khi 1 bác sĩ ở tỉnh Nagano tuyên bố vào năm 1998 rằng ông đã tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm cho 1 phụ nữ sử dụng trứng do em gái hiến tặng.

Trầm cảm corona – nguyên nhân tự tử của nhiều phụ nữ trẻ

Năm 2003, một hội đồng của Bộ đã công bố báo cáo cho phép hiến trứng và tinh trùng trong một số điều kiện nhất định. Báo cáo cũng kêu gọi một hệ thống pháp luật cho phép trẻ từ 15 tuổi trở lên được yêu cầu tiết lộ ai là người đã hiến trứng hoặc tinh trùng.

Xu hướng đặt tên con “ngắn gọn và dễ gọi” của cha mẹ người Nhật

 

Theo The Mainichi 

Facebook