Ý nghĩa và nguồn gốc của Senbazuru – ngàn hạc giấy trong văn hoá Nhật Bản

Senbazuru (千羽鶴) là bó hạc được gấp theo origami, được biết đến như một trong những món quà ở Nhật Bản gửi gắm mong ước bình an, chiến thắng… Bên cạnh đó, nhắc đến hạc giấy mọi người thường nghĩ đến Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi có quan hệ mật thiết với Senbazuru với mong ước về hòa bình. Nhưng tại sao khi mong ước điều gì đó, người ta lại làm nghìn con hạc giấy?

Hãy cùng LocoBee tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc của việc gấp một nghìn con hạc.

[Hokkaido bạn chưa biết] 10 trải nghiệm khó quên tại Tsuruimura – Ngôi làng nhỏ với 2.600 cư dân

 

Senbazuru là gì?

Một nghìn con hạc được làm bằng origami, bó lại bằng sợi chỉ và được sử dụng làm biểu tượng chứa đựng nhiều điều ước khác nhau như cầu cho bệnh tật được chữa lành, cầu mong chiến thắng hay bình an…

Bài học từ câu truyện cổ Nhật Bản “Hạc trả ơn” – Tsuru no Ongaeshi

Có một câu nói được truyền lại từ xưa ở Nhật 鶴は千年、亀は万年 (Tsuru wa sennen, kame wa mannen) nghĩa là “Hạc nghìn năm, rùa vạn năm”. Câu tục ngữ này muốn nhấn mạnh rằng hạc và rùa là 2 loài động vật trường thọ và mang lại điềm lành.

Có giả thuyết cho rằng 千 trong 千羽鶴 mang ý là “nhiều” nên không nhất thiết phải chính xác đến một nghìn con như nghĩa đen của nó.

 

Nguồn gốc của Senbazuru

Nguồn gốc chính xác của Senbazuru vẫn chưa được biết nhưng được cho là có từ thời Edo. Vào thời kỳ này, origami – nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản trở nên phổ biến trong dân chúng.

Như câu tục ngữ ở trên, hạc được coi là biểu tượng của sự trường thọ. Loại hạc được nói ở đây chính là loại tanchozuru với một vùng lông đỏ ở trên đỉnh đầu. Tanchozuru tự nhiên có tuổi thọ khoảng từ 20 đến 30 năm và có thể lên đến 50 năm nếu được nuôi.

Từ xa xưa ở Nhật Bản, hạc đã là “loài chim hỷ” vì thế mà người ta mới bắt đầu gấp những con hạc giấy như vậy. Một nghìn con hạc giấy với một nghìn lời chúc mừng cũng được cho là khởi đầu của những điều tốt đẹp. Rồi cũng từ đó mà người Nhật xưa nghĩ rằng nếu gấp hạc giấy thì có thể kéo dài tuổi thọ.

7 điều kiêng kị không được làm vào ngày Tết ở Nhật

 

Tại sao Senbazuru là biểu tượng của hòa bình?

Hiện nay, Senbazuru được coi là “biểu tượng phi hạt nhân hóa” và cũng là “biểu tượng của hòa bình.”

Sadako Sasaki là nhân vật của Tượng đài nạn nhân trẻ em trong vụ nổ bom nguyên tử ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Sadako Sasaki tiếp xúc với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima khi mới 2 tuổi và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính khi mới 12 tuổi. Sau khi được chẩn đoán, cuộc chiến chống chọi với bệnh tật trong 9 tháng đầy đau đớn bắt đầu. Trong thời gian đó, Sadako ngày đêm gấp hạc vì tin rằng “gấp một nghìn con hạc thì điều ước sẽ trở thành sự thật”. Tuy nhiên, thật đáng tiếc Sadako đã qua đời cùng năm đó.

Câu chuyện của Sadako đã được người dân Hiroshima biết đến rộng rãi và dần dần được lan truyền trên toàn thế giới. Sau đó, Tượng đài nạn nhân trẻ em trong vụ nổ bom nguyên tử đã được xây dựng. Sadako và ngàn hạc giấy mà Sadako gấp được coi là “biểu tượng của phi hạt nhân” và “biểu tượng của hòa bình”.

Ở Nhật Bản, nhiều người vẫn gấp ngàn con hạc giấy khi cầu mong những điều tốt lành. Trong những chuyến đi thời còn đi học người người đã đến thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và ngắm nhìn hình ảnh Senbazuru.

Khi tặng ai đó một nghìn con hạc giấy vì không có quy định rõ ràng về cách làm nên chỉ cần làm người nhận cảm động và phù hợp với hoàn cảnh là được.

Tham khảo cách làm hạc giấy tại video bên dưới: 

Nguồn Youtube: Origami Tsunami

10 biểu tượng đại diện của đất nước Nhật Bản nhất định bạn nên biết

 

W.DRAGON (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

Facebook