[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Chia sẻ cuộc sống du học và làm việc của một nữ nhân viên HR
Bài viết kì tháng 4 này, LocoBee muốn gửi tới bạn đọc chia sẻ về câu chuyện từ khi du học đến khi là một nhân viên chính thức tại công ty Nhật Bản của một bạn nữ hiện tại đang làm cho một công ty nhân sự lớn tại Nhật Bản.
Mong rằng những chia sẻ này có thể mang đến cho các bạn đang có dự định du học hoặc làm việc ở Nhật những thông tin đáng tham khảo.
Việc làm tiếng Nhật: 7 loại hình ngành nghề tại thị trường Nhật phổ biến nhất với người nước ngoài
Nguyễn Phương Thảo
Biệt danh: THẢO TOKYO
Công việc hiện tại: nhân viên HR cho công ty Nhật Bản
Sang Nhật từ tháng 10/2015 với tư cách là du học sinh trường Nhật ngữ
Quá trình du học
Trước khi sang Nhật, Thảo tự học tiếng Nhật nên chỉ tìm kiếm trung tâm làm hồ sơ du học trường tiếng chứ không theo học tại trung tâm ở Việt Nam. Khi sang Nhật, một năm đầu ở tại kí túc xá nên không cần phải đi tìm nhà nên không gặp quá nhiều khó khăn.
Ngày đầu tiên sang Nhật mình đã bị sốc vì không nghe hiểu được hết tiếng Nhật của anh quản lí kí túc người Nhật dù ở Việt Nam đã tự học tới tầm N4 rồi. Lúc đó thực sự mình cảm thấy lo sợ và có phần hối hận. Tuy nhiên, dần dần đi học được làm quen với thầy cô bạn bè ở trường, mình đã cảm thấy khá dần lên trong tháng đầu tiên.
Các bạn cùng lớp trường Nhật ngữ
Khi mới sang, mình được một người em quen trên mạng từ trước giới thiệu công việc làm quán ăn. Sau 3 tháng, mình đã quen hơn và tự đi tìm việc được. Mình sử dụng chủ yếu nguồn là báo TOWNWORK có đặt và được lấy miễn phí ở các ga, công việc mình tìm được là công việc xếp đồ ở siêu thị và sau đó là các công việc khác…
Kỉ niệm khó khăn nhất có lẽ là lúc mình sang Nhật được 1 năm thì bị bệnh nặng và được chẩn đoán là do lao lực. Lúc đó mình chỉ sử dụng được 1 tay và buộc phải nghỉ việc 2 tháng liền. Đối diện với việc không thu nhập, không có người chăm sóc sinh hoạt cộng với tiếng Nhật còn bập bõm đi bệnh viện ko hiểu hết bác sĩ nói gì, thật sự lúc đó mình đã muốn từ bỏ giấc mơ Nhật Bản.
Khác biệt giữa Nhật và Việt Nam trong văn hoá ứng xử
Để nói về sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản mà mình cảm nhận đó chính là văn hoá nói chuyện của người Nhật. Tính mình hơi thẳng thắn nên có gì nói ấy, mặc dù không có ý gì xấu nhưng khi người Nhật nghe cũng có lúc họ phật lòng. Còn người Nhật thì khác, họ có cách ứng xử gọi là 建前 – “tatemae”. Thời gian đầu mình cực ghét cách ứng xử này vì mình cứ thấy bị giả tạo ví dụ như mình mới nói câu “こんにちは” tức là “xin chào” thì đã lập tức được khen là “上手ですね” – “bạn giỏi thế”.
Tuy nhiên khi sống ở Nhật lâu hơn, mình cảm thấy thích văn hoá ứng xử này bởi lẽ nó góp phần tạo nên mối quan hệ của cả hai bên. Có lẽ họ khen để khuyến khích đối phương nói nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn – đó là điều thực sự tốt. Mình nghĩ điều này rất hay và mình sẽ cố gắng áp dụng trong giao tiếp với đồng nghiệp, người mới quen. Vì bạn biết đấy Việt Nam mình có câu “khéo ăn khéo nói thì có cả thiên hạ”.
Top 10 công ty Nhật Bản tích cực trong việc tuyển dụng người nước ngoài
Kinh nghiệm xin việc
Nỗ lực lớn nhất kể từ khi sang Nhật của mình là khi còn ngồi trên ghế nhà trường sau 2 năm vừa làm quán ăn vừa đi học mình chọn cách mài dũa tiếng Nhật và kỹ năng mềm, xin việc làm vào công ty hiện tại với tư cách là nhân viên làm thêm. Điều đáng nói ở đây là công ty mình thuộc tập đoàn số 1 trong ngành nhân sự tại Nhật Bản và chỉ tuyển nhân viên chính thức. Trong quá trình phỏng vấn vì mình đang còn đi học nên mình đã đàm phán với công ty để được xin làm thêm – một tiền lệ mà trước giờ chưa có ở công ty. Kể từ đó, cuộc sống mình đã đỡ vất vả hơn bởi mình không phải đi làm ở quán ăn mà xin vào 1 số công ty khác làm văn phòng và phiên dịch.
Mình có xin vào 5 công ty và đỗ được 3 công ty. Trong quá trình tìm việc mình có tham khảo các thông tin việc làm ở trên trang tuyển dụng cũng như nhận sự hỗ trợ từ phía các anh chị HR chuyên tuyển các bạn Việt Nam.
Tham gia phiên dịch Hội thảo kết nối doanh nghiệp Nhật bản & Việt Nam
Mình nghĩ để xin việc được ở Nhật thì có 3 yếu tố chính:
- Yếu tố quan trọng nhất là tiếng Nhật:
Hầu như từ trình độ N2 trở lên là các bạn có thể xin được việc và các công ty lớn có công việc tốt sẽ yêu cầu N1 (tất nhiên là với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết)
- Tiếp đến là tư duy của bạn:
Nhân tài thì có rất nhiều nhưng nhà tuyển dụng sẽ hỏi rất nhiều câu liên quan đến tư duy của bạn. Với 2 nền văn hoá khác biệt nhau, nếu các bạn muốn đỗ phỏng vấn, mình nghĩ điều cơ bản nhất là bạn nên tìm hiểu về văn hoá và cách suy nghĩ của người Nhật. Việc bộc lộ cá tính của mình cũng là một điều tốt nhưng nếu không dung hoà và suy nghĩ hành động theo tập thể, mình nghĩ khả năng rớt phỏng vấn là rất cao (cười)
- Cuối cùng là năng lực:
Chỉ trừ những công việc đặc thù về kỹ thuật, còn lại thì mình nghĩ phần năng lực này nó chỉ là yếu tố xếp sau phần từ duy.
[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Công ty Nhật mong muốn điều gì ở nhân viên Việt Nam?
Môi trường văn hoá công sở của Nhật
Lễ gia nhập công ty
Đã 5 năm rồi mình không làm việc ở Việt Nam nên hiện tại bây giờ ở Việt Nam ra sao mình không nắm rõ được hết. Tuy nhiên so với những năm trước đây mình đã đi làm ở Việt Nam thì mình thấy ở Nhật có phần nghẹt thở, áp lực hơn. Hầu như làm việc đều phải nhìn trước ngó sau để phù hợp với mọi người, cộng với việc quan hệ giao tiếp cũng không được thoải mái như người Việt Nam mình vì sự riêng tư và khép mình của người Nhật. Thế nhưng mình lại thích cách họ làm việc hết mình, có trách nhiệm với công việc. Mình cũng đã học hỏi được điều này!
Mặc dù Nhật Bản là đất nước văn minh đáng sống nhưng mình vẫn muốn trở về Việt Nam khởi nghiệp. Mình muốn mở một trung tâm đào tạo tiếng Nhật và giới thiệu việc làm tại Nhật theo con đường kỹ sư cao cấp. Bởi khi sang Nhật, được tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế nói tiếng Nhật, mình đã nhận ra sự thiệt thòi và hơi “yếu” trong việc học tiếng Nhật của người Việt Nam.
Gửi gắm của Thảo tới bạn đọc:
Mỗi người mỗi hoàn cảnh và sẽ đến Nhật với một con đường khác nhau. Thế nhưng bạn hãy không ngừng cố gắng và luôn bản lĩnh vượt qua, mình tin một ngày trong tương lai gần bạn sẽ thành công. Những điều không biết đừng ngần ngại học hỏi, những điều đã biết hãy chia sẻ cho mọi người. Cùng nhau xây dựng một cộng đồng người Việt trên đất Nhật lành mạnh, thành công!!!
Cảm ơn Thảo với những chia sẻ về câu chuyện học tập và làm việc của mình ở Nhật. Chúc Thảo luôn có sức khoẻ và đạt được những thành công trên con đường mà mình đã chọn.
Có thể bạn quan tâm:
Thi thử JLPT online mọi trình độ từ N5 – N1 cùng NIPPON★GO
Ngọc Oanh (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.
bình luận