Đeo khẩu trang có tác dụng phòng tránh virus corona đến đâu?

Sự bùng phát của virus corona đã gây ra hiện tượng “thiếu khẩu trang” ở khắp các siêu thị, cửa hàng thuốc… tại Nhật. Nhiều người đeo khẩu trang kì vọng rằng nó sẽ giúp họ tránh bị lây nhiễm virus. Tuy nhiên có thực sự là khẩu trang có tác dụng lớn như vậy. Cùng điểm lại những thông tin đã được kiểm chứng sau đây.

 

Người đang ho, hắt hơi nhất định phải đeo khẩu trang

Có một điều chắc chắn về khẩu trang là bất kì ai có triệu chứng bệnh dù là nhỏ nhất cũng phải đeo khẩu trang. Khi ho hoặc hắt hơi, nước bọt và những chất khác trong khoang miệng và họng sẽ bay ra xa từ 1m đến 2m. Đây chính là nhân tố chính làm lây lan virus nếu người bị bệnh không đeo khẩu trang. Cúm hay các loại virus corona thông thường khác cũng lây lan theo cách này. Do đó đeo khẩu trang đúng cách với những người đang bị ho hoặc hắt hơi là nguyên tắc cơ bản để ngăn ngừa lây bệnh cho người khác.

 

Khẩu trang cho những người không có triệu chứng bệnh

Một số trang của các cơ quan trong nước và ngoài nước đã đăng tải các nội dung viết về khẩu trang cho những người không có triệu chứng bệnh như sau:

  1. Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản

Việc đeo khẩu trang để phòng bệnh là một biện pháp phòng ngừa ở những nơi đông người hay những nơi thông gió kém như trong nhà và trên ô tô, tàu điện… Tuy nhiên nếu không phải là nơi quá đông đúc thì chưa thể chắc chắn về hiệu quả của việc đeo khẩu trang.

  1. WHO

WHO trả lời rằng không có gì đảm bảo rằng khẩu trang sẽ ngăn ngừa lây bệnh. Chỉ những người có triệu chứng bệnh mới nên sử dụng khẩu trang để tránh lãng phí tài nguyên hoặc sử dụng sai cách. Tuy nhiên, những người tiếp xúc với người đang nhiễm virus corona như bác sĩ, y tá điều trị phải đeo khẩu trang.

  1. CDC (Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ)

CDC không khuyến khích những người không có triệu chứng bệnh đeo khẩu trang trừ khi đó là trường hợp đặc biệt như người từ vùng dịch trở về, người từng tiếp xúc với người trong vùng dịch… Bên cạnh đó nếu phải đến những nơi đông người thì người già và phụ nữ có thai nên đeo khẩu trang. Mặc dù khẩu trang không có tác dụng phòng ngừa bị lây bệnh song nó vẫn có ích ở một mức độ nhất định như khi ở trong đám đông.

Những nước mà người dân có thói quen đeo khẩu trang như ở Nhật Bản hay châu Á, số bệnh nhân bị cúm và tình hình dịch bệnh trong mùa đông cũng không ít hơn là mấy so với Mỹ – nơi người dân hầu như không đeo khẩu trang.

 

Những điểm cần chú ý

  1. Nguồn lây nhiễm virus corona xuất phát từ Vũ Hán được cho là xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp với nguồn chứa virus như hít trực tiếp bằng mũi, tay chạm phải nơi có virus rồi chính bàn tay đó tiếp xúc với mắt, mũi… (điều này giống với các virus corona bình thường khác)
  2. Việc nhiễm virus trôi nổi trong không khí không xảy ra trong thực tế trừ một vài môi trường đặc biệt hạn chế như ICU.
  3. Khẩu trang y tế dùng một lần không thể ngăn ngừa virus nhưng nó giúp ngăn lại các chất bay ra từ miệng và mũi khi ho hay hắt hơi.
  4. Nếu dùng tay có chứa virus đưa lên mắt hoặc mũi thì khả năng cao là sẽ nhiễm virus.
  5. Đeo mặt nạ không đúng cách (chỉ che mũi hoặc chỉ che miệng) sẽ không có tác dụng phòng ngừa gì cả.
  6. Có thông tin cho rằng virus trên tay rất khó để tiếp xúc với mắt và mũi do khi đeo khẩu trang mọi người thường ít chạm vào mặt. Tuy nhiên khẩu trang rất dễ bị xê dịch trong quá trình sử dụng và khi đó mọi người thường vô thức chỉnh lại bằng tay của mình.

Việc sử dụng khẩu trang có thể khiến cho người đeo lơ là việc rửa tay và chăm sóc sức khoẻ của bản thân. Do đó nếu không nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên những người dễ bị nhiễm bệnh như phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi… nên đeo khẩu trang để phòng ngừa bệnh cho mình.

Tin tức liên quan đến virus corona

 

Theo NHK

Facebook