Trong những năm gần đây số lượng người nước ngoài đến Nhật vì mục đích y tế đã và đang tăng lên. Một số người không phải đến để điều trị bệnh mà vì muốn thực hiện kiểm tra sức khoẻ và khám dự phòng. Số lượng visa được cấp để điều trị y tế tăng lên hàng năm do dịch vụ chăm sóc y tế tại Nhật Bản được nhiều người quan tâm. “Ningendokku” hay kiểm tra sức khoẻ toàn diện/chuyên sâu là dịch vụ để kiểm tra sức khoẻ bên trong cơ thể và thường mất từ 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm là xong.
“Kenkoshindan” – Kiểm tra sức khoẻ cho những người đang làm việc tại Nhật Bản
Sự khác nhau giữa “Kenkoshindan” và “Ningendokku”
Ưu điểm và nhược điểm của “Ningendokku”
Ví dụ về kiểm tra y tế trong “Ningendokku”
Từ kiểm tra đến biết bệnh
Kiểm tra tuỳ chọn trong “Ningendokku”
Visa lưu trú y tế
Tài liệu cần thiết để xin visa lưu trú y tế
Tổng kết
“Kenkoshindan” – Kiểm tra sức khoẻ cho những người đang làm việc tại Nhật Bản
Kenkoshindan là bài kiểm tra 1 lần mỗi năm theo yêu cầu của pháp luật Nhật Bản để các công ty nắm được tình trạng sức khoẻ của người lao động. Chi phí kiểm tra đa số do công ty chi trả nên người lao động sẽ được miễn phí hoặc trả một phần rất ít. Đối tượng kiểm tra là nhân viên chính thức của công ty nhưng cũng có lúc là cả người làm theo giờ.
Những người đi làm không chính thức, người kinh doanh tự do, người về hưu hoặc thất nghiệp cũng được khuyến khích thực hiện Kenkoshindan hàng năm vì sẽ có trợ cấp khám sức khoẻ từ chính quyền địa phương nơi họ đang sinh sống.
Các mục kiểm tra trong Kenkoshindan thường bị giới hạn so với Ningendokku. Tuy nhiên vẫn có thể tuỳ chọn thêm sàng lọc ung thư hoặc các hạng mục kiểm tra khác.
Sự khác nhau giữa “Kenkoshindan” và “Ningendokku”
Không giống Kenkoshindan, Ningendokku là dịch vụ mà người tham gia phải tự trả toàn bộ chi phí. Mặc dù cả hai đều là kiểm tra tình trạng thể chất nhưng nội dung kiểm tra thì có sự khác nhau rõ ràng.
Ningendokku bao gồm các mục kiểm tra sàng lọc toàn bộ cơ thể như kiểm tra 5 cơ quan nội tạng (gan, túi mật, tuyến tuỵ, thận, lá lách), dạ dày và bệnh liên quan đến lối sống hàng ngày. Phạm vi kiểm tra của Ningendokku rất rộng, góp phần phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh khó phát hiện bằng kiểm tra y tế thông thường.
Ưu điểm và nhược điểm của “Ningendokku”
Ưu điểm
- Kiểm tra chi tiết toàn bộ cơ thể
- Phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật
- Có nhiều mục kiểm tra (trên 50 mục)
- Phát hiện sớm bệnh ung thư
- Có giải thích chi tiết về kết quả kiểm tra từ bác sĩ
Nhược điểm
- Chi phí cao (khoảng 40.000 ~ 100.000 yên)
- Mất cả ngày hoặc 2 ngày 1 đêm để hoàn tất kiểm tra
Ưu điểm của Ningendokku là thực hiện được nhiều kiểm tra cùng một lúc. Người tham gia có thể biết chính xác khả năng mắc bệnh, đồng thời phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm. Thay vào đó chi phí cho Ningendokku cũng cao hơn, thời gian kiểm tra dài hơn do các mục kiểm tra nhiều. Bên cạnh đó trong các mục kiểm tra cơ bản không bao gồm kiểm tra chi tiết với chi phí cao nên nếu muốn biết chi tiết thì cần phải thêm lựa chọn kiểm tra chi tiết.
Ví dụ về kiểm tra y tế trong “Ningendokku”
Nhân trắc học, huyết áp, điện tâm đồ, thị lực, thính giác, chức năng hô hấp, X-quang ngực, CT ngực, CT bụng, X-quang cơ quan tiêu hoá phía trên, nội soi đường tiêu hoá phía trên, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân, MRI não, MRA, siêu âm động mạch, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh, kiểm tra tế bào ung thư cổ tử cung, đo mật độ xương, siêu âm tim…
Từ kiểm tra đến biết bệnh
- Kiểm tra điện tâm đồ: rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…
- X-quang ngực: viêm phổi, ung thư phổi, bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)…
- Siêu âm ổ bụng: ung thư gan, gan nhiễm mỡ mãn tính, sỏi mật, polyp túi mật, ung thư tuyến tuỵ…
- Nội soi dạ dày (xét nghiệm barium): loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính, loét tá tràng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, polyp dạ dày…
- Xét nghiệm máu: tăng lipid máu, tiểu đường, tăng axit uric máu, tổn thương gan do rượu, viêm gan mãn tính, gan nhiễm mỡ, nhiễm trùng, thiếu máu…
- Kiểm tra phân: ung thư đại trực tràng, polyp đại trực tràng…
- Phân tích nước tiểu: viêm thận mãn tính, tiểu đường, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt…
Kiểm tra tuỳ chọn trong “Ningendokku”
Trong Ningendokku, tuỳ vào nội dung kiểm tra mà các cơ sở y tế sẽ có các loại khác nhau, người muốn kiểm tra có thể căn cứ vào đó để lựa chọn xét nghiệm mình muốn. Ngoài ra có thể thêm một số kiểm tra mà bản thân mong muốn vào.
Ví dụ: CT ngực, CT bụng, MRI não, nội soi đường tiêu hoá, nội soi đại tràng, xét nghiệm PSA, siêu âm vú, hormon tuyến giáp…
Visa lưu trú y tế
Visa lưu trú y tế được cấp cho bệnh nhân người nước ngoài và người đi cùng đến Nhật Bản để thực hiện điều trị y tế (bao gồm cả người muốn thực hiện Ningendokku). Không chỉ mang tính chất là điều trị bệnh, visa này còn bao gồm cả mục đích kiểm tra y tế, thăm khám, kenkoshindan, điều trị nha khoa, điều dưỡng (trị liệu bằng suối nước nóng…). Nếu cần thiết người bệnh có thể đi cùng người thân hoặc người chăm sóc của mình.
Tài liệu cần thiết để xin visa lưu trú y tế
- Hộ chiếu
- Ảnh (4,5cm x 4,5cm)
- Đơn xin visa (PDF)
- Giấy chứng nhận dự định thăm khám từ cơ quan y tế và giấy bảo đảm nhân thân của cơ quan bảo lãnh nhân thân (PDF)
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh tế nhất định
- Tài liệu xác minh danh tính
- Giấy chứng nhận tư cách lưu trú (chỉ khi ở lại Nhật Bản trên 90 ngày trong 1 lần)
- Lịch trình điều trị (chỉ cần khi xin visa nhiều lần)
Người đi cùng chỉ cần 1, 2, 3 và 6.
Tổng kết
Du lịch y tế tại Nhật đang ngày càng phát triển bởi dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng cao. Với những kiểm tra xét nghiệm kịp thời người ta sẽ phát hiện được sớm các bệnh có thể xảy ra để ngăn chặn trước hoặc chữa khỏi các bệnh đang có trong cơ thể. Nếu có đủ điều kiện kinh tế và thời gian kể cả đang khoẻ mạnh cũng nên thực hiện Nigendokku hàng năm để đảm bảo sức khoẻ cho chính bản thân mình.
Mang thai ở Nhật và những điều cần biết
Kazuharu (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.