Vì sao người Nhật thích ngâm mình trong suối nước nóng?

Ngâm mình trong bồn nước nóng là một trong các thói quen sinh hoạt của người Nhật. Mỗi căn nhà ở Nhật hầu như đều được trang bị bồn tắm, việc ngâm mình trong bồn nước nóng để xua tan mệt mỏi sau cả ngày dài dường như đã trở thành một phần không thể thiếu.

Học cách giảm cân hiệu quả với nước ép cà chua của người Nhật
Một số người nói rằng họ chỉ cần tắm là đủ, tuy nhiên đối với người Nhật thì việc được ngâm cả thân mình trong nước ấm và thư giãn thả lỏng là một chuyện vô cùng sung sướng. Vậy nên đối với người Nhật, thứ tuyệt vời nhất chính là suối nước nóng – onsen.
 

Tác dụng vật lý

  • Lợi ích từ nhiệt độ: khi ngâm mình trong nước ấm, nhiệt độ của nước sẽ giúp cho máu lưu thông tốt hơn. Khi máu lưu thông tốt thì sự trao đổi chất trong cơ thể cũng được nâng cao, các chất cặn bã trong cơ thể sẽ được bài tiết ra ngoài
  • Lợi ích từ áp suất nước: dưới ảnh hưởng của áp suất nước mà thân thể phải chịu, các cơ quan nội tạng sẽ được kích thích hoạt động mạnh hơn. Khi ngâm mình thì áp suất nước sẽ kích thích máu bơm về tim, từ đó kích thích vòng tuần hoàn máu và bạch cầu
  • Lợi ích từ sức nổi: nếu ngâm ngập tới cổ trong làn nước ấm, trọng lượng cơ thể bạn sẽ giảm 1/10, do đó cơ thể sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, bạn có thể tự do di chuyển. Điều này giúp thả lỏng các cơ khớp và thư giãn não bộ


 

Tác dụng tâm lý

Suối nước nóng thường ở gần núi, biển hoặc nằm giữa cảnh quan tự nhiên. Đối với những người phải làm việc trong thành thị hàng ngày thì việc được hòa mình vào giữa thiên nhiên cũng là một biện pháp giảm căng thẳng hữu hiệu.

Đi tới suối nước nóng thiên nhiên sẽ giúp giải tỏa căng thẳng và giúp thư giãn về tâm lý
 

Tác dụng dược lý

Thông qua việc thẩm thấu những chất khoáng trong suối nước nóng, việc ngâm mình có thể mang tới nhiều tác dụng khác nhau.

Hãy cùng tham khảo chất lượng và công dụng của từng loại suối nước nóng:
1. Suối nước nóng thường (単純温泉/tanjun onsen)

  • Đặc điểm: số lượng nhiều nhất trong các loại suối nước nóng ở Nhật, các suối này thường có nhiều công dụng đa dạng và ít gây kích ứng.
  • Công dụng: hỗ trợ trị liệu bệnh bất ổn hệ thần kinh thực vật, mất ngủ, trầm cảm, bệnh máu kém lưu thông khi gặp lạnh, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, cao huyết áp cấp nhẹ và giúp tăng cường sức khỏe.

2. Suối nước nóng mặn (塩化物泉/enkabutsusen)

  • Đặc điểm: số lượng nhiều thứ 2 sau suối nước nóng thường, là loại suối nước nóng có thêm thành phần muối ăn, có khả năng giữ nhiệt cao hơn.
  • Công dụng: hỗ trợ trị liệu các vết thương, vết mổ, bệnh máu kém lưu thông khi gặp lạnh, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, trầm cảm và bệnh ngoài da mãn tính.

3. Suối nước nóng muối khoáng (炭酸水素塩泉/tansansuisoensen)

  • Đặc điểm: chứa kiềm có tác dụng giúp làm mềm mịn da.
  • Công dụng: hỗ trợ trị liệu các vết thương, vết mổ, bệnh máu kém lưu thông khi gặp lạnh, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, dưỡng ẩm cho da khô

4. Suối nước nóng muối lưu huỳnh (硫酸塩泉/ryusan ensen)

  • Đặc điểm: có hiệu quả chữa lành vết thương nhanh chóng, có khả năng giữ nhiệt cao.
  • Công dụng: hỗ trợ trị liệu các vết thương, vết mổ, bệnh máu kém lưu thông khi gặp lạnh, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, trầm cảm, dưỡng ẩm cho da khô.

5. Suối nước nóng CO2 (二酸化炭素泉/nisankatansosen)

  • Đặc điểm: có khả năng giữ nhiệt độ cao trong môi trường lạnh, làm nở rộng mạch máu nên sẽ làm giảm áp suất máu xuống.
  • Công dụng: hỗ trợ trị liệu các vết thương, vết mổ, bệnh máu kém lưu thông khi gặp lạnh, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, bệnh bất ổn hệ thần kinh thực vật.

6. Suối nước nóng chứa sắt (含鉄泉/gantestusen)

  • Đặc điểm: có chứa hàm lượng sắt nên làm tăng chất lượng của suối nước nóng
  • Công dụng: hỗ trợ giảm thiểu mệt mỏi, tăng cường sức khỏe, điều hòa chu kì kinh nguyệt.

7. Suối nước nóng axit (酸性線/sansensei)

  • Đặc điểm: có thể gây kích ứng da, dùng trong trị liệu các bệnh mãn tính về da.
  • Công dụng: hỗ trợ trị liệu các bệnh viêm da dị ứng, bệnh da mãn tính.

8. Suối nước nóng i-ốt (含よう素泉/ganyososen)

  • Đặc điểm: có chứa thành phần i-ốt, có thể giúp giảm lượng cholesterol nếu uống vào. 
  • Công dụng: giảm thiểu mệt mỏi, tăng cường sức khỏe.

9. Suối nước nóng lưu huỳnh (硫黄泉/iosen)

  • Đặc điểm: mang mùi khó chịu đặc trưng của khí hydrogen sulfide H2S. Có tác dụng giúp nở rộng mạch máu và sát khuẩn.
  • Công dụng: hỗ trợ trị liệu các bệnh viêm da dị ứng, bệnh da mãn tính, huyết áp cao.

10. Suối nước nóng phóng xạ (放射能戦/ほうしゃのうせん)

  • Đặc điểm: có chứa hàm lượng nhỏ chất phóng xạ nên còn được gọi là suối nước nóng radium hoặc suối nước nóng radon, chất phóng xạ được hấp thụ qua da và đường hô hấp, được thải ra ngay sau khi ngâm mình.
  • Công dụng: giảm thiểu mệt mỏi, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ trị liệu bệnh gout, bệnh phụ khoa mãn tính.

 

Chú ý về hoạt động của hệ thần kinh thực vật dưới tác dụng của sự chênh lệch nhiệt độ

Có một số người không chịu được nhiệt độ cao của suối nước nóng, tuy nhiên tùy theo từng mức nhiệt độ khác nhau mà sự hoạt động của hệ thần kinh thực vật cũng khác.

  • Ở 42°C, hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh, kích thích hoạt động của các cơ quan nội tạng như tim
  • Ở 38°C, hệ thần kinh đối giao cảm hoạt động mạnh, giúp cho cơ thể được thư giãn

Với những người không chịu được nước quá nóng thì ngâm mình trong làn nước 38°C sẽ giúp họ ngâm được lâu hơn và thư giãn hơn.

Tùy vào loại suối nước nóng mà công dụng sẽ khác nhau. Hãy chọn suối nước nóng phù hợp với nhu cầu của bản thân và đi ngâm thử xem sao nhé. Suối nước nóng tuy có nhiều tác dụng tốt nhưng việc ngâm mình quá lâu sẽ phản tác dụng. Do đó, khi đi ngâm mình hãy nhớ uống bổ sung lượng nước cần thiết và chú ý nghỉ giữa các lần ngâm mình.
Top 20 suối nước nóng Nhật Bản được yêu thích nhất nửa đầu năm 2019
 
Kazuharu (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る