Ở Nhật có câu nói là “八百万の神々” (yaoyorozu no kamigami), dịch nghĩa đen là tám triệu vị thần, có nghĩa là trong bất cứ đồ vật nào cũng có thần linh trú ngụ. Do đó câu này còn có ý răn dạy là dù là bất cứ đồ vật nào cũng phải hết sức trân trọng.
Trong bài viết lần này, LocoBee sẽ cùng bạn tìm hiểu về các loại yêu quái ở Nhật có liên quan đến đồ vật. Mọi người có giữ gìn và sử dụng đồ vật cẩn thận không? Nếu như chúng ta dùng đồ vật một cách bất cẩn thì đồ vật sẽ hóa thành yêu quái, quay lại trả thù chúng ta cũng nên đấy nhỉ?
Ma đèn lồng (提灯お化け/chochin obake)
Ma đèn lồng bắt đầu xuất hiện từ sau thời Edo (1603 – 1868) là một chiếc đèn lồng mang mặt người. Không chỉ xuất hiện trong các sách tranh cho trẻ con hay đồ chơi, loại yêu quái này còn hay được vẽ trong tranh truyền thống ukiyo-e (浮世絵) nữa. Có lúc ma đèn lồng được vẽ nhìn có vẻ nghịch ngợm và đáng yêu, có lúc lại được vẽ thành hình thù kì dị, nói chung là rất đa dạng. Có một giả thuyết cho rằng nguồn gốc sự ra đời của ma đèn lồng là do khi người ta nhìn thấy ngọn lửa từ cây nến bên trong liếm vào phần lồng đèn làm cháy đèn, tạo nên hình thù ở bên ngoài nhìn như một gương mặt người với miệng mở to và mắt cũng đang nhìn trừng trừng. Vậy nên cũng không hề khó hiểu khi có một đứa trẻ nào đó vô tình nhìn thấy và hét lên “Ma kìa!” đâu nhỉ.
Đèn lồng – nét đẹp văn hoá Nhật Bản
Ma dù (からかさ小僧/kasakasa kozo)
Ma dù hay còn gọi là Ma dù một chân giống như hình vẽ ở trên là một loại yêu quái biến hóa từ cây dù. Tương tự với ma đèn lồng, các sự tích về ma dù cũng bắt đầu được lưu truyền từ thời Edo, cũng có nguồn gốc là đồ chơi cho trẻ em hoặc là các món đồ từ trong các ngôi nhà bị ma ám.
Thông thường ma dù được thuật lại là mang hình dáng của một chiếc dù có một mắt, nhảy lò cò khắp nơi. Tuy nhiên từ thời thịnh hành tranh ukiyo-e cho tới trong truyện tranh, hoạt hình hay phim ảnh thời hiện đại thì hình tượng ma dù ngày càng được khắc họa như là loài yêu quái mang nhiều sức mạnh hơn so với nhân vật ma dù vốn được lưu lại trong truyền thuyết. Ma dù là loại yêu quái cực kì nổi tiếng ở Nhật thế nhưng lại có rất ít truyện kể truyền miệng về nó, có vẻ như độ phổ biến của ma dù là do hình tượng này hay được sử dụng trong các ấn phẩm băng hình hoặc văn học là chính.
Yêu quái ở Nhật Bản vô cùng đa dạng, có nhiều chủng loại từ hình người cho tới đồ vật, thật thú vị phải không nhỉ.
MTWアキ (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.