Nhật Bản vật lộn với công tác giúp đối tượng Hikikomori quay trở lại cộng đồng
Theo thông báo của chính phủ Nhật Bản vào hồi tháng 3 năm nay, số trường hợp người Nhật tự tách mình ra khỏi xã hội (hiện tượng Hikikomori) ở độ tuổi từ 40 đến 64 ước tính trên 610.000 người, từ 15 đến 39 tuổi là 541.000 người.
Thiếu nhân lực xã hội
Tại cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra mới đây, Đảng Dân chủ Tự do cam kết đẩy mạnh dịch vụ tư vấn toàn diện để giải quyết vấn đề có tên gọi “vấn đề 80-50”. Đây là thực trạng các gia đình cha mẹ ở độ tuổi 80 và những đứa con thuộc đối tượng Hikikomori độ tuổi 50 đang sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn về tài chính.
Sống cạnh xác cha mẹ: chuyện gì đang xảy ra ở Nhật Bản?
Tuy nhiên những người phụ trách việc giải quyết vấn đề Hikikomori cho biết rằng họ đang không có đủ nguồn nhân lực.
Andante là một ví dụ. Đây là tổ chức công cộng được vận hành bởi một quận phía Tây tỉnh Kagawa có vai trò hỗ trợ những người sống cô lập với xã hội. Hàng năm tổ chức này nhận khoảng 500 yêu cầu tư vấn tuy nhiên chỉ có 3 cán bộ đảm nhiệm công tác này, chưa kể là cả 3 cán bộ này còn phải phụ trách các công việc hành chính khác.
hito.toco cũng là một tổ chức giúp đỡ những trường hợp Hikikomori quay trở lại hoà nhập với cộng đồng được đặt ở thành phố Takamatsu. Tổ chức giúp đỡ bằng cách cung cấp việc làm theo thoả thuận được kí kết với chính quyền tỉnh Kagawa. Ông Miyatake Shota – chủ tịch của tổ chức này chia sẻ “Chúng tôi đang thiếu rất nhiều nhân lực. Chúng tôi không chỉ cần những người có thể tư vấn mà còn cần những người có thể tới thăm gia đình, đưa ra tư vấn để hỗ trợ các tổ chức có dịch vụ phù hợp với họ”.
Ông Miyatake còn cho biết thông thường phải mất gần 3 năm mới có thể giúp cho một người Hikikomori quay trở lại kết nối với cộng đồng. Làm việc chính là hình thức để những người này có thể phục hồi chức năng xã hội. Thêm vào đó việc tạo ra môi trường để những đối tượng này có thể giao tiếp nhiều hơn là điều vô cùng quan trọng.
Hikikomori và những vụ án liên quan
Vấn đề giúp những trường hợp Hikikomori đặc biệt là đối tượng trung niên quay trở lại cộng đồng thu hút rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản kể từ sau 2 vụ án giết người nghiêm trọng đã diễn ra trong năm nay.
Cụ thể vào ngày 28 tháng 5, một người đàn ông 51 tuổi đã dùng dao đâm điên cuồng vào đám đông làm cho 2 người chết và hơn 10 người bị thương. Hung thủ sống cùng với chú và dì ở độ tuổi 80 và là một trường hợp ít khi ra khỏi nhà. 4 ngày sau đó, một cựu quan chức chính phủ Trung ương cấp cao đã đâm chết con trai 44 tuổi của mình. Người cha này đã nói với cảnh sát rằng cuộc tấn công bằng dao ngày 28 tháng 5 đã làm dấy lên cho ông lo ngại rằng con trai của mình có thể làm hại tới người khác.
Các tổ chức hỗ trợ bày tỏ lo ngại rằng những vụ án liên quan đến Hikikomori có thể dẫn tới sự hiểu lầm và định kiến không đáng có trong xã hội. Lúc này là thời điểm cần phải nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn việc gia đình cô lập họ.
Theo The Mainichi
bình luận