Dưới đây là câu chuyện có thật kể về sự ra đi của cô gái tên là Takahashi Mioko. Cô sinh năm 1989 tại Canada với bố là người Canada và mẹ là người Nhật. Sau khi bố mẹ li hôn, năm 4 tuổi cô đã cùng với mẹ trở về Nhật Bản. Và đây là quyết định mà cho đến tận bây giờ mẹ của cô – bà Takahashi Noriko vẫn vô cùng hối hận.
Bởi vì là con lai “hafu”
Khi trở về Nhật, mẹ của Mioko đã lo lắng việc con gái của mình có thể bị bắt nạt vì lí do cô là con lai. Vì vậy mà bà đã dặn với cô bé rằng “ở Nhật con được gọi là hafu (con lai) nhưng cứ là chính mình con nhé”.
Sự thật đúng là như vậy cô bị bạn cùng trường gọi là “gaijin” (xuất phát từ gaikokujin/người nước ngoài – cách nói thiếu tôn trọng đối phương) rồi “về Canada đi”…
Trong bài văn của cô hồi tiểu học, cô có viết “何にも悪い事してないのにと悲しくなるし、同じ人間なのに、なぜ差別するの” (tạm dịch: tôi không làm gì xấu cả nhưng tại sao tôi lại phải khổ như vậy, cùng là con người mà sao lại có sự phân biệt như thế?)
Mioko là một đứa trẻ mà nếu như có bạn nào khóc sẵn sàng đứng ra an ủi, nói ra chính kiến của mình.
Rơi vào tình cảnh bị bắt nạt
Việc bị bắt nạt của cô chính thức bắt đầu khi cô lên học cấp 2 tại một trường tư thuộc tỉnh Aichi. Bắt đầu từ việc bị bắt nạt ở câu lạc bộ cổ động mà cô tham gia, buộc cô phải ra khỏi đội hình. Ở lớp học thì bị nghe những từ chê bai vẻ bề ngoài hơi không giống các học sinh khác của mình như “nhiều lông”, “tóc xoăn tự nhiên”… Sách vở của cô bị ghi đầy những từ như “ghớm ghiếc”, “kinh tởm”, “chết đi”. Dưới chân bàn cô tập trung toàn rác, có khi bàn của cô còn bị lôi ra khỏi lớp học… Có khi những học sinh cùng lớp vẽ chân dung của cô lên bảng đen sau đó lấy dép ném lên hình đó.
Từ đó cô trở nên sợ việc phải đến trường, mỗi lần từ trường về cô lại khóc.
Genkai – Giới hạn
Tháng 3 năm nhất trung học, có lần cô đến chỗ để giày của mình trên trường, hình ảnh đập vào mắt cô là bên trong đôi giày của mình bị gắn đầy đinh ghim. Cô đã mang giày tới báo giáo viên chủ nhiệm. Thầy giáo này tuy tháo hết các đinh ghim này ra cho cô nhưng nói với cô rằng “Lớp này không có ai bắt nạt ai cả. Do em cứ suy nghĩ quá lên thôi.”
10 ngày sau đó là lễ kết thúc năm học. Khi cô vừa vào lớp một học sinh khác liền “Vì mùi mồ hôi ghê quá nên thay đổi chút không khí thôi” vừa nói học sinh này vừa đứng lên mở cửa lớp học. Lúc này cô đã không chịu được, trên đường về nhà cô đã gọi điện nói với mẹ.
Dù có trốn tránh
Năm thứ 2 trung học, vì không muốn bị bắt nạn cô đã được chuyển trường. Ở trường này cô không còn bị bắt nạt nữa. Nhưng lúc này tâm lí của cô có chút thay đổi. Khi đi khám cô được chẩn đoán là mắc chứng PTSE (Post Traumatic Stress Disorder – Rối loạn căng thẳng sau sang chấn).
Thời gian sau đó, cô vừa theo học tại một free school (một loại trường học tiếp nhận những đứa trẻ không đi học…), vừa đi điều trị tâm lí. Đến năm 2 cô chuyển từ trường có nhiều học sinh ngoại quốc hay những đứa trẻ Nhật từ nước ngoài trở về sang học một trường cấp 2 tư.
Cuộc chiến với bản thân
Vào kì 1 năm Nhất cấp 3, cô tham gia một cuộc thi nói tại trường. Vì thế cô đã dũng cảm viết về thời gian bị bắt nạt của mình. Bài viết của cô có tên “自分との戦い” (Cuộc chiến với bản thân).
Cũng chính nhờ đó, khi học cấp 3 cô đã tìm được những người bạn thật sự hiểu cho những trải nghiệm của mình. Những ngày tháng được hồn nhiên vui cười cùng những người bạn như thế đã đến với cô.
Tự sát
Vào tháng 8 năm thứ 2 cấp 3, mẹ cô nhập viện vì bệnh mãn tính. Lúc này Mioko chỉ có một mình, cô đã nhắn tin với một người quen của mình rằng “Mọi người bảo tôi chết đi. Vì đau lòng quá nên tôi đã uống thuốc”.
Thấy có gì không ổn người quen này đã liên lạc tới bạn cô rằng cần tới nhà Mioko gấp. Mioko đã nghe máy từ người bạn này nhưng lúc đó thì ý thức của cô không còn bình thường nữa và giữa chừng của cuộc gọi không còn nghe thấy Mioko nói nữa. Vào tờ mờ sáng ngày 18 tháng 8, cô đã kết thúc cuộc đời 16 năm ngắn ngủi của mình bằng việc nhảy xuống từ tầng 8.
Trên bàn học của mình cô đã để lại những dòng chữ sau đây bằng bút đỏ “まま大好きだよ。みんな大好きだよ。愛してる。でもね、もうつかれたの。みおこの最後のわがままきいてね。こんなやつと友ダチでいてくれてありがとう。本当にみんな愛してるよ。でも、くるしいよ。”
Tạm dịch: Con yêu mẹ. Yêu mọi người. Thế nhưng con đã mệt mỏi quá rồi. Hãy nghe những lời ích kỉ cuối cùng của Mioko nhé. Cảm ơn vì đã làm bạn với một người như tớ. Thật sự rất yêu mọi người. Nhưng tớ thực sự đau khổ lắm”.
Nguyên nhân cái chết của Mioko
Sau khi con gái tự tử, mẹ của cô muốn biết nguyên nhân đằng sau đó, bà đã kiện phía nhà trường. Tại phiên toà thứ nhất, nguyên nhân được khẳng định là do bị bắt nạt. Tuy nhiên ở phiên thứ hai, người ta phán quyết rằng do sự xích mích với bạn học cấp 3 nên Mioko bị stress dẫn đến hành động tự sát chứ không liên quan đến việc bị bắt nạt.
Mẹ Mioko chia sẻ “Mioko là con lai nên bề ngoài khá nổi bật, thêm vào đó lại là người hay nói thẳng. Vì thế tôi nghĩ đó là điều khiến Mioko bị bắt nạt. Ở Nhật, không có việc gây hiềm khích, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa cũng xem như không có gì. Người ta nghĩ rằng việc có một ý kiến khác sẽ làm mất đi chữ “Hoà” nên đó là điều xấu. Mioko đã phải sống trong sự dằn vặt như thế”.
Bài viết đọc thêm:
Bị bắt nạt vì là người nước ngoài?
Theo NHK