Bị bắt nạt vì là người nước ngoài?

“Tại sao gaijin mà lại có tên như người Nhật?” là câu hỏi của một khách hàng dành cho 藤原(Fujiwara)- cô gái 19 tuổi đang làm việc tại combini. Ngay từ khi còn nhỏ Fujihara đã phải nghe đi nghe lại từ “gaijin” và luôn tự hỏi đến bao giờ mình mới không còn bị coi là “gaijin”.

* gaijin (ガイジン) và gaikokujin (外国人) là từ mà người Nhật dùng để chỉ những người nước ngoài không phải là người Nhật, tuy nhiên gaijin có lúc mang ý nghĩa thiếu tôn trọng và có phần có định kiến.

 

Sinh ra và lớn lên ở Nhật

Ảnh: yamato-kokusai

Sheikufujiwara Aisha (星玖藤原愛紗) 19 tuổi hiện đang sống tại tỉnh Kanagawa. Cha cô là người Pakistan, mẹ là người Peru. Aisha sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. Lần đầu tiên cô nghe thấy từ “gaijin” là khi học năm đầu tiên tiểu học. Lúc đó cô không hiểu từ đó có ý nghĩa là gì mà chỉ đơn giản nghĩ rằng mọi người đang đùa giỡn và không có ý gì xấu. Tuy nhiên chính từ ngày hôm đó, hầu như ngày nào cô cũng phải nghe bạn bè mình vừa cười cợt vừa nói ra từ đó. Thậm chí còn có bạn nói rằng “Tại sao gaijin lại sống ở Nhật, trở về đất nước của mình đi!”.

Dần dần khi học lên cao hơn, Aisha bắt đầu bị đối xử bằng bạo lực. Hầu như ngày nào đi học cô cũng bị 3 học sinh nam đuổi đánh. Có lúc bị đánh đến quần rách chảy máu, chiếc ô yêu thích cũng bị làm hỏng. Trong thâm tâm cô luôn tự hỏi vì sao bạn bè lại cười cợt mình, liệu bản thân mình đã làm điều gì sai?

 

Không có lối thoát, không có chỗ trú

Bản thân Aisha biết rằng mình đang bị “bắt nạt” nhưng cô không thể trao đổi cùng thầy cô. Việc Aisha bị gọi là gaijin, bị đuổi đánh thầy cô có lẽ đều biết nhưng họ lại không có một lời nào. Aisha đã từng hi vọng rồi từ bỏ bởi cô không muốn khiến cho cha mẹ phiền lòng. Mặc dù đã có lúc cô muốn nói với cha mẹ rằng “con không muốn đi học” nhưng cuối cùng cô vẫn tiếp tục đến trường như bình thường. Ở trường Aisha cũng có bạn tốt nhưng từ khi người bạn ấy nói rằng “Aisha cũng có chỗ khác biệt đấy nhỉ” thì cô đã quyết định giữ mình và không mở lòng với ai nữa.

 

Lí do bị bắt nạt?

Thầy Funachi Atsushi (舟知敦) là một trong những người điều hành hội giao lưu mà Aisha đã tham gia. Ngoài công việc chính thức là giảng dạy ở trường học, thầy Funachi còn tham gia hướng dẫn về khoa học và tiếng Nhật với tư cách là tình nguyện viên cho các em học sinh người nước ngoài có mục tiêu vào học tại các trường tại Nhật. Trả lời cho câu hỏi “Vì em là người nước ngoài nên em bị bắt nạt có phải không?” của Aisha, thầy chia sẻ rằng:

“Những người đi bắt nạt nghĩ rằng người nước ngoài là người có sự khác biệt về vẻ ngoài và văn hoá nên có bắt nạt cũng chẳng sao. Nếu nói lí do bắt nạt là người nước ngoài thì chẳng phải là những người Nhật đang bị bắt nạt sẽ ở “vùng an toàn”đấy hay sao? Có rất nhiều trẻ em có anh chị em bị bắt nạt nhưng chúng không nói cho cha mẹ nghe vì sợ gây thêm rắc rối. Có những bậc cha mẹ dù biết con mình bị bắt nạt nhưng vì tiếng Nhật của họ không đủ để lí giải nên họ cũng do dự. Có rất nhiều trường hợp bị bắt nạt với lí do là người nước ngoài. Mặc dù không thể chắc chắn lí do của việc bị bắt nạt song để tránh tình trạng này xảy ra thì không chỉ cần có hướng dẫn mà còn cần trách nhiệm từ các trường, các giáo viên trong trường”.

 

Lời kết

Càng ngày càng có nhiều trẻ em là người nước đến Nhật sinh sống cùng cha mẹ hoặc trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản mà bố mẹ là người nước ngoài. Nhìn vào mặt tích cực thì xã hội Nhật Bản cũng đang dần chấp nhận các yếu tố nước ngoài trở thành một phần trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều vấn đề đang thực sự cần được giải quyết như: nạn bắt nạt học sinh nước ngoài tại trường học, nạn phân biệt đối xử giữa người Nhật Bản với người nước ngoài… Ngay trong các dữ liệu khảo sát tình trạng bắt nạt học đường của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cũng chưa có số liệu nào cụ thể về lượng học sinh là người nước ngoài bị bắt nạt. Chính vì thế nếu có ý định sống lâu dài tại Nhật Bản các bậc làm cha mẹ người nước ngoài nên suy nghĩ thật kĩ đến những điều con cái mình có thể gặp phải trong tương lai.

Cơ quan bảo vệ nhân quyền của Bộ Tư pháp hỗ trợ tư vấn miễn phí cho người nước ngoài

 

Naoko (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る