[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Quá trình bảo lãnh gia đình và xin cho con đi nhà trẻ ở Nhật của chàng kĩ sư IT
Tại chuyên mục Câu chuyện người Việt ở Nhật tháng 2 này, LocoBee sẽ giới thiệu tới các bạn chàng kĩ sư trẻ đang làm việc tại Nhật Bản. Ngoài chia sẻ về con đường đến Nhật, nhân vật còn chia sẻ cho chúng ta quá trình bảo lãnh gia đình và xin cho con đi nhà trẻ thực tế!
Nguyễn Luân
- Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội
- Sang Nhật làm việc từ tháng 10 năm 2016 đến nay
- Bảo lãnh vợ sang từ tháng 3 năm 2019
- Con nhập học vào nhà trẻ từ tháng 4 năm 2020
LOCOBEE: Cơ duyên nào đưa bạn đến Nhật?
Luân: Trong thời gian học đại học năm thứ 4 (2015), mình có tham gia vào 1 khoá học tiếng Nhật miễn phí của trường trong khoảng 1 năm. Trong quá trình học mình thấy khá hứng thú với việc làm việc ở Nhật. Cuối khoá học, mình có tham gia các buổi Job Fair và may mắn trúng tuyển vào 1 công ty của Nhật.
LOCOBEE: Công ty mà bạn đang làm việc đã hỗ trợ bạn những gì khi bạn vừa mới sang Nhật?
Luân: Lần đầu tiên tới Nhật nên có rất nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên công ty mình đã hỗ trợ tìm/thuê nhà, hướng dẫn làm các thủ tục hành chính cần thiết như khai báo địa chỉ, làm sổ ngân hàng, làm con dấu…
Ngoài ra công ty mình cũng có các đàn anh người Việt Nam nên mình cũng nhận được nhiều giúp đỡ từ các anh.
LOCOBEE: Bạn có gặp khó khăn gì khi mới sang Nhật hay không?
Luân: Cũng giống như nhiều người lần đầu tiên đến Nhật, khả năng giao tiếp tiếng Nhật và sự khác biệt văn hoá là những khó khăn ban đầu với mình. Ngoài ra trong cuộc sống hàng ngày cũng phát sinh nhiều vấn đề ví dụ như cách đi tàu điện, siêu thị, bệnh viện…
Tuy nhiên nếu cố gắng học tập và quan sát thì việc khắc phục cũng không quá khó khăn.
LOCOBEE: Bạn có lời khuyên nào để có thể làm việc tốt với người Nhật?
Luân: Đầu tiên mình nghĩ nên tìm hiểu về văn hoá làm việc của Nhật nói chung và công ty sẽ/đã/đang làm việc. Việc này khá quan trọng giống như ở Việt Nam có câu “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nhận thức được văn hoá này bạn có thể điều chỉnh hành động của bản thân sao cho phù hợp nhất.
Nhìn chung người Nhật đề cao sự đúng giờ, làm việc có kế hoạch, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Ngoài ra theo quan sát cá nhân, người Nhật ngoài đánh giá nhân viên bằng kết quả công việc thì quá trình thực hiện (報連相) cũng được đánh giá quan trọng không kém.
LOCOBEE: Bạn có thể chia sẻ về kinh nghiệm thực tế của bản thân khi xin visa cho vợ con từ Việt Nam sang Nhật không?
Luân: Tiêu chuẩn để xin visa gia đình là người bảo lãnh phải đảm bảo và chứng minh được năng lực tài chính để đảm bảo cuộc sống của gia đình khi sinh sống ở Nhật. Năng lực tài chính ở đây thường thể hiện qua mức độ uy tín của công ty đang làm việc, mức lương, số người phụ thuộc hiện tại (cái này là nguyên nhân mình bị trượt lần đầu), tình trạng nộp thuế, lịch sử lưu trú tốt hay xấu…
Thủ tục:
Tham khảo hướng dẫn của Bộ Tư pháp Nhật Bản: http://www.moj.go.jp/ONLINE/IMMIGRATION/ZAIRYU_NINTEI/zairyu_nintei10_19.html
Giấy tờ cần chuẩn bị về cơ bản sẽ bao gồm:
1. Đơn xin tư cách lưu trú có ảnh 3×4, đằng sau ảnh ghi tên người được bảo lãnh – 在留資格認定証明書交付申請書 (COE)
Có thể tải về từ trang web của Bộ Tư pháp, mục số 11: http://www.moj.go.jp/ONLINE/IMMIGRATION/16-1-1.html
2. Phong thư ghi địa chỉ người bảo lãnh gắn sẵn tem 404 yên để Cục gửi kết quả về nhà
3. Giấy chứng minh quan hệ với người bảo lãnh: bản sao + bản dịch (không cần công chứng), thường sẽ là sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của con, giấy kết hôn
4. Bản sao thẻ gai (thẻ tư cách lưu trú) của người bảo lãnh
5. Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của người bảo lãnh (quan trọng!!!)
- Giấy tờ xác nhận đang làm việc tại công ty (在職証明書) xin từ phía công ty
- Giấy tờ xác nhận đóng thuế thu nhập cá nhân (課税証明書), đóng thuế thị dân (納税証明書) xin từ phía 区役所 bạn sống tại thời điểm ngày 1/1 gần nhất
- Ngoài ra có thể nộp thêm chứng minh số dư tài khoản ngân hàng (không bắt buộc)
Nơi nộp: Cục xuất nhập cảnh gần nhất
Thời gian xét duyệt: 1 đến 3 tháng (ghi trên trang bộ tư pháp)
Quá trình xin tư cách:
Mình xin tư cách mất 2 lần, lần đầu bị trượt. Về giấy tờ 2 lần đều giống nhau như trên phần thủ tục đã ghi.
Lần 1: Nộp đơn cuối tháng 8/2018
Tình trạng bản thân thời điểm nộp:
- Hơn 2 năm làm việc tại nhật
- Công ty tương đối uy tín đã lên sàn chứng khoán
- Số người phụ thuộc: 03
Cuối tháng 11/2018 có kết quả từ Cục báo về bị đánh trượt. Khi nhận được kết quả mình đã đến Cục để hỏi lý do cụ thể và nhận được câu trả lời là do số người phụ thuộc của mình nhiều nên nếu đón gia đình sang thì khả năng sẽ không đảm bảo được cuộc sống. Sau khi biết được lý do, vừa hay kịp thời điểm điều chỉnh thuế cuối năm ở công ty, mình gỡ bỏ số người phụ thuộc và tiến hành làm lại thủ tục để nộp lại.
Lần 2: Nộp đơn đầu tháng 1/2019
So với lần 1, mình nộp thêm giấy 源泉徴収票 của năm 2018 để chứng minh đã gỡ bỏ người phụ thuộc. Tình trạng bản thân thời điểm nộp:
- Hơn 2 năm làm việc tại nhật
- Công ty tương đối uy tín đã lên sàn chứng khoán
- Số người phụ thuộc: 01
Sau 1 tuần có kết quả nhận COE!!!
Bài học của bản thân:
- Nếu bị trượt thì nên bình tĩnh đến nơi nộp hồ sơ hỏi rõ lý do để chỉnh sửa hồ sơ cho lần tiếp theo
- Không được hỏi lí do bị trượt qua điện thoại và chỉ được hỏi 1 lần nên nếu không tự tin về khả năng tiếng Nhật thì nên đi cùng với người giỏi tiếng Nhật
- Khoảng cách giữa các lần nộp hồ sơ là không giới hạn (không phải đợi 6 tháng sau mới được nộp tiếp)
- Nếu bạn không tự tin về năng lực tài chính, lịch sử lưu trú thì nên tham khảo luật sư để được tư vấn tốt nhất
LOCOBEE: Bạn có thể chia sẻ về kinh nghiệm đăng kí nhà trẻ cho bé được không?
Luân: Mình đã đăng kí nhà trẻ (保育園) công ở thành phố Yokohama và bé sẽ bắt đầu nhập học vào tháng 4 năm nay. Mỗi thành phố có quy định khác nhau do đó việc đến kuyakusho nơi mình đang cư trú để tìm hiểu rõ thông tin là điều cần thiết. Ở Nhật năm học mới thường bắt đầu vào tháng 4 hàng năm. Thủ tục đăng kí thường có 2 đợt tiến hành từ tháng 10 năm trước, ví dụ bạn muốn cho con học từ tháng 4/2020 thì phải làm thủ tục từ tháng 10/2019.
Ngoài ra bạn có thể đăng kí bất kì thời điểm nào trong năm cũng được, tuy nhiên tỉ lễ đỗ thường thấp do lớp đã đủ trẻ. Chỉ khi nào có sự thay đổi về số lượng (có bé nào đó chuyển nhà, chuyển trường) thì mới có khả năng đỗ.
※ Các mốc thời gian quan trọng trong việc đăng kí nhà trẻ (ở Yokohama)
Mốc thời gian hàng năm sẽ khác tuy nhiên không có sự khác biệt quá lớn:
- Đầu tháng 10, cung cấp mẫu giấy chứng nhận làm việc (就業証明書) để xin xác nhận từ công ty đang làm việc
- Giữa tháng 10, bắt đầu cung cấp hướng dẫn đăng kí nhà trẻ, bộ hồ sơ đăng kí, đồng thời bắt đầu nhận hồ sơ đợt 1 (1次利用申請)
- Đầu tháng 11, hạn nộp hồ sơ đợt 1
- Đầu tháng 1 năm sau, bắt đầu nhận hồ sơ đăng kí đợt 2 (2次利用申請)
- Cuối tháng 1 có kết quả đăng kí đợt 1 (nếu trượt đợt này sẽ tự động xét duyệt đợt 2)
- Đầu tháng 2 năm sau, hạn nộp hồ sơ đợt 2
- Đầu tháng 3 có kết quả đăng kí đợt 2 (nếu trượt thì sẽ tự động xét duyệt vào các tháng sau(từ tháng 5 trở đi)
- Nếu bạn đỗ nhà trẻ thì từ tháng 1 đến tháng 3 sẽ là giai đoạn làm việc với nhà trẻ, chuẩn bị đồ đạc, đầu tháng 4 bắt đầu nhập học
Lưu ý: Chi tiết giấy tờ bạn có thể đến quận để nhận hoặc tải từ web: https://www.city.yokohama.lg.jp/kurashi/kosodate-kyoiku/hoiku hoặc yoji/shisetsu/hoikuriyou/r2hoikuriyou.html
(địa chỉ web đăng kí năm 2019)
Điều kiện để đăng kí nhà trẻ cho con là về cơ bản bố mẹ đều đi làm hoặc đi học không có thời gian chăm sóc con. Ở Yokohama việc xem xét đỗ hay trượt dựa vào số điểm của bố và mẹ (rank). Tuy nhiên khi xét thì rank của người có rank thấp nhất được lấy làm tiêu chuẩn.
Ví dụ bố đi làm toàn thời gian rank A, mẹ đi làm thêm rank C → rank khi xét duyệt là C. Chi tiết rank bạn có thể tham khảo trong bảng hướng dẫn.
Dưới đây là 1 vài rank thường gặp đối với người Việt Nam:
A là rank cao nhất
- Đang làm việc 1 tháng ≥ 20 ngày, 1 tuần ≥ 40 tiếng: A
- Đang làm việc 1 tháng ≥ 20 ngày, 1 tuần ≥ 35 tiếng: B
- Đang làm việc 1 tháng ≥ 16 ngày, 1 tuần ≥ 24 tiếng: C
- Đang làm việc 1 tháng ≥ 16 ngày, 1 tuần ≥16 tiếng: D
- Chưa làm việc tuy nhiên đã có hợp đồng làm việc 1 tháng ≥16 ngày, 1 tuần ≥ 28 tiếng: E
- Đang làm việc hoặc có hợp đồng làm việc 1 tháng ≥ 64 tiếng: F
- Đang trước, trong, sau quá trình sinh nở: G (chú ý sau sinh 8 tuần phải quay lại làm việc)
- Đang đi học, 1 tháng ≥ 64 tiếng: E
- Đang tìm việc: H
※ Làm việc ở cơ quan, công ty (không phải ở nhà)
Bài học của bản thân:
- Nên tìm hiểu trước để chuẩn bị hồ sơ kịp thời
- Ngoài rank thì có thêm điểm cộng ví dụ như đang gửi trẻ ở trường tư…
- Yokohama cho phép đăng kí trên 20 nguyện vọng trường, do đó nên đăng kí nhiều nhất có thể, tuy nhiên chỉ nên đăng kí những trường mà bạn có thể đưa đón con đi học. Thứ tự trường nên dựa theo khoảng cách đến trường. Trong khả năng nên thăm quan trường trước khi đăng kí để xem cơ sở vật chất, không khí trường
- Nếu bạn đỗ mà từ chối kết quả thì rất khó cho lần đăng kí sau
- Tối ưu rank của gia đình mình cao nhất có thể. Ví dụ đón ông bà sang chăm con để mẹ đi làm trước, gửi tạm trường tư…
- Ngoài ra nếu trẻ ≥ 3 tuổi thì có thêm lựa chọn là gửi 幼稚園 (Yochien) ngoài 保育園 (Hoikuen)
Sự khác nhau giữa Hoikuen và Yochien ở Nhật
Theo chia sẻ của Luân, vợ Luân khi sang Nhật vừa tham gia học tiếng Nhật ở lớp học miễn phí của quận và vừa đi làm thêm. Vợ Luân đã đỗ N3 vào kì thi JLPT tháng 12 năm 2019 tại Nhật đấy!
Mong rằng với những chia sẻ của Luân nhiều bạn đọc có thể tham khảo không chỉ cơ hội việc làm mà còn cả việc bảo lãnh gia đình và xin cho con đi học ở trường tại Nhật Bản.
Hẹn gặp các bạn đọc của LocoBee tại Câu chuyện người Việt ở Nhật kì tháng 3 nhé!
Câu chuyện kì tháng 1:
[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Công ty Nhật mong muốn điều gì ở nhân viên Việt Nam?
Ngọc Oanh (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.
bình luận