Những năm gần đây chính sách tiếp nhận người lao động nước ngoài tại Nhật Bản đang trở thành chủ đề của toàn xã hội. Lần này LocoBee đã có cuộc phỏng vấn với một bạn du học sinh người Việt Nam đang trong thời gian học đại học sau khi tốt nghiệp trường tiếng Nhật về cuộc sống của bạn hiện nay. Hãy cùng xem suy nghĩ của bạn ấy khi là “du học sinh” nhé!
Thông tin cơ bản của du học sinh tham gia phỏng vấn
Tên: Việt
Giới tính: Nam
Tuổi: 20 (độc thân)
Sở thích: thời trang
Thời gian cư trú: 3 năm
Sinh viên đại học năm thứ nhất của một trường tại Tokyo
Công việc làm thêm: quán ăn (1 tuần từ 3 đến 5 buổi)
Năng lực tiếng Nhật: N3
Sở thích của Việt là thời trang nên phong cách ăn mặc của Việt thì “không phải nói”. Từ khi bước vào năm thứ 3 của cuộc đời du học sinh, Việt đã sống cùng với 3 người bạn trong một căn hộ ở thành phố. Ngoài học tiếng Nhật trong sách vở ra thì Việt còn học qua Youtube, truyện tranh, phim hoạt hình, ca nhạc, tạp chí…
1 ngày của Việt
Việt nói với chúng tôi rằng những hôm ở trường có tiết học từ sáng đến chiều thì sau đó Việt sẽ tranh thủ đi làm thêm đến tối luôn. Thường khi trở về nhà đã hơn 12 giờ đêm nên Việt cũng đã quen với việc đi ngủ muộn hơn từ khi đến Nhật Bản. Thứ 5 là ngày duy nhất được nghỉ nên Việt sẽ dùng cả ngày để nghỉ xả hơi.
Lịch sinh hoạt 1 ngày
Giờ | Nội dung |
7:20 | Thức dậy |
8:15 | Đi đến trường |
9:00 | Bắt đầu học |
16:00 | Di chuyển từ trường đến chỗ làm |
17:00 | Bắt đầu công việc |
0:45 | Về nhà |
2:00 | Đi ngủ |
Lịch sinh hoạt của tuần
Thứ Hai | Đi làm |
Thứ Ba | Đi học → Đi làm |
Thứ Tư | Đi học → Đi làm |
Thứ Năm | Nghỉ |
Thứ Sáu | Đi học → Đi làm |
Thứ Bảy | ※Đi làm |
Chủ nhật | ※Đi làm |
※Là những ngày có thể đi làm hoặc không
Đối với học sinh thì việc đi làm thêm tới tối muộn là chuyện rất bình thường bởi lương theo giờ khi làm vào buổi tối cao hơn làm ban ngày và có những du học sinh còn làm từ tối muộn đến sáng hôm sau. Tuy nhiên, rất khó để có thể đi học ở trường từ 3 đến 6 tiếng với một cơ thể mệt mỏi và có không ít học sinh đã ngủ gật trong các giờ học. Vì việc xin visa liên quan đến tỉ lệ đi học ở trường nên học sinh đi muộn hay nghỉ học nhiều cũng là một vấn đề hay được nhắc tới. Cân bằng giữa học tập và làm thêm là điều mà bất kì du học sinh nào cũng phải cân nhắc.
Về việc học hành ở trường
Mục tiêu của Việt là thi đỗ bằng năng lực tiếng Nhật N2 nên hàng ngày việc học tiếng Nhật là chuyện đương nhiên. Khi nói về việc học của mình, Việt tỏ ra khá lo lắng và kể với chúng tôi rằng đến hiện tại mình đã đọc được văn bản bằng tiếng Nhật. Hội thoại hàng ngày cũng không có vấn đề gì vì đối phương luôn cố gắng nói chuyện dễ hiểu (có lẽ do biết Việt là người nước ngoài). Tuy nhiên có những khi Việt cảm thấy rất thất vọng vì không thể truyền đạt được cho đối phương ý mình muốn nói bằng tiếng Nhật.
Ở đại học Việt đang theo học về chuyên ngành kinh tế. Trong chương trình học có những tiết học dạy bằng tiếng Nhật nên khi có cơ hội phát biểu về kiến thức mình đã học Việt đều khá thích thú, còn lại những giờ học khác đa số chỉ là nghe thầy giáo giảng bài nên khá chán… Tuy nhiên đây lại là cơ hội để Việt được gặp thầy cô cùng bạn bè, tạo thêm các mối quan hệ xã hội tốt.
Định hướng trong tương lai
Hiện tại dù mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất đại học nhưng Việt đã có định hướng tương lai cho mình. Dự định của cậu bạn này là trở thành thông dịch viên cho hoạt động du lịch của người Việt Nam và bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam.
Nội dung cuộc phỏng vấn
Người thực hiện cuộc phỏng vấn lần này là cộng tác viên người Nhật của LocoBee bạn Yamaguchi Mao, là một người Nhật bên Yamaguchi đã hỏi Việt những câu hỏi mà mình đang khá băn khoăn.
(Q: LocoBee, A: Việt)
Q: Bạn tìm các thông tin liên quan đến Nhật Bản ở đâu? Công cụ tìm kiếm thông tin mà bạn hay dùng là gì?
A: Thường là do bạn bè đang sống ở Nhật nói cho chứ không liên quan đến các vấn đề cụ thể. Nếu không biết gì thì tìm thông tin trên Google.
Q: Bạn có sợ động đất không? Bạn có nắm được các thông tin về động đất và các địa điểm lánh nạn không?
A: Cũng không sợ hãi lắm vì nó chỉ hơi khác so với ngày thường một chút thôi (cười). Nếu có động đất thì thông báo ở điện thoại di động sẽ kêu vang nên sẽ để ý. Còn chỗ lánh nạn thì mình không biết.
Q: Khi có kì nghỉ dài ngày bạn có về Việt Nam không?
A: Vì mình đã hứa với gia đình là sẽ không về nhà cho đến khi đỗ N2 nên cho đến lúc đó thì mình sẽ không về.
Q: Đồ ăn Nhật Bản có hợp khẩu vị của bạn không?
A: Mình thích sushi còn các món khác thì không thích lắm. Bình thường mình sẽ không ăn ở căng tin của trường mà đến các quán Thái hoặc quán Trung Quốc để ăn. Đặc biệt là mình không thích ăn cơm hộp và bánh mì ở combini.
Q: Bạn thường đi chơi ở đâu?
A: Harajuku và Asakusa, thỉnh thoảng mình đến Tokyo Disneyland.
Q: Bạn thấy sao về học phí và cuộc sống ở Nhật Bản?
A: Mình không phải trả hết các khoản này mà có sự trợ giúp từ gia đình. Khi nào thiếu tiền mình sẽ mượn bạn bè rồi đi làm trả lại sau.
Lời kết:
Việt là một người có mục tiêu và định hướng cho bản thân nên dù có khó khăn thì bạn vẫn luôn cố gắng. Các bạn du học sinh mỗi khi cảm thấy thiếu động lực hãy nhớ tới quyết tâm ban đầu của mình khi chọn Nhật Bản làm nơi để học tập nhé!
Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài phỏng vấn này, hẹn gặp lại các bạn ở những bài phỏng vấn sau!
Yamaguchi Mao (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.
bình luận