Thủ tịch nhập quốc tịch Nhật Bản từ kinh nghiệm thực tế

Bài viết lần này là một kinh nghiệm thực tế của một bạn nữ người Việt (chồng là người Nhật Bản) đã nhập quốc tịch Nhật một cách thành công. Mong rằng với những bạn cùng trường hợp và có ý định đổi sang quốc tịch Nhật Bản có thể tham khảo để thực hiện thủ tục một cách suôn sẻ nhé!

Người chia sẻ: Khánh Ngân

Mình vừa làm xong hết các thủ tục chuyển sang quốc tịch Nhật nên mình xin chia sẻ quá trình làm của mình cho những ai quan tâm tham khảo. Mình xin chia quá trình xin quốc tịch Nhật làm 3 giai đoạn như dưới đây.

 

1. Chuẩn bị và nộp hồ sơ cho Sở tư pháp

Gọi điện thoại đến Sở tư pháp (法務局/Homukyoku) gần nơi bạn đang sống xin lịch hẹn gặp để được nhận tư vấn về việc xin quốc tịch Nhật.

Trực tiếp đến Sở tư pháp để nhận tư vấn về hồ sơ: Tuỳ vào nhân thân từng người mà hồ sơ chuẩn bị sẽ khác nhau nên sau khi nhận tư vấn với Sở tư pháp, họ sẽ cho bạn 1 danh sách những giấy tờ bạn cần chuẩn bị. Trường hợp của mình kết hôn với người Nhật thì mình đã chuẩn bị như sau:

  1. Đơn xin nhập quốc tịch Nhật
  2. Đơn viết lý do nhập quốc tịch Nhật (tự viết tay)
  3. Sơ yếu lý lịch
  4. Bản khai các thành viên gia đình
  5. Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam
  6. Giấy khai sinh của bản thân và anh chị em ruột
  7. Giấy đăng ký kết hôn của bản thân và của bố mẹ đẻ mình
  8. Sổ hộ khẩu ở Việt Nam
  9. Copy hộ chiếu
  10. Giấy chứng nhận thông tin kết hôn nộp cho shi khi đăng ký kết hôn tại Nhật
  11. Hộ khẩu của chồng mình 戸籍謄本
  12. Giấy chứng nhận lưu trú – 住民票/Juminhyo
  13. Giấy kê khai về chi phí sinh hoạt hàng tháng
  14. Giấy xác nhận công việc và tiền lương tại nơi mình đang làm việc
  15. 源泉徴収票 của cả 2 vợ chồng
  16. 課税証明書 của cả 2 vợ chồng
  17. 納税証明書 của cả 2 vợ chồng
  18. Copy bằng lái của mình
  19. Bằng tốt nghiệp đại học của mình
  20. Hợp đồng thuê nhà
  21. Copy tất cả sổ ngân hàng của cả 2 vợ chồng
  22. Bản đồ khu nhà ở và chỗ làm việc

Hẹn lịch nộp hồ sơ: Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ thì gọi điện thoại đến Sở tư pháp hẹn lịch nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ không có vấn đề gì và bạn đủ điều kiện nhập tịch thì họ sẽ thụ lý hồ sơ.

Trong quá trình xem xét hồ sơ người của Sở tư pháp có thể đến thăm nhà bạn ở hoặc đến công ty bạn làm. Trong trường hợp của mình, Sở tư pháp đã không đến nhà nhưng họ có đến công ty gặp nói chuyện với cấp trên của mình tầm 30 phút.

Phỏng vấn cả 2 vợ chồng: Thời gian từ khi Sở tư pháp thụ lý hồ sơ của mình cho đến khi có lịch hẹn phỏng vấn là 5 tháng.

 

2. Làm thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam

Tiếp đó bên Sở tư pháp gọi điện thoại yêu cầu xin thôi quốc tịch Việt Nam. Tổng thời gian từ khi phỏng vấn đến khi có yêu cầu thôi quốc tịch của trường hợp của mình là 7 tháng. Như vậy giai đoạn 1 mất tròn 1 năm.

Chuẩn bị các giấy tờ theo hướng dẫn trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam: Khi mình đi nộp thì bị hỏi thêm Giấy khai sinh bản sao và bản gốc đối chiếu nên nếu bạn nào làm ở Osaka thì cứ cầm cả Giấy khai sinh đi theo phòng khi họ yêu cầu thì nộp luôn.

  • Tổng chi phí xin thôi quốc tịch Việt Nam của mình là 4,5 man nộp 1 lần luôn
  • Tổng thời gian từ lúc nộp hồ sơ đến khi nhận được giấy thôi quốc tịch của mình là 9 tháng

 

3. Làm thủ tục nhập quốc tịch Nhật

Sau khi nhận giấy chứng nhận thôi quốc tịch Việt Nam thì mình nộp lại cho Sở tư pháp để họ nộp lại cho Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Chú ý: sau khi thôi quốc tịch Việt Nam thì bạn vẫn chưa chính thức nhập quốc tịch Nhật nên sẽ có 1 khoảng thời gian bạn là người không có quốc tịch. Vì thế thời gian này nên cẩn thận, tránh xảy ra tai nạn giao thông hay các vụ việc phiền phức nếu không bên Bộ Tư pháp Nhật có thể không cho phép bạn nhập quốc tịch Nhật.

Chờ tầm 1,5 tháng thì mình có kết quả nhập quốc tịch Nhật. Kết quả này có thể tự kiểm tra trên trang インタネット版官報 của Chính phủ Nhật. Sau khi có kết quả mình gọi điện thoại đến Sở tư pháp và đặt lịch hẹn đi lấy kết quả (bạn không gọi thì họ sẽ chủ động gọi điện thoại cho bạn). Sau đó:

– Đến Sở tư pháp nhận giấy 帰化者の身分証明書 (Kikasha no mibun shomeisho – Giấy cung cấp thông tin của người nhập tịch)

– Đến Cục quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục trả lại thẻ lưu trú (phải làm trong vòng 14 ngày kể từ khi nhận giấy 帰化者の身分証明書). Khi đi cầm thẻ lưu trú + 1 bản copy 帰化者の身分証明書.

– Đến 市役所 (Shiyakusho – Cơ quan hành chính của thành phố) để đăng ký hộ khẩu ở nhật (帰化届/Kikatodoke)

– Nộp bản gốc 帰化者の身分証明書 + viết đơn 帰化届 + con dấu tên sau khi nhập tịch

Tại sao hộ chiếu Nhật Bản có “quyền lực” nhất thế giới?

Trường hợp chồng hoặc vợ là người Nhật thì cần có chữ ký và con dấu của chồng nữa.

– Làm thủ tục đổi tên bằng lái xe: cầm theo bằng lái xe + 住民票 (Giấy chứng nhận lưu trú)

– Làm thủ tục đổi tên tài khoản ngân hàng

– Làm hộ chiếu Nhật: điền đơn xin cấp hộ chiếu + 01 bản 戸籍謄本 (Bảo sao sổ Hộ khẩu/Tosekitohon)

Ngoài ra tuỳ từng người sẽ có thêm 1 số thủ tục nếu có khác: đổi tên thẻ MyNumber (マイナンバーカード), thẻ credit, giấy tờ xe ô tô, thay đổi thông tin cá nhân hợp đồng bảo hiểm…

Chúc bạn thực hiện thủ tục nhập tịch thành công hoặc chia sẻ cho người thân, bạn bè nếu họ cần nhé!

Tham khảo thêm tại: Bộ Tư pháp Nhật Bản

Kết hôn với người Nhật: Thủ tục đăng ký kết hôn khi hai người ở 2 đầu Việt – Nhật

[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Cô sinh viên ngành Luật mang dòng máu Việt – Nhật với ý tưởng bán áo dài cũ gây quỹ từ thiện

 

Ngọc Oanh (LOCOBEE)

Nội dung đã nhận được sự đồng ý chính thức từ người chia sẻ.

bình luận

sunken7023
21/06/2024
Phản hồi 1

Bạn ơi, bạn có thể hướng dẫn mình cụ thể hơn phần xin thôi quốc tịch Việt Nam không. Trên trang của lãnh sự quán có phần công dân tự làm thủ tục số 6 trước khi xin thôi quốc tịch gồm dịch hợp thức hóa lãnh sự và xin dấu bộ ngoại giao nhật bản. Mình không hiểu. Bạn có thể giải thích giúp mình không?

Thanh Nga
24/06/2024

Chào bạn, bạn nhắn tin đến Facebook LocoBee để trao đổi cụ thể hơn nhé https://www.facebook.com/Locobee.vn

ページトップに戻る