7 loại cây và hoa gắn liền với năm mới của Nhật Bản

Ở Nhật Bản, vẻ đẹp thay đổi không ngừng của thiên nhiên luôn được trân quý và tôn vinh qua nhiều cách khác nhau. Mỗi mùa trong năm đều mang nét đặc trưng riêng với những loài cây và hoa đặc sắc. Khi năm mới đến gần, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cách trang trí tinh tế trước cửa nhà hay các cửa hàng trên khắp mọi nơi. Nhưng liệu bạn có biết rằng, mỗi loài cây và hoa được chọn đều mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc?

Hãy cùng khám phá 7 loài cây và hoa thường xuất hiện trong dịp Tết Nhật Bản, cũng như ý nghĩa đặc biệt mà chúng mang lại nhé!

15 loại bùa may mắn Omamori và ý nghĩa

 

1. Fukujyuso (Hoa phúc thọ thảo)

Ý nghĩa: Mang lại hạnh phúc và phúc lành vĩnh cửu

Fukujyuso, hay còn gọi là hoa phúc thọ thảo, có sắc vàng rực rỡ, càng nổi bật hơn khi được điểm xuyết trên nền tuyết trắng. Dù thường nở rộ vào tháng 2, nhờ các giống hoa trồng trong nhà kính, Fukujyuso vẫn xuất hiện tại các cửa hàng hoa vào dịp năm mới.

Từ lâu, loài hoa này đã được xem là biểu tượng của shogatsu (Tết Nhật Bản), một phần nhờ sự trùng hợp giữa thời điểm nở tự nhiên và Tết Nguyên đán truyền thống. Tên gọi của Fukujyuso trong tiếng Nhật, với hai ký tự “phúc” và “chúc mừng,” thực sự phù hợp để khởi đầu một năm mới tràn đầy may mắn.

 

2. Matsu (Cây thông)

Ý nghĩa: Trường thọ, sinh sôi và xua đuổi tà ma

Giải mã ý nghĩa của từng món trong osechi ngày Tết của người Nhật

Từ xa xưa, cây thông đã được coi là biểu tượng mang lại điềm lành. Là một phần quan trọng trong kadomatsu (trang trí Tết đặt trước cửa nhà), cây thông giúp dẫn lối cho toshigami (Thần năm mới) đến nhà. Thông là cây thường xanh với lá kim luôn giữ màu xanh tươi suốt năm. Không chỉ trường thọ, một số cây thông còn sống đến hàng nghìn năm, khiến chúng trở thành biểu tượng cho sự vững bền, may mắn và thịnh vượng.

 

3. Take (Tre)

Ý nghĩa: Kiên định, trung thành và trường thọ

Tre là một thành phần không thể thiếu trong kadomatsu (Cổng cây thông), thường được đặt ở vị trí trung tâm. Với sức sống mãnh liệt, tre luôn vươn thẳng, giữ vững dáng ngay cả trong bão tố hay động đất, tượng trưng cho sự kiên định và phát triển.

Trong hanakotoba (ngôn ngữ của loài hoa), tre đại diện cho lòng trung thành và khả năng sinh sôi nhanh chóng, mang ý nghĩa sâu sắc về sự bền bỉ và phồn thịnh.

 

4. Senryo (Cây sói rừng)

Ý nghĩa: Biểu tượng của tài lộc, may mắn và thịnh vượng

Senryo với những quả mọng đỏ rực là loài cây thường xuất hiện trong các cách trang trí dịp Tết, đặc biệt là trong các cửa hàng và gia đình. Quả mọng của cây mọc thẳng từ đầu cành, khác biệt với manryo (một loài cây tương tự), có quả mọc rủ xuống như chùm anh đào. Cả hai loài này đều mang ý nghĩa cầu chúc tài lộc và sự phát đạt, thường được trưng bày hoặc trồng trong chậu ở trước cửa nhà.

 

5. Kiku (Hoa cúc)

Ý nghĩa: Cao quý, đức hạnh và trường thọ

Hoa cúc không chỉ là biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản mà còn gắn liền với sự trường thọ, cao quý và khả năng xua đuổi tà ma. Trong các món ăn Tết truyền thống như osechi ryori, củ cải thường được tỉa thành hình hoa cúc để tượng trưng cho sự sống lâu và thịnh vượng. Với sức sống bền bỉ và vẻ đẹp thanh tao, hoa cúc là lựa chọn phổ biến trong các cách trang trí dịp Tết.

 

6. Nanten (Cây nam thiên trúc)

Ý nghĩa: Biểu tượng của hy vọng, biến khó khăn thành thuận lợi

Nanten hay “tre trời” không chỉ có vẻ ngoài nổi bật với lá xanh và quả đỏ mà còn mang ý nghĩa đặc biệt. Trong tiếng Nhật, “nan” nghĩa là khó khăn, còn “ten” mang ý nghĩa thay đổi, thể hiện mong muốn vượt qua thử thách và hướng đến tương lai tươi sáng. Nanten thường được sử dụng trong các cách trang trí dịp Tết ở Nhật như một lời cầu chúc cho năm mới thuận lợi và suôn sẻ.

 

7. Ume (Hoa mơ)

Ý nghĩa: Biểu tượng của sự bền bỉ và chính trực

Trước khi hoa anh đào chiếm ngôi vị biểu tượng, hoa mơ từng là loài hoa được yêu thích nhất trong thời kỳ Nara. Là một trong những loài cây nở đầu tiên vào mùa đông, hoa mơ tượng trưng cho sự kiên cường, chính trực và sự bắt đầu mới mẻ.
Với sắc trắng và hồng thanh thoát, hoa mơ thường được sử dụng trong các trang trí dịp Tết như một lời chúc cho năm mới tràn đầy nghị lực và thành công.

 

Tết Nhật Bản không chỉ là dịp để sum vầy mà còn là thời gian để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên qua những loài cây và hoa mang đầy ý nghĩa. Mỗi loài cây, hoa không chỉ có sắc đẹp mà còn chứa đựng những lời chúc may mắn, thịnh vượng và trường thọ, giúp tạo nên không khí đặc biệt, tràn đầy hy vọng cho một năm mới tốt lành. Điều đó cũng đúng với văn hoá yêu hoa và thích trưng hoa trong những dịp đặc biệt như ở Việt Nam của chúng ta. Nó giải thích cho sự tương đồng trong văn hoá của các nước châu Á trong đó có cả Việt Nam và Nhật Bản.

Tháng 12 bận rộn với các buổi tiệc bounenkai (tiệc chia tay năm cũ), săn lùng fukubukuro (túi may mắn) và những hoạt động quen thuộc của dịp cuối năm. Trong guồng quay hối hả ấy, đôi khi chúng ta vô tình bỏ lỡ vẻ đẹp tinh tế của những ngày Tết, đặc biệt là những loài cây và hoa mang đến sự may mắn, tài lộc. Bạn đã chuẩn bị gì để trang trí nhà cửa đón Tết Nhật Bản chưa? Hãy chia sẻ với LocoBee nhé!

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 3.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!

Phiếu giảm giá tại Don Quijote: Miễn thuế 10% và giảm thêm 5%

 

Tổng hợp: LocoBee

Facebook