Theo khảo sát của Bộ Nội vụ Nhật Bản đối với các trung tâm tư vấn trẻ em trên toàn quốc, có khoảng 7/10 gia đình đăng ký làm gia đình nuôi dưỡng không nhận trẻ em.
Tại Nhật Bản, những người muốn trở thành cha mẹ nuôi cần đăng ký với các trung tâm tư vấn trẻ em và phải tham gia khóa đào tạo để được công nhận. Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát tại 29 trung tâm tư vấn trẻ em, và phát hiện trong số 2.690 gia đình nuôi dưỡng đã đăng ký có đến 71% (tương đương với 1.910 gia đình) không nhận trẻ em.
Các lý do không nhận trẻ em (có thể chọn nhiều đáp án) gồm:
- Không có trẻ phù hợp với mong muốn của gia đình: 32,5%
- Do hoàn cảnh gia đình nên tạm thời không mong muốn nhận trẻ: 20,3%
- Gia đình chỉ mong muốn nhận trẻ trong thời gian ngắn: 12,1%
Bộ Nội vụ và Truyền thông đã phân tích sự không phù hợp là nguyên nhân dẫn đến điều này. Chẳng hạn như độ tuổi của trẻ không đúng với mong muốn của cha mẹ nuôi, hoặc hoàn cảnh thay đổi sau khi trẻ được đăng ký làm cha mẹ nuôi. Bộ khuyến cáo Cục Gia đình và Trẻ em cần nỗ lực hơn trong việc đảm bảo đủ số lượng gia đình nuôi dưỡng.
Theo khảo sát quốc gia của Bộ Lao động và Phúc lợi, tính đến cuối năm tài chính 2022, có 16.817 gia đình đã đăng ký làm gia đình nuôi dưỡng, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2012 là 9.392 gia đình. Tuy nhiên trong số những gia đình đã đăng ký, có đến 11.877 gia đình không nhận trẻ, chiếm 70% tổng số gia đình nuôi dưỡng. Vào cuối năm tài chính 2022, số trẻ em cần sự bảo trợ xã hội do bị bệnh tật, nghèo đói hoặc bị lạm dụng lên đến 41.507 trẻ, trong đó chỉ có 19,2% trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nuôi.
Tìm hiểu về việc nhận con nuôi tại Nhật Bản
Nguồn: www.soumu.go.jp
Biên tập: LocoBee
bình luận