Vào đầu năm 2024, khi khám xét một khu nhà nghỉ bỏ hoang tại thành phố Bando cách Tokyo khoảng 50km về phía Đông Bắc, cảnh sát Nhật Bản đã tìm thấy hơn 20 người Việt cả nam lẫn nữ sống chung trong một cộng đồng bao gồm một nhà hàng và một quán karaoke. Mỗi nhà nghỉ chứa từ 2 đến 4 người, với giá thuê khoảng 40.000 yên (khoảng 6,5 triệu đồng) mỗi tháng. Chủ sở hữu khai nhận đã đồng ý cho nhóm người thuê nhà sau khi được “một tổ chức liên quan đến những người lưu trú bất hợp pháp yêu cầu”.
Ảnh minh họa
Theo nguồn tin điều tra, nhóm người Việt này có thể là những người không còn nơi nào để đi sau khi trốn khỏi các công ty nơi họ làm thực tập sinh. Họ sống trong khoảng 10 nhà nghỉ cũ thuộc sở hữu của một doanh nhân người Việt 40 tuổi. Người này đã bị truy tố vào tháng 10 với cáo buộc hỗ trợ lưu trú bất hợp pháp.
Nghi phạm người Việt bị bắt vì sử dụng 100 chiếc điện thoại để gian lận khi thanh toán
Bando là một thành phố ven sông Tone với dân số khoảng 50.000 người, chủ yếu sống bằng nghề trồng rau. Nơi này đã trở thành điểm trú ẩn cho những người Việt sau khi họ rời bỏ các công ty do mức lương thấp hoặc bị đối xử tệ bạc. Hầu hết họ là thực tập sinh kỹ thuật từng đến Nhật Bản với hy vọng kiếm được thu nhập tốt hơn nhưng nhanh chóng thất vọng. Sau khi rời nơi làm việc, họ di chuyển từ các tỉnh lân cận và tụ họp tại khu vực nhà nghỉ này nhờ kết nối qua mạng xã hội. Một số người dân địa phương than phiền về tiếng karaoke và tiếng nói vang vọng suốt đêm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật.
Số liệu từ Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy tình trạng thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài mất tích khỏi nơi làm việc đang ở mức báo động. Năm 2023, có 9.753 trường hợp thực tập sinh biến mất, trong đó Việt Nam đứng đầu với 5.481 người, tiếp theo là Myanmar 1.765 người và Trung Quốc 816 người. Nguyên nhân chủ yếu đến từ môi trường làm việc khắc nghiệt, lương thấp, hoặc bị lạm dụng lao động, đặc biệt trong ngành xây dựng, chiếm gần một nửa số trường hợp mất tích.
Vụ việc tại Bando không chỉ cho thấy những lỗ hổng trong quản lý lao động thực tập sinh nước ngoài mà còn làm làm rõ những khó khăn mà họ phải đối mặt khi tìm kiếm cơ hội sống tốt hơn tại Nhật Bản. Điều này đặt ra nhu cầu cải cách khẩn cấp đối với hệ thống thực tập sinh kỹ thuật nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và giữ vững hình ảnh của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Bắt giữ người Việt sử dụng lao động trái phép tại hộp đêm ở Aichi, Nhật Bản
Nguồn: mainichi.jp
Biên tập: LocoBee