Những sự thật thú vị về thói quen ngâm bồn của người Nhật

Như bạn có thể đoán từ văn hóa suối nước nóng của Nhật Bản, người dân ở đây rất thích tắm. Phòng tắm kiểu Nhật được thiết kế không chỉ để tắm mà còn để ngâm mình trong bồn tắm. Hầu hết người Nhật tắm vào buổi tối như một cách để thư giãn và chữa lành. Hãy cùng LocoBee tìm hiểu về những sự thật thú vị về thói quen ngâm bồn của người Nhật nhé!

ngâm bồn

 

Vùng đất suối nước nóng – cái nôi của thói quen ngâm bồn

Một trong những lý do cho sự yêu thích ngâm bồn này có thể bắt nguồn từ vị trí địa lý của đất nước. Là một quốc gia có nhiều núi lửa hoạt động, Nhật Bản rất giàu suối nước nóng tự nhiên. Điều này giúp việc tiếp cận với nước nóng trở nên dễ dàng từ thời xa xưa và giúp hình thành việc tắm rửa là trung tâm của văn hóa Nhật Bản ngay từ giai đoạn đầu. Có khoảng 27.000 suối nước nóng hay onsen ở Nhật Bản – một con số ấn tượng đối với một quốc gia tương đối nhỏ. Trên thực tế, điều đó thật đặc biệt: ở các quốc gia khác, ngay cả những quốc gia có số lượng suối nước nóng tương đối lớn, con số tương đương chỉ ở hàng trăm.

Nihon shoki, một biên niên sử lịch sử đầu tiên, ghi lại rằng hoàng đế đã tắm trong suối nước nóng của đất nước từ cách đây 1.300 năm. Ngày nay, nước nóng có sẵn ngay tại vòi, nhưng ngay cả ở các nước phát triển, điều này chưa xảy ra cho đến giữa thế kỷ XX. Vào thời chưa có hệ thống sưởi hiện đại, người dân ở những nơi trên thế giới không có nguồn suối nước nóng dồi dào rất khó có được một lượng lớn nước nóng. Đây có lẽ là lý do tại sao việc tắm nước nóng chưa bao giờ được người dân ở nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng.

Kirishima onsen

5 địa điểm onsen dành cho các gia đình có người lớn tuổi

Nền tảng tôn giáo cũng có thể là một yếu tố. Phật giáo là tín ngưỡng chính ở Nhật Bản trong phần lớn lịch sử của nước này và nhiều ngôi chùa đã cung cấp tiện nghi tắm rửa cho cư sĩ (gọi là seyoku). Điều này cũng có thể đã giúp khuyến khích việc tắm rửa thường xuyên. Trên thực tế, các cơ sở tắm lâu đời nhất ở Nhật Bản đã được phát hiện trong khuôn viên chùa Todaiji ở Nara, nơi có Đức Phật vĩ đại nổi tiếng. Một số kinh cũng khuyến khích việc tắm thường xuyên như một thực hành công đức. Hình ảnh tắm rửa như một điều đức hạnh có lẽ đã giúp phong tục này được lưu truyền như một phần của cuộc sống hàng ngày qua nhiều thế hệ tại Nhật Bản.

 

Đặc tính thư giãn, mang lại sức khỏe của việc tắm nước nóng

Trong tiếng Nhật, các cụm từ nyuyoku (tắm) hoặc ofuro ni hairu (tắm) thường liên quan đến việc ngâm toàn bộ cơ thể vào bồn nước nóng. Nghiên cứu cho thấy rằng trong khi người dân ở nhiều nơi ở Châu Âu và Châu Mỹ hiện nay gần 90% thời gian chỉ tắm bằng vòi sen thì ở Nhật Bản, khoảng 70% đến 80% người dân vẫn tắm theo cách ngâm bồn ít nhất vài lần một tuần. Tỷ lệ này tăng lên tới 90% hoặc hơn ở những gia đình có con nhỏ. Tỷ lệ dân số hiếm khi hoặc không bao giờ tắm bồn và chỉ dựa vào vòi sen, chỉ là 10%. Không quá lời khi nói rằng ở Nhật Bản bồn tắm nước nóng là vua.

ngâm bồn ofuro

Phòng tắm trong các gia đình Nhật Bản – được tách biệt hoàn toàn với bồn rửa – thường có bồn tắm đủ sâu để ngâm toàn bộ cơ thể. Bên cạnh bồn tắm là khu vực rộng rãi để tắm rửa trước khi bước vào bồn. Điều này có nghĩa là bạn phải tắm sạch sẽ trước khi vào bồn và hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng lại cùng một bồn nước nóng mọi thành viên. Rõ ràng, thói quen này đôi khi khiến những người từ các nền văn hóa khác cảm thấy mất vệ sinh. Thế nhưng với người Nhật, bồn tắm không phải là nơi để tắm rửa: nó là nơi để ngâm mình thư giãn. Trẻ nhỏ thường tắm cùng bố mẹ, khiến ofuro trở thành nơi gắn kết gia đình cũng như thư giãn.

 

Lợi ích sức khỏe của nhiệt từ bồn nước nóng

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích sức khoẻ của việc tắm thường xuyên này, vốn đã ăn sâu vào lối sống của người Nhật. Kết quả của một cuộc theo dõi 14.000 người cao tuổi trong suốt 3 năm cho thấy nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe cần được chăm sóc điều dưỡng thấp hơn khoảng 30% ở những người tắm bồn mỗi ngày so với những người chỉ tắm bồn 2 lần một tuần hoặc ít hơn. Nói cách khác, hành động đơn giản là ngâm mình hàng ngày trong bồn nước nóng có thể giúp một người giữ được vóc dáng cân đối và khỏe mạnh mà không cần phải tập các bài tập tăng cường thể chất mệt mỏi.

ngâm bồn ofuro

Vào năm 2020, kết quả của một nghiên cứu tương tự của nhóm các nhà nghiên cứu tại Osaka, những người đã theo dõi sức khỏe của khoảng 30.000 người trong suốt 20 năm. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, bao gồm đột quỵ và đau tim, ở những người tắm bồn hàng ngày thấp hơn gần 30% so với những người chỉ tắm bồn 2 lần một tuần hoặc ít hơn. Ngày càng có nhiều khả năng rằng việc tắm bồn thường xuyên có thể là một trong những lý do khiến người Nhật có sức khỏe và tuổi thọ cao.

Có 3 lợi ích sức khỏe chính của việc tắm bồn thường xuyên: nhiệt, sức nổi và áp suất thủy tĩnh. Tất nhiên, vệ sinh cá nhân tốt và sạch sẽ cũng có lợi cho sức khỏe, nhưng điều này cũng có thể đạt được bằng cách tắm vòi thông thường. Tuy nhiên, đối với 3 điều còn lại, bạn cần ngâm mình trong nước nóng.

phòng tắm

Lợi ích đầu tiên đến từ việc tăng nhiệt độ cơ thể. Đối với điều này, nước cần phải có nhiệt độ ít nhất là 38 độ C. Ngâm mình trong nước nóng khiến động mạch giãn nở, tăng cường tuần hoàn. Máu mang oxy và dinh dưỡng đến tất cả các tế bào trong cơ thể bạn (theo một số ước tính có tới 37 nghìn tỷ tế bào trong số đó) và mang đi carbon dioxide và các chất thải khác. Chính sự thúc đẩy tuần hoàn này đã mang lại cảm giác phục hồi mà bạn có được khi ngâm mình trong bồn tắm, như thể sự mệt mỏi tích tụ trong ngày đang trôi đi qua làn hơi nước.

Nhiệt cũng làm giảm đau. Làm ấm cơ thể đến nhiệt độ thích hợp giảm độ nhạy cảm của dây thần kinh và có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau lưng, cứng vai và các cơn đau nhức mãn tính khác. Nhiệt cũng làm mềm các dây chằng giàu collagen bao quanh khớp, khiến chúng dẻo dai hơn. Điều này cải thiện tính linh hoạt khắp cơ thể và giảm đau khớp. Ngoài ra ngâm mình trong nước nóng từ 2 đến 3 giờ trước khi đi ngủ có thể giúp đảm bảo một giấc ngủ ngon.

 

Lợi ích bổ sung từ thời gian tắm bồn

Lợi ích của sức nổi đến từ thực tế là cơ thể bạn đang nổi trong nước theo đúng nghĩa đen. Nếu nước dâng đến vai, bạn chỉ đang đỡ được 1/10 trọng lượng cơ thể thông thường. Một người nặng 60 kg chỉ đỡ được 6 kg trọng lượng này khi ở trong bồn tắm. Điều này cho phép các cơ được nghỉ ngơi, mang lại nhiều lợi ích hơn về mặt thư giãn.

ngâm bồn

Khi bạn ngâm mình trong bồn tắm, nước bao quanh cơ thể mang lại cho bạn lợi ích chính thứ 3, đó là tạo áp suất thủy tĩnh lên mọi bộ phận trên cơ thể. Điều này đặc biệt có lợi cho chân và phần dưới cơ thể, giúp giảm sưng tấy khi máu từ các mạch máu bị căng trở lại tim và quá trình tuần hoàn được cải thiện.

 

Nguyên tắc ngâm bồn

Đâu là nhiệt độ phù hợp?

Nhiều nghiên cứu tại Nhật Bản đã chỉ ra rằng tắm nước quá nóng (nhiệt độ từ 42° trở lên) sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, một phần của hệ thần kinh tự chủ. Điều này gây ra phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy: nhịp tim tăng, huyết áp tăng và cơ bắp căng thẳng. Vì mục đích của việc tắm nói chung là để thư giãn nên những thay đổi về thể chất này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta mong muốn. Ngược lại, tắm nước ở nhiệt độ khoảng 40° sẽ kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, giúp cơ thể thư giãn và xoa dịu căng thẳng.

ngâm bồn

Nguyên tắc ngâm bồn cơ bản

Ngâm mình trong bồn nước nóng (khoảng 40 độ, hoặc mát hơn một chút đối với những người nhạy cảm với nhiệt độ) và ngâm mình trong khoảng 10 phút. Khi bạn bắt đầu cảm thấy mồ hôi lấm tấm trên trán, đó là dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể bạn đã ấm lên đến nhiệt độ mong muốn. Trong thời gian này đừng suy nghĩ nhiều, hãy để toàn bộ cơ thể và đầu óc được thư giãn toàn bộ!

Bạn thấy sao về những lợi ích tuyệt vời này từ việc ngâm bồn? Nếu có thể hãy tập cho mình thói quen này nhé!

Trong các nhà tắm onsen hay nhà tắm công cộng sento Nhật Bản có gì

thành viên LocoBee

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 10.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!

 

Tổng hợp LocoBee

bình luận

ページトップに戻る