Từ 1/6/2024 của thành phố Matsusaka, tỉnh Mie ra quyết định “Nếu gọi xe cấp cứu trong trường hợp không khẩn cấp sẽ bị thu phí”, điều này đang thu hút sự chú ý của dư luận tại Nhật Bản.
Nội dung bài viết
Tại sao lại có quyết định này?
Tại trụ sở của hiệp hội chữa cháy diện rộng khu vực Matsusaka phụ trách thành phố Matsusaka, thị trấn Taki và thị trấn Meiwa liên tục nhận được phản ánh của người dân về tai nạn giao thông, thương tích, bệnh tật… 13 xe cứu thương hoạt động hiện có lần lượt được điều động theo thông tin phản ánh. Năm ngoái, số lượng cuộc gọi xấp xỉ 16.000 cuộc – con số cao nhất từ trước đến nay. Có những ngày số lượng điều động cao gấp đôi bình thường. Khi các thông tin chồng chéo nhau, đôi khi còn phải điều động từ các trạm cứu hỏa ở xa.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở thành phố Matsusaka. Theo Cơ quan quản lý hỏa hoạn và thiên tai của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, có khoảng 7,6 triệu cuộc gọi xe cấp cứu trên toàn quốc vào năm 2023. Mặc dù đã có giai đoạn con số này giảm do người dân hạn chế ra ngoài do đại dịch COVID-19 nhưng sau đó nó đã tăng mạnh.
Số cuộc gọi tăng lên khiến thời gian trung bình từ khi nhận được cuộc gọi 119 cho đến khi xe cấp cứu đến hiện trường là 10,3 phút (theo dữ liệu mới nhất tính đến tháng 10/2023). Tốc độ này chậm hơn 4 phút so với 20 năm trước và lần đầu tiên nó đã vượt quá 10 phút. Khi một người bị ngừng tim, việc sống sót được cho là vô cùng khó khăn nếu các biện pháp cấp cứu không được thực hiện trong 10 phút đầu tiên. Với tình hình xe cấp cứu như hiện nay có thể nói là rất nguy hiểm cho người thực sự có bệnh. Có những bệnh viện mà 60% số người được vận chuyển không được nhập viện kịp thời.
Trường hợp không khẩn cấp
Tại trung tâm cấp cứu và cấp cứu của Bệnh viện Tousei ở thành phố Seto, tỉnh Aichi, số lượng xe cấp cứu mỗi ngày đã tăng hơn 20% trong 10 năm qua. Đơn cử như trường hợp một người đàn ông khoảng 70 tuổi mắc bệnh tim và thận mãn tính cảm thấy khó thở bất thường nên lo lắng và gọi xe cấp cứu. Kết quả chẩn đoán là “cảm lạnh”. Hai giờ sau khi đến bệnh viện, người đàn ông trở về nhà. Những trường hợp như vậy không hề hiếm và người ta cho rằng có tới 60% bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu không cần nhập viện.
Các bác sĩ tại hiện trường nói rằng mối lo ngại về sức khỏe đã gia tăng do đại dịch COVID-19. Một số người gọi xe cứu thương chỉ vì sốt và lo lắng. Đáng nhẽ khi COVID-19 lắng xuống thì số lượng cuộc gọi như vậy sẽ giảm nhưng thật ngạc nhiên khi con số này lại đang tăng lên. Tuy nhiên khi tìm hiểu kĩ hơn, người ta phát hiện ra những lý do khác khiến một số người không có lựa chọn nào khác ngoài việc gọi xe cấp cứu. Một người đàn ông khoảng 80 tuổi bị ngã khi đang mặc quần, vài giờ sau cơn đau vẫn không thuyên giảm nên đã gọi xe cấp cứu. Ông hiện sống với vợ nhưng vợ ông bị mắc chứng mất trí nhớ và không có thành viên nào trong gia đình sẵn lòng đưa ông đến bệnh viện. Khi bác sĩ hỏi rằng các con của ông có thể đến giúp đưa về thì ông nói rằng chắc là sẽ không thể đến được. May mắn là người đàn ông không bị gãy xương và được chẩn đoán chỉ bị bầm tím nhẹ.
Khi dân số già đi và cách vận hành của xã hội và gia đình thay đổi, nhiều người cuối cùng phải gọi xe cứu thương vì họ không có phương tiện nào để đi lại.
Khó khăn của bác sĩ
Giám đốc Trung tâm cấp cứu Bệnh viện Tosei ông Toshihiko Ichihara chia sẻ: “Là một bác sĩ cấp cứu, tôi muốn tiếp nhận và khám bệnh cho tất cả bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu chúng tôi tiếp tục tiếp nhận những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ mà không từ chối họ, có khả năng một ngày nào đó chúng tôi sẽ bỏ sót những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng và không thể để điều trị một cách thỏa đáng. Tôi nghĩ có những lúc mỗi phút đều có giá trị và có những lúc thì không. Tôi sẽ đánh giá cao nếu mọi người có thể cân nhắc hơn một chút khi lựa chọn cách đến bệnh viện và thời gian trong ngày…
Thu phí nếu gọi xe cấp cứu khi không khẩn cấp
Trong bối cảnh đó, thành phố Matsusaka đã bắt đầu việc “Thu phí nếu gọi xe cấp cứu khi không khẩn cấp”. Điều này đã trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội với tên gọi “tính phí xe cấp cứu”, nhưng thành phố Matsusaka cho biết thành phố và sở cứu hỏa không thu phí này mà nó sẽ là “phí y tế lựa chọn”. Đây là chi phí phát sinh khi đến khám tại bệnh viện đa khoa có 200 giường bệnh trở lên mà không có giấy giới thiệu.
Tại Nhật Bản, những trường hợp khám chữa thông thường sẽ phải tới phòng khám (clinic) trước, nếu phòng khám không điều trị được sẽ có giấy giới thiệu để chuyển vào bệnh viện. Nếu không có giấy giới thiệu mà đến bệnh viện ngay sẽ phải trả “phí y tế lựa chọn”. Do đó cách duy nhất để đến thẳng bệnh viện mà không tốn “phí y tế lựa chọn” là gọi xe cấp cứu.
Cho đến thời điểm hiện tại, 3 bệnh viện đa khoa của thành phố chưa thu bất kỳ khoản phí nào từ bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của thành phố và sở cứu hỏa, họ quyết định thu phí 7.700 yên đối với những bệnh nhân được chở bằng xe cấp cứu đến nhưng sau khi khám xong có kết quả là không cần nhập viện. Nếu bệnh nhân được vận chuyển do tai nạn thì dù vết thương nhẹ cũng không được bảo hiểm và quyết định cuối cùng về việc có thu phí hay không sẽ do bác sĩ tại bệnh viện đưa ra.
Đầu tiên, “phí y tế có lựa chọn” được đưa ra nhằm ngăn chặn sự tập trung của bệnh nhân tại các bệnh viện đa khoa và để tách biệt vai trò của bệnh viện với các phòng khám. Nói cách khác, bằng cách tăng chi phí đối với những trường hợp nhẹ, thành phố khuyến khích người dân xem xét các phòng khám và bác sĩ gia đình trước khi gọi xe cấp cứu, từ đó giảm số lượng cuộc gọi khẩn cấp.
119 – số điện thoại khi cần gọi cấp cứu hay cứu hoả tại Nhật tiến hành hỗ trợ đa ngôn ngữ
Thông tin bàn tư vấn
Nếu bản thân hoặc một thành viên trong gia đình không khỏe và đang băn khoăn không biết có nên gọi xe cấp cứu hay không thì có 2 nơi mà bạn có thể nhận tư vấn
#7119
#7119 là một dịch vụ đang nhanh chóng trở nên phổ biến như dịch vụ tư vấn qua điện thoại trong những trường hợp như trên. Khi gọi đến số này, y tá hoặc người trực điện thoại sẽ lắng nghe các triệu chứng của người gọi và tư vấn thời điểm thích hợp để điều trị y tế, chẳng hạn như “nên gọi xe cấp cứu ngay lập tức” hoặc “có thể gặp bác sĩ vào ngày hôm sau”. Tuy nhiên, có một số khu vực dịch vụ “#7119” vẫn chưa bắt đầu.
Q助
Ứng này được cung cấp bởi Cơ quan quản lý hỏa hoạn và thiên tai của Bộ Nội vụ và Truyền thông. Khi chọn thông tin phù hợp về các triệu chứng của mình, bạn có thể thấy mức độ khẩn cấp, chẳng hạn như “Hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức” hoặc “Đây không phải là trường hợp khẩn cấp, nhưng chúng ta hãy đến cơ sở y tế.”. Tùy theo tình huống mà các hành động cần thiết sẽ được hiển thị. Người dùng có thể sử dụng như một ứng dụng trên điện thoại thông minh và trên trình duyệt internet.
23 quận ở Tokyo đưa vào sử dụng hệ thống Live 119 khi gọi xe cấp cứu hoặc cứu hỏa
Nguồn: fdma, www.city.matsusaka.mie.jp
Biên tập: LocoBee