Trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh khi ra đời sẽ được phẫu thuật để đóng các lỗ hở trong tim, tuy nhiên khi trẻ lớn lên sẽ cần phải phẫu thuật lại để thay ”miếng vá tim” khiến gánh nặng y tế tăng lên cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của trẻ. Mới đây trường đại học ở Osaka và các tổ chức khác đã phát triển thành công “miếng vá tim” mới có tên gọi SYNFOLIUM phát triển theo sự lớn lên của trẻ em. Người ta hy vọng rằng việc phẫu thuật lại sẽ không cần thiết và gánh nặng cho trẻ sẽ giảm đi rất nhiều.
Miếng vá tim này được phát triển bởi Đại học y dược Osaka, một nhà sản xuất dệt may ở tỉnh Fukui và một nhà sản xuất dệt may lớn ở Tokyo với thời gian nghiên cứu là khoảng 10 năm. Đây là sản phẩm y tế dành cho trẻ em sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật để vá các lỗ ở tim và các mạch máu xung quanh. Nó sẽ được bảo hiểm công chi trả từ năm 2024 và bắt đầu đưa vào thực tế từ ngày 12/6/2024.
Miếng vá tim thông thường làm bằng nhựa tổng hợp không có độ đàn hồi và cần thay mới khi trẻ lớn lên, sớm nhất phải phẫu thuật lại 2 năm 1 lần. Miếng vá tim mới được làm bằng các sợi dệt thành lưới kéo dài khi bệnh nhân lớn lên và có thẻ mở rộng diện tích lên khoảng gấp đôi cùng vật liệu tích hợp với các mô của cơ thể. Do đó sẽ không cần thiết phải thực hiện phẫu thuật lại để thay miếng vá.
Sau khi đưa vào thực tế, công ty phát triển sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu theo dõi kéo dài 5 năm trên những người đã trải qua phẫu thuật sử dụng miếng vá mới này để xác nhận tính an toàn của nó. Đây cũng là cơ sở để đạt được sự chấp thuận từ Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để mở rộng việc bán miếng vá tim nhân tạo mới này trên toàn thế giới.
5 bệnh viện của Nhật trong top 100 bệnh viện tốt nhất thế giới năm 2023
Nguồn: www.teijin.com
Biên tập: LocoBee