Động thái của chính phủ Nhật Bản bổ sung 4 lĩnh vực vào chương trình “lao động có tay nghề đặc định” sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tuyển dụng nhân tài nước ngoài trong các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều thách thức mà cả người lao động và người sử dụng lao động phải đối mặt.
Chính thức ban hành 4 hạng mục kỹ năng đặc định mới
Vào ngày 29/3, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt việc bổ sung ngành vận tải và các ngành công nghiệp khác vào chương trình nhằm lấp đầy khoảng trống trong nguồn cung lao động của Nhật Bản. Dự kiến sẽ tiếp nhận tới 820.000 lao động trong toàn bộ chương trình từ năm tài chính 2024 đến năm 2028.
Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng lái tàu. Có đến 77 trong số 172 nhà khai thác tàu báo cáo tình trạng thiếu hụt nhân lực trong một cuộc khảo sát của Bộ giao thông vận tải vào tháng 10 năm 2023. Ngoài ra, 122 công ty đường sắt và văn phòng giao thông vận tải đang phải yêu cầu nhân viên có giấy phép ở các bộ phận khác thực hiện vai trò kép.
Bộ giao thông vận tải đang tìm cách sửa đổi một sắc lệnh cấp bộ nhằm hạ thấp độ tuổi tối thiểu mà có thể thi lấy bằng lái tàu từ 20 xuống 18 trong năm tài chính 2024. Một số công ty tàu cũng đang giải quyết tình trạng này bằng cách thuê lại những người lái xe già hoặc tự động hóa đội ngũ lái xe của họ.
Công ty Đường sắt Fukui (Fukutetsu), công ty khai thác các chuyến tàu ở tỉnh Fukui, miền trung Nhật Bản, đã giảm hơn 20 chuyến đi dọc theo Tuyến Fukubu nối Fukui và Echizen trong cùng một tỉnh. Tàu tốc hành ban ngày và các dịch vụ khác đã bị loại bỏ, số chuyến trong tuần giảm từ 105 xuống 80, trong đó những chuyến vào cuối tuần và ngày lễ giảm từ 98 xuống 76.
Ông Sawazaki Yukio, người đứng đầu bộ phận vận hành đường sắt của Fukutetsu, kể lại tình hình khắc nghiệt buộc công ty phải thu hẹp quy mô hoạt động.Ông nói rằng: “Khối lượng công việc của tài xế tăng lên và điều đó là không thể tránh khỏi. Công việc nhiều đến mức chúng tôi không thể cho họ nghỉ đủ 2 ngày nghỉ mỗi tuần. Công ty không thể lấp đầy 28 vị trí lái xe và vẫn thiếu nhân lực. Kết quả là, các lái tàu phải làm việc ngoài giờ trung bình 30 đến 40 giờ mỗi tháng.
Với việc bổ sung ngành này vào chương trình “lao động có tay nghề đặc định”, có thể sẽ thu hút nhiều lái tàu hơn. Ông Sawazaki nhận xét: “Mặc dù chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ nhưng những rào cản để người lao động được chấp nhận đối với các nhà khai thác đường sắt tư nhân vừa và nhỏ lại cao hơn so với các nhà khai thác đường sắt tư nhân lớn.”
Các biện pháp an toàn tối quan trọng trong ngành gỗ, lâm nghiệp
Trong ngành khai thác gỗ và lâm nghiệp, vốn có tỷ lệ tai nạn lao động cao, các biện pháp an toàn là yêu cầu cấp thiết. Theo Cục Lâm nghiệp, vào năm 2022, số người tử vong và bị thương dẫn đến phải nghỉ làm từ 4 ngày trở lên do tai nạn lao động lên tới 1.176 người, trong đó có 28 người tử vong trong ngành lâm nghiệp. Trong khi đối với ngành khai thác gỗ, con số tương ứng là 1.110 người, trong đó có 9 người tử vong, tương đương với 23,5 người bị thương hoặc tử vong liên quan đến công việc trong 1.000 người.Con số này cao gấp nhiều lần so với mức trung bình 2,3/1.000 của tất cả các ngành. Cơ quan chức năng đang soạn thảo hướng dẫn về các biện pháp an toàn với các nhóm ngành, nhằm mục đích yêu cầu các doanh nghiệp chấp nhận lao động có tay nghề đặc định phải tuân thủ.
Chính quyền tỉnh Kochi, nơi có 2 ngành công nghiệp đều phát triển mạnh, đang yêu cầu chính phủ có các biện pháp hỗ trợ an toàn như đặt ra tiêu chuẩn về phạm vi công việc theo trình độ tiếng Nhật. Nhóm 4 đối tượng mới này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp cao. Trong bối cảnh thiếu nhân công, việc tạo ra những nơi làm việc hấp dẫn bằng cách đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện làm việc là cần thiết.
Lao động Việt Nam theo visa Kĩ năng đặc định ở Nhật dẫn đầu về số lượng
14 ngành nghề thuộc đối tượng xét visa kĩ năng đặc định
Nguồn: mainichi.jp
Biên tập: LocoBee