Sự ra đời của “ngư dân làm công ăn lương” ở Nhật

Thành phố Muroto là ngư trường trù phú của tỉnh Kochi. Đây là nơi người ta có thể câu được cá đuôi vàng, cá ngừ và cá ngừ vằn. Sản lượng đánh bắt hàng năm rất lớn. Trong 5 năm qua, nơi đây đã có 35 ngư dân trẻ nhập cư từ ngoài tỉnh.

 

Ngư dân làm công ăn lương

Nhắc đến ngư dân, người ta sẽ nghĩ ngay đến những người có nơi làm việc không cố định, lương của họ cũng dao động tùy theo ngày đánh bắt. Một công ty đánh cá bằng lưới ở Muroto đã thực hiện những cải cách để thoát khỏi phong tục lâu đời, một trong số đó là biến các ngư dân ở công ty này trở thành “ngư dân làm công ăn lương”.

Trước đây, thu nhập của ngư dân tăng giảm tùy theo số lượng cá đánh bắt được, nhưng nay đã thay đổi sang trả lương cơ bản cố định hàng tháng bất kể số lượng cá đánh bắt được nhiều hay ít. Số tiền là “tuổi = lương cơ bản” cho đến khi 25 tuổi. Nói cách khác, nếu một người 22 tuổi, mức lương cơ bản sẽ là 220.000 yên. Đế 25 tuổi thì lương cơ bản là 250.000 yên. Ngoài một số khoản phụ cấp về nhà ở, đi lại, gia đình, tiền ăn, làm việc trong các ngày nghỉ lễ…, ngư dân còn được hưởng “phụ cấp đánh bắt lớn” đặc biệt vào những ngày đánh được nhiều cá. Mức lương tương đương với các công ty lớn là điểm thu hút lớn đối với giới trẻ và nhiều người từ ngoài tỉnh chuyển đến đây.

 

Lý do đưa ra chế độ “ngư dân làm công ăn lương”

Lý do đằng sau việc đưa ra chế độ “ngư dân làm công ăn lương” là do tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Ở tỉnh Kochi, số lượng ngư dân đã giảm một nửa từ khoảng 7.000 xuống còn 3.300 trong 20 năm qua. Việc thiếu người làm ngư dân đã là vấn đề tồn tại từ lâu ở thành phố Muroto. Có 4 ngư trường đánh cá ở thành phố Muroto, nhưng một trong số đó – Mitsu-Oshiki đã không có ngư dân mới nào tham gia trong hơn 30 năm qua.

Khi ngư dân già đi, lượng cá đánh bắt được cũng sẽ giảm đi. Trước đây, số tiền đánh bắt hàng năm là khoảng 300 triệu yên, nhưng trong 10 năm qua, con số này đã giảm xuống còn 100 triệu yên và 2 năm trước, Mitsu Oshiki buộc phải giải tán. Giữa hoàn cảnh này, ông Yamamoto, giám đốc công ty khai thác hải sản đã cố gắng tìm một đối tác có thể giúp vực dậy công ty một lần nữa. Họ đã đàm phán với vông ty Amimoto ở thành phố Kamaishi, tỉnh Iwate để nhận tài trợ và trở thành một công ty cổ phần. Để tránh lặp lại những sai lầm tương tự, ông đã khởi xướng những cải cách phá bỏ phong tục lâu đời.

Sản lượng đánh bắt tăng lên nhờ thay đổi quan điểm vốn chỉ bận tâm đến lợi nhuận ngắn hạn và tập trung đầu tư vào các trang thiết bị như thuyền, lưới vốn là vũ khí của ngư dân. Hiệu quả kinh doanh được cải thiện đã giúp ngư dân trở thành người làm công ăn lương vì họ có thể nhận được mức lương ổn định. Với giờ làm việc đều đặn, họ có thể trở thành ngư dân chuyên nghiệp. Ông Yamamoto bắt đầu sử dụng thẻ chấm công để quản lý giờ làm việc của ngư dân. Họ bắt đầu làm việc lúc 5 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 2 giờ chiều, được nghỉ thứ 7 hàng tuần, có 10 ngày nghỉ phép được trả lương mỗi năm.

Một số người thay đổi công việc sang làm ngư dân vì bị thu hút bởi thu nhập cao và lịch làm việc đều đặn. Kono Kiyotaka (32 tuổi) chuyển sang làm ngư dân từ một công ty thực phẩm địa phương. Mức lương hàng tháng của anh hiện đã vượt quá 400.000 yên, cao hơn gấp đôi công việc trước đây. Mỗi buổi chiều, anh tan làm và đón con đi nhà trẻ, vợ anh cũng đi làm chia sẻ trách nhiệm nấu bữa tối và chăm sóc con. Hơn nữa, nếu anh Kono có việc bận đột xuất, anh có thể dễ dàng xin nghỉ phép, đặc biệt khi con anh cảm thấy không khoẻ, anh có thể xin nghỉ ở nhà chăm con. Điều kiện làm việc như vậy đối với anh là vô cùng thoải mái.

 

Bãi bỏ chế độ thâm niên và tăng động lực

Các công ty bắt đầu bãi bỏ hệ thống thâm niên và tích cực lựa chọn những người trẻ có động lực và khả năng đảm nhận các vị trí quan trọng. Trước đây, chỉ người địa phương mới được phép giữ các chức vụ cao. Nếu thay đổi cơ cấu cũ này và hồi sinh công ty thì có thể tăng lợi nhuận. Anh Yugo Tanaka (24 tuổi), đến từ Osaka, được chọn làm thuyền trưởng chịu trách nhiệm nặng nề trong việc chèo lái con tàu năm nay. Trường hợp của anh được nhận xét là có tốc độ thăng tiến nhanh vì anh mới vào công ty chưa đến 3 năm. Tính cả tiền trợ cấp của người chèo thuyền, lương hàng tháng của anh Tanaka là hơn 300.000 yên. Anh nói: “Thật đáng khích lệ khi cảm thấy mình được đánh giá cao. Hơn nữa, với mức lương cao hơn, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm việc chăm chỉ.”

 

Hỗ trợ từ chính quyền

Tỉnh Kochi đã thiết lập một chương trình “trải nghiệm câu cá” dành cho những người muốn nhập cư từ bên ngoài tỉnh và trở thành ngư dân trước khi họ bắt đầu làm việc, đồng thời tỉnh chi trả chi phí chỗ ở và trang thiết bị như ủng đi mưa và áo đi mưa. Ông Toshiyuki Okawa thuộc Cục Xúc tiến Thủy sản tỉnh Kochi cho biết: “Mục đích của chương trình là để giúp mọi người hiểu nghề ngư dân và xem mình có phù hợp hay không. Nếu bạn cảm thấy rằng nó khác với những gì bạn tưởng tượng hoặc đó không phải là những gì bạn mong đợi, hãy chia sẻ với chúng tôi.”

Ikeda Kazusei (18 tuổi), học sinh trung học năm 3 đến từ Nara để tham gia chương trình trải nghiệm này. Lý do Ikeda quyết định trở thành ngư dân là vì yêu biển và cá, và hơn hết là anh yêu những chiếc thuyền đánh cá đến mức để chúng làm màn hình chờ điện thoại. Tuy nhiên, khi cuộc đánh cá bắt đầu, vẻ mặt của Ikeda hoàn toàn thay đổi. Anh cố gắng kéo lưới nhưng chân tê cứng và không thể cử động được. Ikeda chia sẻ: “‘Trở thành ngư dân không phải là điều bạn có thể làm chỉ bằng cách mơ ước. Khi tôi xem nó trên TV hoặc trên YouTube, tôi đã nghĩ mình có thể trở thành một ngư dân, nhưng khi trải nghiệm ngoài đời thì lại hoàn toàn khác. Lưới và cá nặng hơn tôi tưởng, cơ thể tôi rã rời, tôi cảm thấy như sắp chết. Đó là một công việc khiến mạng sống của tôi bị đe dọa. Tôi nghĩ mình cần suy nghĩ lại về định hướng nghề nghiệp của mình.”

 

Liệu chế độ “ngư dân làm công ăn lương” có cứu được ngành đánh cá?

Sau khi anh Ikeda kết thúc chuyến trải nghiệm đánh cá 4 ngày 3 đêm, các đàn anh đã mời anh đi dự tiệc tối. Vì có nhiều ngư dân nhập cư từ vùng Kansai nên theo thông lệ, mọi người sẽ tổ chức bữa tiệc takoyaki tự làm khi mọi người tụ tập cùng nhau. Các tiền bối gia nhập công ty sau khi tích lũy được kinh nghiệm trong ngành đánh bắt cá đã chia sẻ với Ikeda những kinh nghiệm của họ trong ngành. Những chia sẻ này sẽ rất hữu ích cho Ikeda trong việc quyết định chọn công việc.

Những ngư dân trẻ làm công ăn lương nhập cư từ ngoài tỉnh hỗ trợ ngành đánh bắt cá của Muroto đang thiếu nhân công. Lời kêu gọi “cải cách nơi làm việc” đã phá vỡ quy tắc cũ và tạo ra một môi trường phù hợp hơn với sự nhạy cảm của giới trẻ và khiến việc làm trở nên dễ dàng hơn. Nếu không thay đổi môi trường làm việc theo hướng mà những người trẻ muốn làm việc, ngành đánh bắt hải sản khó mà duy trì nguồn nhân lực được.

Chứng kiến ​​ngành đánh cá của Muroto đang được hồi sinh nhờ những ngư dân nhập cư từ ngoài tỉnh, các nhà quản lý cũng đang nghĩ cách thu hút giới trẻ, không chỉ trong thế giới ngư dân, mà còn ở các vùng nông thôn nơi tỷ lệ sinh đang giảm và dân số đang già đi.

Ishikawa – Nhật Bản: cứ 18 ngư dân thì 1 ngư dân là người nước ngoài

Bạn nghĩ thế nào về vấn đề này? Hãy cho LocoBee biết ngay dưới phần bình luận nhé! 

Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí! 

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

 

Nguồn: NHK

Biên tập: LocoBee

Facebook