Ngày 16/10/1997, Nhật Bản bắt đầu thực thi Luật cấy ghép nội tạng. Sau khi luật được ban hành, ca hiến tạng đầu tiên từ một bệnh nhân chết não diễn ra vào năm 1999. Ban đầu, số lượng ca hiến tạng và số tuổi được giới hạn vì người đó phải cho biết trước ý định hiến tạng bằng thẻ hiến tạng… Kể từ năm 2010, do sửa đổi pháp luật, việc hiến tạng khi có sự đồng ý của gia đình đã trở nên khả thi và con số này đã tăng lên đáng kể. Năm 2023 có 100 trường hợp (tính đến ngày 15/10) và là con số cao nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 15/10/2023, Mạng lưới Cấy ghép Nội tạng (JOT) công bố đã có 996 trường hợp hiến tạng từ bệnh nhân chết não. Con số này dự kiến sẽ sớm tăng lên 1000.
Tại Nhật, hiến tạng sau chết não có hiệu lực khi:
- Bệnh nhân bày tỏ ý định hiến tạng để cấy ghép và gia đình không từ chối hiến tạng
- Không rõ ý định của bệnh nhân nhưng có sự đồng ý bằng văn bản của gia đình. Đương nhiên, ý định ”không muốn hiến tạng” sẽ được tôn trọng. Nếu một người bày tỏ trước rằng họ không muốn hiến tặng thì nội tạng của họ sẽ không được sử dụng để cấy ghép
Phân tích theo độ tuổi có thể thấy nhiều người trong số họ đang ở độ tuổi lao động sung sức nhất:
- Độ tuổi 50 có 225 người (23%),
- Độ tuổi 40 có 196 người (20%)
- Trẻ em dưới 15 tuổi có 47 người (5%)
- Trên 60 tuổi có 144 người (15%)
Về giới tính, khoảng 60% là nam và 40% là nữ.
Theo Mạng lưới Cấy ghép Nội tạng Nhật Bản (JOT), số người ở Nhật Bản mong muốn được cấy ghép tạng và đăng ký là khoảng 16.000 người, con số này thay đổi tùy theo thời điểm trong năm. Năm ngoái, 455 người đã được ghép tạng (bao gồm cả những người bị ngừng tim), nghĩa là chỉ có khoảng 3% bệnh nhân được cấy ghép mỗi năm. Nguyên nhân số lượng người hiến tặng ít là do số người bày tỏ ý định hiến tặng không tăng, hệ thống cơ sở y tế tham gia hiến tạng còn thiếu.
Vì sao chế độ ăn uống của người Nhật lại tốt cho sức khỏe?
Nguồn: 臓器移植ネットワーク
Biên tập: LocoBee