Ảnh hưởng của chính sách giới hạn thời gian làm thêm giờ đối với tài xế xe tải tại Nhật
Anh Tomita Yuichi là tài xế xe tải với nhiệm vụ vận chuyển hàng trên khắp Nhật Bản trong hơn 2 thập kỷ qua. Anh thường xuyên chạy 40 giờ liên tục trên đường. Công việc tuy khó khăn, vất vả nhưng đối với anh thì đó là niềm tự hào cũng như đem lại mức lương tốt nên cho đến thời điểm hiện tại anh Tomita chưa bao giờ nghĩ đến bỏ việc.
Nội dung bài viết
Chính sách hạn chế giờ làm
Từ 1/4/2024, chính phủ Nhật Bản sẽ giới hạn số giờ làm thêm hàng năm của tài xế xe tải ở mức 960 giờ, đây là một trong số phương án được các quan chức thông qua nhằm cải thiện điều kiện làm việc mệt mỏi của công việc và khiến môi trường làm việc của người lao động trở nên thoải mái hơn.
Những người lái xe như anh Tomita phàn nàn rằng luật sẽ dẫn đến việc thu nhập của họ bị sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí không đủ để trả những hóa đơn hàng tháng. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại về cái mà những người trong ngành bán lẻ và hậu cần gọi là cuộc khủng hoảng năm 2024 – Tình trạng thiếu hụt trầm trọng tài xế xe tải. Theo ước tính của chính phủ, nếu không được giải quyết, tình trạng này có thể khiến 1/3 tổng số hàng hóa không được vận chuyển và dẫn đến thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ yên (khoảng 1660 tỉ đồng) cho nền kinh tế Nhật Bản.
Nghề lái xe tải kiếm được trung bình 4,46 triệu yên/năm (khoảng 740 triệu đồng/năm). Mức thu nhập này thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình của tất cả các ngành mặc dù họ làm việc nhiều giờ hơn tới 20%. Dự kiến số lượng tài xế xe tải giảm sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với nông dân, cửa hàng và thực khách đã quen với việc giao cá tươi và sản phẩm tươi sống. Nói một cách đơn giản, người dân Tokyo sẽ không có cách nào để mua rau hoặc cá tươi từ Kyushu (ở miền Nam Nhật Bản) cũng như các vùng xa xôi khác. Điều đó có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và các lĩnh vực khác nữa.
Cách hẹn nhân viên Yamato đến nhà nhận đồ muốn gửi đi
Những ảnh hưởng của chính sách mới
Khoảng 98% trong số 62.000 công ty vận tải đường bộ của Nhật Bản chịu trách nhiệm vận chuyển gần như toàn bộ hàng hóa của đất nước là những công ty vừa và nhỏ. Họ cạnh tranh khốc liệt và giá nhiên liệu cao đồng nghĩa với việc tài xế xe tải cũng bị chèn ép bất chấp tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ cho thấy các công ty vận tải đường bộ chỉ tăng 19% chi phí, trong khi đó tỷ lệ này của các công ty vận chuyển vừa và nhỏ là 47%. Điều đó sẽ gây khó khăn cho các công ty vừa và nhỏ trong việc thuê nhân lực để bù cho số giờ làm việc hợp pháp thấp hơn trên mỗi tài xế.
Trước những khó khăn mà các công ty nhỏ phải đối mặt, Ủy ban Thương mại Công bằng vào tháng 12/2022 đã cảnh báo 13 công ty mà họ cho rằng đã lạm dụng khả năng thương lượng của công ty lớn để từ chối yêu cầu tăng giá từ các nhà thầu và nhà cung cấp nhỏ hơn. Trong đó có 6 công ty trong ngành hậu cần và giao hàng bao gồm Trancom và Sagawa Express. Cả 2 công ty đều hứa sẽ rút kinh nghiệm và cải tiến.
Thủ tướng Kishida Fumio tháng trước đã chỉ đạo nội các đưa ra các biện pháp “quyết liệt” trước tháng 6 để giải quyết cuộc khủng hoảng. Một làn đường dành riêng trên đoạn đường cao tốc dài 100km nối Tokyo và Nagoya dành cho xe tải tự lái và đường bay cho máy bay không người lái giao hàng đã được lên kế hoạch từ năm tài chính tới.
Các biện pháp giảm bớt tác động của chính sách
Nhà điều hành cửa hàng tiện lợi Lawson sẽ giảm việc giao hộp cơm trưa xuống 2 lần/ngày từ 3 lần như hiện tại cho tất cả các cửa hàng trước tháng 4 năm 2024. Các nhà điều hành chuỗi siêu thị Summit, Maruetsu, Yaoko và Life Corp đã đồng ý cho phép thêm 1 ngày để giao hàng và giảm vận chuyển qua đêm.
Tuy nhiên, nông dân và những người bán buôn cá từ Kyushu từ đến cực Bắc Hokkaido đang vô cùng lo lắng cho sinh kế của họ và nền kinh tế địa phương nếu không có đủ tài xế. Ông Iwamori Masaaki – một nhân viên của Hợp tác xã Ehime Fishers trên đảo Shikoku phía Tây – cho biết thị trấn Uwajima có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nếu không có xe tải để vận chuyển cá cam (Amberjack) nổi tiếng của họ đến chợ cá chính tại Tokyo – cách đó 12 giờ lái xe – trước 2 giờ sáng. Nếu cá không đến nơi đúng giờ, chúng sẽ mất độ tươi ngon khi được bán đấu giá vào ngày hôm sau, đồng nghĩa với việc cá sẽ không thể được bán với giá cao. Điều tồi tệ hơn nữa là khi người tiêu dùng bắt đầu nhận thấy chất lượng giảm, nhu cầu của họ cũng sẽ giảm theo.
Hình thức xử phạt khi lái xe vi phạm nồng độ cồn ở Nhật
Bạn nghĩ thế nào về vấn đề này? Hãy cho LocoBee biết ngay dưới phần bình luận nhé!
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Nguồn:wwwtb.mlit.go.jp
Biên tập: LocoBee
bình luận