Những chiếc chuông nhẹ nhàng, xinh xắn mang tên “furin” hay chuông gió (tiếng Nhật là 風鈴) với mái vòm được làm bằng thuỷ tinh tuyệt đẹp thời Edo Nhật Bản có hàng ngàn kiểu dáng tuyệt đẹp là một phần văn hoá của Nhật Bản. Ngoài ra, có một lịch sử phong phú đằng sau chúng. Treo một chiếc chuông gió sẽ mang lại cảm giác mùa hè Nhật Bản cho sân hoặc phòng ngủ của bạn với âm thanh êm dịu.
Hãy cùng xem những món đồ trang trí đáng yêu này đến từ đâu, chúng được tạo ra như thế nào và làm thế nào để bạn có thể mua được chúng trong thời gian ở Nhật Bản nhé.
Nội dung bài viết
Furin – chuông gió Nhật Bản là gì?
Furin được làm từ 3 phần thiết yếu: bát hình cầu có phần đáy mở, lưỡi chuông (được gọi là zetsu) và một dải giấy treo ở dưới cùng (tanzaku). Furin đung đưa từ mái hiên của những ngôi nhà và cửa hàng trong suốt mùa hè ở Nhật. Những cơn gió thổi tanzaku giấy khiến zetsu đập vào bên trong bát và phát ra tiếng chuông êm dịu. Ngày nay, chiếc bát thường được làm từ thủy tinh để tạo ra âm thanh.
4 thị trấn mang vẻ đẹp của thời kỳ Edo ở Nhật Bản – Tohoku & Kanto
Một số người tin rằng tiếng phát ra từ chuông gió này thực sự có tác dụng làm mát cơ thể. Mặc dù khoa học đằng sau tuyên bố đó có thể không rõ ràng nhưng có một điều gì đó không thể phủ nhận. Có lẽ điều này là do sự liên kết của chuông gió với những làn gió mát. Hơn nữa, triết học thẩm mỹ truyền thống ở Nhật Bản lập luận rằng những rung động của chuông đại diện cho sự hài hòa của tự nhiên. Ngoài ra, âm thanh của chúng được cho là có thể xua đuổi bệnh tật và tà ma.
Bạn có thể không tin vào bất kỳ một điều thần bí nào. Tuy nhiên, bạn chắc chắn sẽ phải công nhận rằng furin cực kỳ đẹp. Mặt trong của những chiếc bát được vẽ bằng nhiều họa tiết đầy màu sắc. Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì, từ hoa anh đào đến các nhân vật hoạt hình trang trí trên mặt của những chiếc chuông đầy màu sắc này.
Để làm ra chúng, những người thợ thủ công làm nóng thủy tinh, thổi nó thành một quả địa cầu, quay tròn, sau đó tạo hình thành một cái bát. Lưỡi treo được thực hiện trong quá trình thổi. Ở một số địa phương, người ta cũng có thể làm phần bát này bằng sắt và đồng, với âm thanh kim loại sâu. Tuy nhiên, các loại bát làm từ thủy tinh được đánh giá cao nhất và chúng đã tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Lịch sử đằng sau chuông gió – furin là gì?
Giống như nhiều văn hóa truyền thống Nhật Bản, furin bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại. Chúng có nguồn gốc từ một loại thiết bị bói toán – một chiếc chuông kim loại gọi là senfutaku mà người Trung Quốc thường treo trong rừng trúc. Dựa vào hướng gió và âm thanh của chuông, họ tin rằng có thể đưa ra những dự đoán về tương lai.
Những thiết bị nhỏ thú vị này đã đến Nhật Bản cùng với Phật giáo. Sau đó, trong nhiều thế kỷ tiếp theo, hình thức của chúng thay đổi từ chuông thành chuông gió. Mục đích của họ cũng thay đổi từ dự đoán tương lai thành xua đuổi tà ma. Trên thực tế, trong những năm đầy rẫy bệnh dịch hạch, những người Nhật Bản giàu có treo những chiếc chuông đồng đắt tiền này trong nhà của họ để ngăn ngừa dịch bệnh. Người ta cho rằng đây là một lý do khiến chúng ta liên tưởng tiếng chuông với mùa hè, với những tháng nóng bức và với những gì chống lại dịch bệnh.
Mãi cho đến thế kỷ 18, khi người Hà Lan giới thiệu kỹ thuật làm thủy tinh đến Nhật Bản, furin mới có hình thức hiện đại. Những người thợ thổi thủy tinh thủ công ở Nagasaki là những người đầu tiên bán chúng và những sản phẩm quý hiếm của họ là một mặt hàng đắt tiền thời đó. Trên thực tế, một chiếc chuông gió sẽ có giá trị hàng chục triệu đồng ngày nay.
Khi kỹ thuật làm thuỷ tinh tìm đến Edo (Tokyo cũ) vào thế kỷ 19, furin đã trở nên phổ biến hơn. Giá giảm đi và furin thủy tinh bắt đầu được yêu thích rộng rãi. Sau đó, người ta bắt đầu xu hướng sơn vào phía bên trong phần kính, nét độc đáo của thời Edo. Điều này là để bảo vệ những hình ảnh được vẽ khỏi bị mờ đi theo thời gian.
Mua chuông gió – furin Nhật Bản ở đâu?
Bạn có thể tìm mua chuông gió – furin ở một số địa điểm khi tới Nhật Bản.
Cửa hàng lưu niệm
Ở hầu hết các địa phương giàu tính lịch sử của mọi thành phố ở Nhật Bản, bạn sẽ tìm thấy toàn bộ các con phố với các cửa hàng lưu niệm. Vào mùa hè, những con phố này thường tràn ngập tiếng chuông của furin, vì vậy bạn chỉ cần đi theo âm thanh để tìm ra lựa chọn tốt nhất. Ngay cả khi bạn đến Nhật vào những tháng lạnh hơn, bạn vẫn có thể tìm được một số nơi có bày bán chuông gió. Nếu bạn không biết tìm ở đâu thì phố mua sắm Nakamise ở Asakusa là một lựa chọn chắc chắn. Giá tại những nơi này có thể bắt đầu từ mức thấp nhất là 1.000 yên cho các loại sản xuất hàng loạt.
Bảo tàng và cửa hàng thủ công dân gian
Nếu bạn không có nhiều thời gian và không muốn tìm kiếm xung quanh các khu du lịch sầm uất thì cửa hàng thủ công dân gian là một sự thay thế tuyệt vời.
Cửa hàng bách hóa
Các cửa hàng bách hóa trên khắp Nhật Bản là “kho tàng” của các hàng hóa truyền thống. Sau một ngày mua sắm tại một trong những nơi này, bạn có thể chất đầy vali của mình với mọi món quà lưu niệm Nhật Bản. Các cửa hàng như Takashimaya có thể được tìm thấy trên khắp đất nước, thường gần với các ga tàu lớn. Các cửa hàng này thường tổ chức triển lãm hàng thủ công truyền thống theo mùa như ở Matsuya Asakusa. Nếu bạn đủ may mắn để tham dự một buổi triển lãm, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn nữa.
Xưởng thủ công
Nếu bạn nghiêm túc với những món quà lưu niệm của mình và chỉ muốn những thứ tốt nhất trong những thứ tốt nhất, bạn nên đến thẳng một trong những xưởng thủ công lâu đời sản xuất furin. Bạn thậm chí có thể học cách tạo ra chiếc chuông của riêng mình với lớp học ở các xưởng này. Giá cả cũng rất hợp lý, chỉ khoảng 3.500 yên cho cả thổi và sơn hoặc chỉ xem miễn phí những người thợ thủ công làm việc.
Chùa và đền thờ
Vì furin có mối liên hệ chặt chẽ với Phật giáo nên một số địa điểm tôn giáo trên khắp Nhật Bản tổ chức các lễ hội dành riêng cho chuông gió trong suốt cả năm. Nếu những linh hồn ma quỷ thực sự bị xua đuổi bởi những chiếc chuông gió này thì những lễ hội này có lẽ là những nơi an toàn nhất trên thế giới phải không nào?
Các lễ hội này thường diễn ra vào tháng 7 và tháng 8, tại những nơi như Đền Kawagoe Hiwaka (Saitama), Đền Kawasaki Daishi (Kanagawa) và Ofusa Kannon (Nara). Hay nếu bạn tới đền Daishi của Kawasaki tổ chức lễ hội vào tháng 7 hàng năm, hơn 30.000 chiếc chuông gió “cùng nhau nhảy múa” trong làn gió mùa hè. Khuôn viên của ngôi đền sẽ tràn ngập tiếng chuông furin trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và bạn thường có cơ hội mua một chiếc cho mình tại các cửa hàng có tại chùa hoặc đền.
Hi vọng bạn sẽ tìm được cho mình một chiếc chuông gió ưng ý nếu đến Nhật.
Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 20.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!
Tổng hợp LocoBee