Năm 2022, nền kinh tế Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi sự mất giá nghiêm trọng của đồng yên. Có những thời điểm, tỉ giá hối đoái giữa đô la và yên (tỉ giá thị trường) vượt quá 1 đô la = 150 yên, nhưng sau đó tình thế đã đảo ngược và vào năm 2023, tỉ giá có xu hướng quay trở lại mức 120 yên. Điều gì đang thực sự xảy ra đối với sức mạnh đồng yên?
Dựa trên “tỉ giá hiệu quả thực”, sau đây hãy cùng LocoBee phân tích các yếu tố liên quan đến sức mạnh của đồng yên nhé!
Nội dung bài viết
Không thể dự đoán chính xác biến động tỉ giá hối đoái
Mọi người thường xem xét các con số tỉ giá đô la-yên và thảo luận về tỉ giá hối đoái. Tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên cho thấy những chuyển động dữ dội vào năm ngoái. Trong gần 10 năm từ 2013 đến 2021, tỉ giá hối đoái vẫn ở mức khoảng 110 yên đổi một đô la, mặc dù có một số biến động nhưng không đáng kể. Điều đó vô tình khiến mọi người nghĩ rằng tỉ giá hối đoái đã ổn định.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào năm 2021 khi diễn biến lạm phát ở Hoa kì trở nên rõ ràng. Lãi suất đô la bắt đầu tăng và chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Hoa kì cũng bắt đầu nới rộng. Do đó, tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên biến chuyển theo hướng giảm giá đồng yên ngay lập tức. Vào tháng 1 năm 2022 tỉ giá là khoảng 113 yên nhưng vào tháng 10 cùng năm tỉ giá đã vượt quá 150 yên. Trong giai đoạn này, chênh lệch lãi suất giữa đồng đô la và đồng yên là tâm điểm của thị trường. Tại Hoa kì, lạm phát không có dấu hiệu chậm lại và lãi suất tăng vọt. Mặt khác, Ngân hàng Nhật Bản vẫn bất động và cố gắng duy trì kiểm soát giới hạn trên của lãi suất dài hạn (lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm) ở mức 0,25%. Trong xu hướng này, chênh lệch lãi suất giữa đồng đô la và đồng yên từ khoảng 1% vào đầu năm 2021 đã tăng lên gần 4% vào tháng 10 năm 2022 khi đồng yên mất giá lên đến đỉnh điểm.
Vào tháng 11, tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên đã quay đầu và đồng yên tăng giá mạnh. Kể từ đầu năm 2023 tỉ giá đang có dấu hiệu quay trở lại mức ¥120. Diễn biến tỉ giá USD-Yên trong hơn 2 tháng qua liên quan sâu sắc đến 2 yếu tố:
- Một là xu hướng giảm lãi suất ở Mỹ. Lãi suất USD dài hạn đang bắt đầu giảm với giả định rằng lạm phát của Mỹ sẽ chạm trần
- Hai là xu hướng tăng lãi suất của đồng yên. Khi Ngân hàng Nhật Bản công bố vào tháng 12 rằng họ sẽ tăng giới hạn trên đối với lãi suất dài hạn từ 0,25% lên 0,5%, thị trường đã củng cố giả định rằng lãi suất của Nhật Bản sẽ bắt đầu tăng.
Giả định rằng chênh lệch lãi suất giữa đồng đô la và đồng yên sẽ thu hẹp lại, đồng yên bắt đầu di chuyển mạnh theo hướng tăng giá. Vậy tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên sẽ theo hướng nào trong tương lai?
Thực tế là, “không thể dự đoán biến động tỉ giá hối đoái” dựa trên giả thuyết thị trường hiệu quả (lưu ý: giả thuyết rằng giá thị trường phản ánh đầy đủ tất cả các thông tin có sẵn). Đây là khái niệm cơ bản về tỉ giá. Dựa trên cách suy nghĩ này, ta không thể biết tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên sẽ đi về đâu. Nhưng dù tỉ giá di chuyển theo bất kì hướng nào đều có khả năng trở thành tác động lớn với nền kinh tế.
Quan điểm đúng đắn về tỉ giá đô la-Yên: tỉ giá hiệu quả thực là gì?
Tỉ giá đô la-yên là một con số dễ hiểu, nhưng nó không phải là chỉ báo chính xác về sức mạnh của đồng yên. Có 2 lí do dẫn đến điều này.
1. Đồng đô la không phải là loại tiền tệ duy nhất
Có nhiều loại tiền tệ khác như Euro, Nhân dân tệ, Won, Bảng Anh, Đô la Úc,.. và có tỉ giá hối đoái giữa mỗi loại và Yên. Để đánh giá liệu đồng yên sẽ di chuyển theo hướng tăng giá hay giảm giá, cần phải xác định mối quan hệ giữa tất cả các loại tiền tệ này và đồng yên. Do đó, chính “tỉ giá hiệu quả thực” sẽ đánh giá liệu đồng yên đang di chuyển theo hướng tăng giá hay giảm giá trị trung bình trên tổng thể.
Cụ thể là ví dụ về việc đồng đô la tăng mạnh từ mức 110 Yên lên 150 Yên vào năm 2022. Đúng là đồng yên mất giá đáng kể so với đồng đô la trong giai đoạn này, nhưng nhiều đồng tiền khác cũng mất giá so với đồng đô la. Nói cách khác, tỉ giá hối đoái trong giai đoạn này là đồng yên yếu và đồng đô la mạnh. Để xem đồng yên đã giảm giá bao nhiêu, chúng ta cũng cần xem xét tỉ giá hối đoái giữa các loại tiền tệ khác và đồng yên. Ở đó, đồng yên chưa mất giá ở mức như là so với tỉ giá hối đoái giữa đô la và yên.
Lí do tại sao tỉ giá đô la-yên thường được nhấn mạnh có lẽ là do đồng đô la là một loại tiền tệ quan trọng. Trên thực tế, từ khi kết thúc chiến tranh cho đến năm 1971, nhiều loại tiền tệ đã có tỉ giá cố định so với đồng đô la. 1 đô la = 360 yên đã được duy trì vào thời điểm đó. Vì Lí do này, nhiều người nhận định sẽ tốt hơn nếu chỉ xem xét tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên khi đánh giá sức mạnh đồng tiền. Tuy nhiên, khi các loại tiền tệ khác nhau thể hiện sự chuyển động của chính chúng trong hệ thống tỉ giá hối đoái thả nổi, điều quan trọng hơn là phải xem xét tỉ giá hối đoái hiệu quả thay vì tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên.
2. Tỉ giá hối đoái danh nghĩa không đo được giá trị thực hay sức mạnh của đồng tiền
Ví dụ để xác định giá trị và sức mạnh của đồng yên với tư cách là một loại tiền tệ, điều quan trọng là phải biết có bao nhiêu thứ có thể được mua bằng đồng yên. Điều này dễ hiểu nếu nhìn vào chuyển động của 20 năm qua. Giảm phát liên tục diễn ra ở Nhật Bản. So sánh năm 2000 và năm 2020, tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và yên là khoảng 107 yên, rất ít chênh lệch. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn khi nhìn vào giá cả và tiền lương. Giá cả và tiền lương ở Nhật hầu như không thay đổi so với 20 năm trước. Mặt khác, tại Hoa kì, cả giá cả và tiền lương đều tăng khoảng 2% mỗi năm, tương đương với mức tăng 48% trong 20 năm qua.
Nói cách khác, mặc dù tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và yên hầu như không thay đổi so với 20 năm trước nhưng giá cả và tiền lương ở Nhật Bản thấp hơn gần 50% so với ở Hoa kì. Do đó, nên xem xét rằng đánh giá và khả năng của đồng yên đang giảm tương đối gần 50%. Từ quan điểm này, “tỉ giá hối đoái thực” là một chỉ số để đánh giá sức mạnh của đồng yên. Nói cách khác, giá trị thực của tỉ giá đô la-yên không chỉ tính đến sự chuyển động của tỉ giá đô la-yên mà còn cả sự chuyển động của giá cả. Cụ thể, mức tăng giá ở Nhật Bản được tính theo hướng tăng giá của đồng yên và mức tăng giá ở Mỹ được tính theo chiều giảm giá của đồng yên. Nhìn vào chuyển động từ năm 2000 đến 2020, giá cả của Mỹ đã tăng đáng kể nên tỉ giá thực giữa đô la và yên cao hơn tỉ giá danh nghĩa (thường là tỉ giá được xác định trên thị trường là tỉ giá giữa đô la và yên). Điều này cho thấy đồng yên đã mất giá đáng kể.
“Tỉ giá hiệu quả thực” là sự kết hợp giữa tỉ giá hối đoái hiệu quả trung bình của nhiều loại tiền tệ và tỉ giá hối đoái thực có tính đến biến động giá cả. Chỉ số này có thể được coi là đại diện cho sức mạnh thực sự và đánh giá giá trị của đồng yên.
Sự mất giá mang tính cấu trúc của đồng yên: Bức tranh thực từ góc độ “tỉ giá hiệu quả thực”
Dựa trên các số liệu được tổng hợp, nếu coi tỉ giá năm 2010 là 100, tỉ giá hối đoái vào tháng 10 năm 2022, khi đồng yên suy yếu, là 57,26. Sức mạnh của đồng yên đã giảm hơn 40%. Lí do cho điều này rõ ràng là do tỉ giá hối đoái đồng đô la-yên (tỉ giá hối đoái danh nghĩa), đã giảm đáng kể từ tháng 1 năm 2022, nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất. Tính đến tháng 8 năm 2021, trước khi đồng yên giảm giá nhanh chóng, tỉ giá hối đoái giữa đô la và yên, 1 đô la vẫn bằng 110 yên. Mặc dù vậy, “tỉ giá hiệu quả thực” yếu hơn đáng kể ở mức 71,09 (thấp hơn 30% so với mức chuẩn năm 2010). Do đó, ngay cả khi tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên trở lại mức 110 yên trong tương lai, thì thực tế là đồng yên vẫn yếu.
Những gì chúng ta có thể hiểu từ phân tích này là những chuyển động trong “tỉ giá hiệu quả thực”, cho thấy sức mạnh thực sự của đồng yên, không chỉ phản ánh những biến động ngắn hạn mà còn cả những thay đổi cơ cấu trung và dài hạn. Những thay đổi trong tỉ giá hối đoái thực của đồng yên có thể được phản ánh trong các biến động của giá cả và tiền lương trong khi tỉ giá hối đoái danh nghĩa không thay đổi và ngược lại, những thay đổi trong tỉ giá hối đoái danh nghĩa có thể phản ánh những thay đổi của giá cả và tiền lương ngay cả khi giá cả và tiền lương không đổi. Nhìn vào sự vận động của “tỉ giá hiệu quả thực” trong dài hạn, năm 1995 là đỉnh cao của sự tăng giá của đồng yên, và kể từ đó nó đã chuyển động theo hướng mất giá. Năm 1995 được coi là đỉnh cao của nền kinh tế Nhật Bản, ngay sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ. Sức mạnh của đồng yên cũng đạt đỉnh vào khoảng thời gian này và tiếp tục giảm kể từ đó. Những chuyển động này không phải là kết quả của những biến động kinh tế vĩ mô ngắn hạn, mà là của các xu hướng cấu trúc.
Thường có lập luận rằng “đồng yên yếu hơn làm suy yếu nền kinh tế Nhật Bản”, nhưng điều này không đúng. Nguyên nhân là do những thay đổi cơ cấu lớn trong xã hội, chẳng hạn như những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp, là gốc rễ, và kết quả được phản ánh trong các chuyển động của “tỉ giá hiệu quả thực”. Do đó, không phải mọi trường hợp thay đổi tỉ giá hối đoái theo hướng tăng cũng sẽ dẫn dắt nền kinh tế Nhật Bản theo hướng thuận lợi. Mức “tỉ giá hiệu quả thực” ở mức thấp nhất kể từ năm 1980. Hơn nữa, điều tương tự cũng đã xảy ra vào tháng 8 năm 2021, khi tỉ giá đô la-yên là 1 đô la = 110 yên. Nói cách khác, bất kể những chuyển động nhanh chóng gần đây của tỉ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng yên, sức mạnh của đồng yên về mặt cấu trúc ở mức rất thấp. Tỉ giá hiệu quả thực là sự kết hợp của các chuyển động cơ cấu nêu trên và các dao động ngắn hạn do các biến động kinh tế vĩ mô gây ra trong năm ngoái. Yếu tố cấu trúc quan trọng hơn những biến động ngắn hạn.
Đồng yên cực kì yếu có liên quan mật thiết đến tình trạng giảm phát trong quá khứ. Suy nghĩ về cách khắc phục tình trạng này nắm giữ chìa khóa cho vấn đề tăng giá trị đồng yên. Việc mở rộng đầu tư trong nước và thúc đẩy đổi mới là những giải pháp vĩ mô quan trọng cần chính phủ xem xét một cách nghiêm túc.
Dự báo tỉ giá yên và đô la Mỹ trong năm 2023
Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Tổng hợp: LocoBee