Tại Shunan, tỉnh Yamaguchi, nhóm 2 học sinh trung học ở đây đã tìm ra cơ chế hoạt động của một thiết bị nghe lén thời trung cổ, một trong những công cụ quan trọng nhất của ninja trong các nhiệm vụ gián điệp.
2 học sinh tại trường trung học phổ thông Tokuyama tỉnh Yamaguchi sẽ trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại cuộc thi tiền đại học của Hội chợ khoa học và kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới. Họ sẽ là thành viên của đội tuyển quốc gia Nhật Bản.
Nguồn: Báo Asahi
Ninja được cho là đã hoạt động nhiều trong thời kỳ Nam Bắc triều (1336-1392) đến thời kỳ Edo (1603-1867). Nhiệm vụ chính của ninja, còn được gọi là “shinobi” (người tàng hình), là thu thập thông tin tình báo cho lãnh chúa của họ. Họ thường sử dụng một tấm kim loại gọi là“saoto-kikigane”, có nghĩa là “đồ kim loại để nghe âm thanh nhỏ”. Công cụ này được làm bằng đồng thau hoặc các vật liệu khác, tấm kim loại này thường có chiều dài khoảng 4,5 cm, rộng 3 cm và dày 3mm.
Công cụ này được đề cập trong “Ninpiden”, một cuốn sách về “ninjutsu” (nghệ thuật của ninja) từ đầu thời kỳ Edo. Một ấn bản tiếng Nhật hoàn chỉnh, đương đại của “Ninpiden,” được dịch và chú thích bởi Nakashima Atsumi, hiện thuộc sở hữu của nhà xuất bản Kokushokankokai. Trong tác phẩm này có 1 đoạn mô tả saoto-kikigane như một “công cụ được ninja dùng, vô cùng hữu ích cho các hành động cần tốc độ và bảo mật.”
Nguồn: Báo Asahi
Một đoạn khác có viết và được tạm dịch ra như sau “Khi các Ninja lẻn vào một ngôi nhà và thấy tiếng người rất nhỏ, họ treo dụng cụ này lủng lẳng và đưa nó lại gần tai để có thể nghe rõ hơn”.
Nhưng thiết bị này được sử dụng như thế nào và nó có tác dụng gì vẫn còn là một bí ẩn. 2 thành viên câu lạc bộ khoa học của trường trung học phổ thông Tokuyama có niềm yêu thích với ninja đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này vào mùa xuân năm 2021 sau khi xem cuốn sách của Nakashima ở trường của họ.
Các học sinh đã nhận sự giúp đỡ của Công ty Nakamura Metal Works, có trụ sở tại Shunan, tỉnh Yamaguchi, để sản xuất một mô hình thử nghiệm làm bằng đồng thau. Mô hình saoto-kikigane có kích thước 7cm x 3cm và nặng 48 gam. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy saoto-kikigane không khuếch đại âm thanh một cách hiệu quả mà làm giảm âm lượng của các âm cao xung quanh, với tần số 5.000 hertz trở lên.
Nguồn: Báo Asahi
Nghiên cứu của họ được thực hiện trong năm học này, bắt đầu vào tháng 4, bởi các học sinh trẻ Tsurumaru Michiru và Shibasaki Yuto, những người đã tìm hiểu và xây dựng dữ liệu chính xác hơn. Các học sinh này đã tìm hiểu âm thanh trên saoto-kikigane và thực hiện các phép đo ở mặt sau của nó. Họ phát hiện ra rằng âm vực càng cao thì âm lượng của đĩa càng giảm, đặc biệt là ở gần cả 2 đầu của thiết bị.
Tsurumaru và Shibasaki cho biết hiện tượng vật lý được tạo ra. Họ cho biết, sóng âm thanh ở dải âm vực cao hơn ít có khả năng bị nhiễu xạ hoặc quay quanh các góc ở mặt sau của thiết bị. Ngoài ra, sóng âm thanh giao thoa với nhau và triệt tiêu lẫn nhau. 2 học sinh đã kết luận rằng saoto-kikigane làm cho giọng nói của con người dễ nghe hơn bằng cách chặn các âm thanh cao độ thông qua hiệu ứng “khử tiếng ồn”. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của họ cho thấy thiết bị khiến giọng nói của con người nghe rõ hơn gấp đôi.
Họ viết trong bài báo cáo của mình “Có lẽ một ninja đã sử dụng saoto-kikigane bằng cách treo nó bằng một sợi chỉ sao cho một đầu rơi gần lỗ tai” .
Tsurumaru và Shibasaki tò mò về động cơ khiến ninja chặn những âm thanh khó nghe như vậy. Họ nhận ra tiếng mưa rơi và tiếng côn trùng kêu có thể là những nguồn gây ra tiếng ồn xung quanh khi không có ô tô hoặc điện thoại di động xung quanh. Các phép đo cho thấy những con dế hót líu lo ở tần số cao khoảng 5.000 hertz trong một cánh đồng lúa cách trường học không xa.
Các học sinh cho rằng những tiếng ồn xung quanh như vậy gây phiền toái cho ninja trong các nhiệm vụ nghe lén. Háo hức đưa công nghệ ninja trở lại cuộc sống, 2 học sinh đã sử dụng máy in 3-D để chế tạo một thiết bị có một miếng kim loại nhỏ giống như saoto-kikigane. Họ đã chỉ ra rằng việc đưa thiết bị đến gần micrô hơn cho phép giọng nói của con người được ghi lại rõ ràng hơn thông qua các hiệu ứng khử tiếng ồn.
Tsurumaru và Shibasaki đã trình bày nghiên cứu của họ tại Thử thách Khoa học & Kỹ thuật Nhật Bản lần thứ 20 (JSEC 2022), một cuộc thi về kết quả nghiên cứu độc lập của học sinh trung học và cao đẳng kỹ thuật. Họ đã được trao giải thưởng JFE Steel, một trong 8 giải thưởng hàng đầu, trong buổi trình bày cuối cùng được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái.
Họ hiện đang dịch bài báo nghiên cứu sang tiếng Anh trước khi trình bày tại ISEF ở Dallas vào tháng 5 năm nay. “Thật tuyệt khi ninja đã sử dụng một công cụ có cơ sở lý thuyết như vậy. Họ giống như các nhà khoa học.”, Tsurumaru nói.
“Tôi muốn cả thế giới biết về ninja và tài năng của họ như thế nào,” Shibasaki nói.
Ông Nakashima, dịch giả 78 tuổi của cuốn sách ninjutsu đã truyền cảm hứng cho nghiên cứu của 2 học sinh, ông khen ngợi tuyên dương họ như sau: “Theo những gì tôi biết, đây là lần đầu tiên có người chứng minh được saoto-kikigane chặn tiếng ồn cường độ cao một cách hiệu quả. Sự nhiệt tình của những học sinh trung học luôn theo đuổi sự tò mò của mình thật tuyệt vời. Tôi thực sự tự hỏi làm thế nào ninja chú ý đến tác dụng khoa học này và bắt đầu sử dụng thiết bị từ rất nhiều năm về trước.”
Giải mã dấu hiệu tay của Ninja – Ninjack
Nguồn: Báo Asahi
Biên tập: LocoBee
bình luận