Trong một vụ kiện về việc các trường âm nhạc có cần trả tiền bản quyền cho bài hát được sử dụng trong giờ học hay không, Tòa án tối cao Nhật Bản đã phán quyết rằng các buổi biểu diễn của học sinh không phải trả tiền bản quyền và chỉ các buổi biểu diễn của giáo viên mới phải trả khoản tiền này.
Nội dung bài viết
Nội dung vụ kiện
5 năm trước, JASRAC – Hiệp hội quản lý bản quyền âm nhạc Nhật Bản – đã công bố chính sách thu tiền bản quyền đối với các trường dạy nhạc. Việc này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các trường dạy nhạc. Họ khẳng định họ không có nghĩa vụ phải trả tiền trong trường hợp này. Khoảng 250 công ty quản lý các trường âm nhạc như Công ty quảng bá âm nhạc Yamaha đã nộp đơn kiện về chính sách thu phí các trường âm nhạc đối với việc sử dụng âm nhạc của JASRAC.
2 điểm tranh cãi chính
Đầu tiên là liệu âm nhạc đang được sử dụng trong một lớp học âm nhạc, hoặc liệu giáo viên hoặc học sinh có thực sự dùng nó hay không. Thứ hai là phần trình diễn âm nhạc có thể được coi là biểu diễn cho công chúng nghe hay không?
Đạo luật bản quyền tại Nhật quy định rằng 1 tác phẩm âm nhạc khi được trình diễn trước công chúng thì cần sự đồng ý từ người sáng tác hoặc người viết lời của bản nhạc đó, hoặc phải trả tiền bản quyền để sử dụng. Việc biểu diễn mà không có sự đồng ý là hành vi vi phạm bản quyền.
Phiên tòa thứ nhất
Phiên tòa thứ nhất đã phán quyết rằng âm nhạc được sử dụng trong trường âm nhạc vốn được điều hành bởi doanh nghiệp và được sử dụng với mục đích biểu diễn cho học sinh – những người được coi là công chúng. Do đó có thể thu phí sử dụng bản quyền. Đồng thời bác bỏ lời phản đối của phía các trường âm nhạc.
Phiên toà thứ hai
Phiên tòa thứ hai xem xét các buổi biểu diễn của giáo viên và học sinh tách biệt nhau. Màn biểu diễn của giáo viên là nhằm mục đích cho phép học sinh – những người là công chúng – nghe trong lớp học âm nhạc. Về phía học sinh, được nhận định là mục đích chính của việc sử dụng âm nhạc là để học tập, nâng cao kỹ thuật của bản thân, nên sẽ không bị đánh phí bản quyền.
Trong phán quyết ngày 24/10, Chánh án Miyama Takuya của Tòa án số 1 thuộc Tòa án tối cao cho biết: “Mục đích của các buổi biểu diễn của học sinh trong các lớp học âm nhạc là để nâng cao kỹ năng của họ, và việc biểu diễn các bản nhạc chỉ là một phương tiện để đạt được mục tiêu đó”. Sau cùng, tòa án quyết định rằng “Các buổi biểu diễn của học sinh là hoàn toàn tự nguyện” và trường âm nhạc không bắt họ biểu diễn, do đó cũng không thể thu phí sử dụng bản quyền trong trường hợp này.
Cả 5 thẩm phán đã nhất trí với quyết định này. Do đó, kết luận rằng phí bản quyền chỉ áp dụng đối với hoạt động của giáo viên đã được xác nhận. Đây là lần đầu tiên một quyết định tư pháp được đưa ra liên quan đến bản quyền đối với các lớp học âm nhạc, và nó được cho là sẽ ảnh hưởng đến các lớp học âm nhạc trên toàn quốc.
Câu chuyện âm nhạc trong ngày Tết của người Nhật
Phiên điều trần của Tòa án tối cao
Cả hai bên là JASRAC và các trường âm nhạc đều kháng cáo phán quyết của phiên tòa thứ hai. Tuy nhiên Tòa án tối cao đã không xem xét việc thu phí bản quyền đối với trường hợp của giáo viên, vì vậy vấn đề của phiên điều trần thu hẹp trong vấn đề liên quan đến học sinh.
Trường âm nhạc khẳng định các buổi biểu diễn của sinh viên là tự nguyện, và trường âm nhạc không có nghĩa vụ phải trả phí sử dụng. Mặt khác, phía JASRAC nói rằng học sinh lựa chọn các tiết mục trong sách giáo khoa do trường nhạc soạn và biểu diễn dưới sự hướng dẫn của các giáo viên – người chỉ đạo lớp học – và khẳng định rằng việc thu phí sử dụng trong trường hợp này là hợp lí.
Điểm mấu chốt lớn nhất có thể nói là lớp học âm nhạc là nơi học sinh phải luyện tập để biểu diễn. Phán quyết đưa ra nhận định quan trọng là mục đích và phương pháp của cuộc biểu diễn, nội dung và mức độ tham gia vào cuộc biểu diễn cần được xem xét một cách toàn diện. Từ đó mới xác định được ai là chủ thể của cuộc biểu diễn.
Trên cơ sở đó, phán quyết chỉ ra rằng mục đích các buổi biểu diễn của học sinh là để “nâng cao kỹ năng của họ dưới sự hướng dẫn của giáo viên, và việc biểu diễn là một phần được thiết lập với vai trò là phương tiện để đạt được mục đích đó”. Hơn nữa, về sự tham gia của giáo viên và lớp học, ngay cả khi giáo viên chơi nhạc đệm hoặc chơi tài liệu đã ghi âm, nó chỉ hỗ trợ cho việc học tập của học sinh. Điều này giúp các học sinh đạt được mục tiêu của mình.
Kết luận là không thể thu phí trường âm nhạc đối với buổi biểu diễn của học sinh vì không thể coi việc thực hành của học sinh là trình diễn.
Trong lịch sử kiện tụng tiền bản quyền âm nhạc từng xảy ra đối với các quán karaoke và quán bar, nhưng đây là quyết định đầu tiên của Tòa án tối cao bác bỏ việc thu tiền. Điều này xác nhận quyết định rằng chỉ có thể thu phí bản quyền từ phần trình diễn của giáo viên của trường âm nhạc.
Đáp lại phán quyết, các nguyên đơn đã tổ chức một cuộc họp báo. Ông Oike Masato – chủ tịch của “Hiệp hội bảo vệ giáo dục âm nhạc” của các trường âm nhạc cho biết: “Phán quyết về luật bản quyền không áp dụng cho các buổi biểu diễn của học sinh đã được quyết định. Cuối cùng sau 5 năm chúng tôi đã có được kết quả, tuy không phải là hoàn hảo 100% nhưng tôi nghĩ đã tránh được điều tồi tệ nhất. Tôi hoàn toàn chấp nhận quyết định của tòa án. Trong tương lai, tôi muốn thảo luận với JASRAC về mức phí sử dụng cho buổi biểu diễn của giảng viên trong lớp âm nhạc và việc phát lại tài liệu đã ghi âm”.
Cùng với đó, JASRAC cũng đã tổ chức họp báo và nói rằng họ lấy làm tiếc tiếc khi yêu cầu bồi thường không được chấp nhận. Tổ chức này muốn tiến hành thảo luận càng sớm càng tốt đểcó thể cung cấp giấy phép linh hoạt hơn nhằm tiến tới tạo ra một xã hội thịnh vượng, nơi nhiều người có thể tiếp xúc với âm nhạc.
Lý do tôi sinh ra – Dự án âm nhạc đầy ý nghĩa được thực hiện ở hai đầu Nhật Việt
Nguồn: NHK
Biên tập: LocoBee