Chuối là loại trái cây được người Nhật ăn nhiều nhất, luôn đứng đầu trong các loại trái cây trong 18 năm liên tiếp. Sự phổ biến của nó là do hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng và giá cả phải chăng. Tuy nhiên đây cũng là thực phẩm bị vứt bỏ nhiều tại Nhật.
Nội dung bài viết
Dữ liệu nhập khẩu chuối
Theo thông tin từ Dole – công ty chuyên nhập khẩu chuối vào Nhật thì chỉ riêng tại đây hàng năm có 1.000 tấn chuối bị vứt bỏ. Lí do là vì số chuối đó không đáp ứng tiêu chuẩn dưới tên thương hiệu Dole. Hơn 90% chuối bị loại bỏ không đạt tiêu chuẩn của Dole sẽ được tặng cho các vườn thú và ngân hàng thực phẩm.
Theo thống kê thương mại của Bộ Tài chính, hàng năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 1,1 triệu tấn chuối và liên tục tăng trong 5 năm qua. Phần lớn chuối tiêu thụ tại Nhật là sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Người ta nói rằng nhiều quả chuối bị loại bỏ trong các quy trình khác nhau cho đến khi chúng được trưng bày trong các cửa hàng như siêu thị.
Điều này có nghĩa là một lượng lớn chuối đã được nhập khẩu nhưng lại bị loại bỏ ngay tại Nhật Bản trước khi được đưa ra thị trường.
Tại sao lại có rất nhiều chuối không đạt tiêu chuẩn ngay từ đầu?
Người tiêu dùng có xu hướng tránh mua những quả có vỏ bị hư hại nhẹ, hoặc những quả có đốm nâu do quá chín từ khi nhập về. Thông thường chuối xấu mã tại cửa hàng có nguy cơ cao bị loại bỏ. Người mua luôn có tâm lí chọn chuối có vỏ màu xanh không vết xước để có thể bảo quản tại nhà lâu hơn. Những hành động này đã dẫn đến việc tiêu hủy chuối với số lượng lớn.
Trên thực tế, một lượng lớn chuối đã bị loại bỏ ngay cả trước khi chúng được gửi đến Nhật Bản. Chỉ riêng tại các đồn điền của Dole ở Philippines có khoảng 20.000 tấn chuối đã được đưa vào các bãi rác địa phương.
Hình thức chống lãng phí chuối
Tại Omotesando, thành phố Tokyo có một cửa hàng đặc sản nước ép chuối khá phổ biến với giới trẻ. Hỏi ra mới biết nguyên liệu làm ra loại nước này đều là chuối “không đạt tiêu chuẩn” đã bị loại bỏ từ trước đến nay. Thực tế là không có vấn đề gì về mặt vệ sinh thực phẩm cũng như hương vị. Bản thân sản phẩm cũng được gắn nhãn là “Mottainai Banana”, nghĩa là chuối lãng phí.
Dựa trên dự báo CPI tính đến ngày 29/9 của Viện Nghiên cứu Nhật Bản thì gánh nặng lên ngân sách hộ gia đình do các sản phẩm thực phẩm liên tiếp tăng giá dự kiến sẽ tăng khoảng 35.000 yên so với năm tài chính trước. Mặt khác, ước tính có khoảng 56.000 yên thực phẩm bị vứt bỏ mỗi hộ gia đình mỗi năm (Theo ước tính của thành phố Kyoto vào năm 2019). Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản bà Naoko Ogata ước tính rằng việc giảm lượng rác thải thực phẩm xuống 60% sẽ có tác dụng kinh tế bù lại giá cả cao hơn.
Lãng phí thực phẩm – Vấn đề của toàn xã hội
Nguồn: www.banana.co.jp
Biên tập: LocoBee