Công nghệ mới nhất giúp bảo vệ sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản

Sự tồn tại “hàng giả” khiến cho các sản phẩm chính hãng của Nhật Bản rơi vào tình trạng bi đát. Trong nhiều năm qua, các sản phẩm giả đã cản trở các công ty Nhật Bản mở rộng ra nước ngoài. Thực tế của các thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi hơn và không dễ gì đối phó.

 

Nhà sản xuất mỹ phẩm bị đẩy vào thị trường hàng giả

Ông Sato Kimiharu là phó chủ tịch của một nhà sản xuất mỹ phẩm có trụ sở chính tại Hokkaido. Công ty của ông Sato từng mở rộng sang thị trường Trung Quốc. Khoảng năm 2017, số lượng đơn đặt hàng tăng lên nhanh chóng. Doanh thu hàng năm vượt quá 2 tỷ yên, xưởng sản xuất rất bận rộn từ sáng đến tối… Cùng với đó tin tức và hàng giả bắt đầu xuất hiện, tuy nhiên do sản phẩm kém chất lượng nên rất dễ bị phát hiện.

Sau đó mọi thứ từ từ trở nên tồi tệ hơn. Hàng giả nhanh chóng được cải thiện về mức độ đóng gói bao bì sản phẩm, còn chất lượng thì vẫn chỉ là dầu và nước. Một số cửa hàng lần lượt xuất hiện, in lại ảnh từ trang web của công ty mà không xin phép và giả danh bán sản phẩm chính hãng. Các trang web này đã bán các sản phẩm giả với giá thấp hơn một nửa so với giá gốc.

Khi ông Sato mua thử hàng giả và kiểm tra nó thì xác nhận đây thực sự là sản phẩm không tốt bởi nó chỉ là hỗn hợp của nước, dầu và hương thơm. Tuy nhiên, người tiêu dùng thì không thể phân biệt được sự khác biệt và các sản phẩm chính hãng của công ty không còn bán được nữa.

Công ty ông Sato đã làm một con dấu để chứng minh tính xác thực của sản phẩm chính hãng nhưng nó ngay lập tức bị bắt chước. Trước tình hình đó, các nhà bán lẻ Trung Quốc bắt đầu từ chối giao dịch với lý do hàng giả đang được lưu hành.

Khoảng một năm rưỡi trước, công ty đã quyết định rút lui khỏi thị trường Trung Quốc do kinh doanh không hiệu quả. “Chúng tôi không thể làm gì hơn với quy mô công ty chỉ khoảng trên dưới 100 người, hàng giả đã chiếm từ 60% đến 70% toàn bộ thị trường. Thật đáng tiếc và thất vọng”.

 

Các biện pháp chống hàng giả sử dụng công nghệ mới nhất

Trong hoàn cảnh đó, phong trào thách thức cuộc chiến chống hàng giả với công nghệ mới nhất đã bắt đầu. Vào tháng 9, một nhà máy sản xuất rượu sake ở thành phố Sabae, tỉnh Fukui đã giới thiệu các biện pháp đối phó hàng giả bằng cách sử dụng nhãn IC do một công ty công nghệ thông tin ở Tokyo phát triển.

Độ dày của nhãn IC là 0,1mm. Nhãn này được gắn vào mặt sau của nhãn rượu sake và nếu bạn dùng điện thoại thông minh của mình soi lên thẻ, bạn sẽ được kết nối với trang web chuyên dụng hiển thị trạng thái của sản phẩm. Nếu cắt nhãn chai thì nhãn này cũng sẽ bị hỏng. Vì lý do này, ngay cả khi một sản phẩm giả được bán dưới dạng “mới” nhưng bị thay thế nội dung nó sẽ được hiển thị là “đã mở” và có thể xác định đây là “hàng giả”.

Trước khi mua rượu có thể xem được nguồn gốc rượu (Ảnh: www.sbitraceability.co.jp)

Sau khi mở rượu sẽ hiển thị là đã mở (Ảnh: www.sbitraceability.co.jp)

Rượu sake này là sản phẩm chủ đạo của công ty trên. Giá bán của nó là 15.000 yên ở Nhật Bản, nhưng người ta nói rằng nó có giá 2.000 đô la ở nước ngoài, tương đương gần 300.000 yên Nhật. Vì sản phẩm có tuổi đời hơn 5 năm nên số lượng xuất xưởng bị hạn chế, và trong khi tình hình tiếp tục không theo kịp với nhu cầu toàn cầu tăng cao, những kẻ buôn bán vô lương tâm đang chú ý đến nó và phân phối các sản phẩm giả mạo.

Bí quyết của hàng giả là thay thế bên trong bằng một loại rượu sake khác và niêm phong chai bằng cách bắt chước nắp và nhãn một cách công phu. Người ta nói rằng hàng giả như vậy thực sự được bán tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ.

Mặt khác, công ty công nghệ thông tin phát triển loại thẻ IC trên đã nhận được yêu cầu từ khoảng 50 nhà máy sản xuất rươụ khác ngoài công ty này.

 

Nhận dạng bằng “thẻ” vô hình

Ngoài thẻ IC như trên còn có những công nghệ sử dụng các “thẻ” vô hình để phân biệt giữa sản phẩm chính hãng và sản phẩm giả mạo. Một công ty tư vấn lớn ở Tokyo đã giới thiệu công nghệ mới nhất sử dụng “bột” do một công ty liên doanh của Mỹ phát triển.

Ảnh: www.pwc.com

Loại bột đặc biệt này có kích thước 1 hạt nhỏ hơn 0,1mm. Nó được làm bằng silicon dioxide, được sử dụng như một chất phụ gia thực phẩm. Có vô số lỗ trên bột, và mảng lỗ hoạt động giống như một mã vạch cho phép đính kèm thông tin cụ thể.

Chỉ cần đọc phần bột đã dán bằng một ứng dụng trên điện thoại thông minh người ta sẽ truy xuất được thông tin liên quan. Kích thước của bột rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên rất khó để sao chép lại, và nó có khả năng chịu nhiệt tới 1.000 độ. Theo công ty, nó không gây hại nếu nuốt và có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm thực phẩm như thịt và cá, thuốc và sợi quần áo.

Ở Úc, có những ví dụ về việc gắn nó vào thịt bò xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở Mỹ, nó được trộn với chất phủ trên bề mặt thuốc. Mã vạch và mã QR có thể dễ dàng bị sao chép nhưng loại bột này không thể sao chép được, vì vậy nó sẽ là bằng chứng xác thực nhất. Nếu loại bột này được chứng nhận, nó có thể được thêm vào thực phẩm ở Nhật Bản và chi phí được cho là thấp.

10 nơi mua sắm ở Nhật nên biết khi đến xứ Phù Tang

 

Nguồn: NHK

Biên tập: LocoBee

Facebook