Wazuma – ảo thuật truyền thống Nhật Bản

Nhật Bản có nền văn hoá truyền thống đặc sắc với Kabuki, Ukiyoe, Wazuma… Trong số đó ít thấy tài liệu tiếng Việt nào đề cập đến “Wazuma”. Vậy Wazuma là gì? Nó còn tồn tại trong cuộc sống hiện đại ngày nay không? Cùng LocoBee khám phá nhé!

 

Wazuma là gì?

Ảo thuật gia Yoro Takinojo (養老瀧之丞 080-6629-3893)

Wazuma là ảo thuật truyền thống Nhật Bản. Tiếng Nhật là 和妻, ngoài ra còn có tên khác là 手妻 (tezuma). Vào thời Edo, do ảo thuật gia “ra tay nhanh như chớp” nên người ta gọi tắt là “Tezuma”. Đến thời Meiji khi ảo thuật phương Tây bắt đầu xâm nhập vào Nhật Bản, người ta gọi ảo thuật phương Tây là “Yozuma” còn ảo thuật Nhật Bản là “Wazuma”.

 

Đặc trưng của Wazuma

Ảo thuật gia Yoro Takinojo (養老瀧之丞 080-6629-3893)

Điểm đặc trưng của Wazuma là sử dụng kĩ thuật đôi tay kết hợp cùng những chuyển động tinh tế trên nền nhạc truyền thống Nhật Bản. Điều này khác hẳn với ảo thuật phương Tây chủ yếu sử dụng thủ thuật đánh lừa thị giá. Động tác của ảo thuật gia tinh tế đến mức có thể ví như nghệ thuật biểu diễn và mang đến bầu không khí đậm chất Nhật Bản. Nếu như ảo thuật gia phương Tây luôn làm cho màn trình diễn của mình sôi động lôi kéo trí tò mò của người xem thì ngược lại điều quan trọng nhất của Wazuma chính là sự tinh tế và đẹp mắt.

 

Đạo cụ

Ảo thuật gia Yoro Takinojo (養老瀧之丞 080-6629-3893)

Wazuma không sử dụng bất cứ thứ gì trông giống như thật. Ví dụ khi muốn thể hiện con bướm người ta sẽ dùng mảnh giấy để làm nó như đang bay lên hoặc đậu trên bông hoa, khiến khán giả nghĩ rằng đó là con bướm. Tuỳ thuộc vào người xem mà những gì thấy được sẽ khác nhau – đây cũng chính là nét độc đáo của Wazuma. Bên cạnh đó, trang phục kimono và sân khấu biểu diễn của ảo thuật gia đều gợi nhớ đến thời Edo chứ không phải là đội mũ và thắt cà vạt đen như phương Tây.

 

Vở diễn tiêu biểu

Các vở diễn tiêu biểu trong Wazuma là :

Bướm giấy (紙蝶の曲 – Kochounomai)

Bướm giấy là ảo thuật dùng 2 chiếc quạt vàng và bạc làm cho tờ giấy chuyển động lúc như con bướm trong không trung, lúc như con bướm đậu lên bông hoa vẽ trên quạt.

Xem vở diễn Bướm giấy

Nghệ thuật nước (水芸 – Mizugei)

Nghệ thuật nước là màn biểu diễn của ảo thuật gia mặc kimono lộng lẫy tay cầm quạt trắng và xanh đứng trên cầu, nhìn xa trông như thể chiếc quạt hoặc tay của ảo thuật gia đang điều khiển nước. Sau đó có hai người phụ nữ vừa múa vừa cầm hoa, từ hoa phun ra những tia nước đẹp mắt. Ba người tương tác với nhau bằng âm nhạc khiến người xem cảm thấy như nước đang chuyển động theo ý muốn.

Xem vở diễn Nghệ thuật nước

Múa vòng vàng (金輪舞 – Kanawamai)

Ảo thuật gia sử dụng nhiều vòng tròn kim loại để nối hoặc tách chúng ra khỏi nhau. Cuối màn trình diễn là sự xuất hiện của chiếc vòng cỡ lớn mà ảo thuật gia đứng trong đó rồi giữ thăng bằng trong khi xoay vòng.

Xem vở diễn Múa vòng vàng

Hộp trống (蒸籠 – Seiro)

Hộp trống là từ một chiếc hộp không có gì lại xuất hiện thứ mà ảo thuật gia vừa mới giấu trước đó.

Xem vở diễn Hộp trống

Bát và Ngọc (お椀と玉 – Ochawan to tama)

Trong Bát và Ngọc, ảo thuật gia sử dụng sự linh hoạt của đôi tay để giấu và chuyển những viên ngọc từ bát này sang bát kia khiến cho khán giả cảm thấy vô cùng thích thú.

Xem vở diễn Bát ngọc

Dây giấy (連理の紙 – Renri no kami)

Từ một tờ giấy bình thường và kéo, ảo thuật gia đã biến nó thành một dây giấy dài theo các hình dạng khác nhau.

Xem vở diễn Dây giấy

Samutai (サムタイ)

Dù bị buộc 2 ngón tay cái vào với nhau nhưng ảo thuật gia vẫn có thể đưa 2 bàn tay di chuyển qua kiếm hoặc nhận vòng đeo vào từng bên tay một cách dễ dàng.

Xem vở diễn Samutai

Vào cuối thế kỉ 19, Wazuma cùng với KabukiUkiyo-e… là những nét văn hoá rất thu hút phương Tây. Tuy nhiên do không theo kịp những thay đổi của thời đại mà Wazuma dần dần suy tàn. Trong giới ảo thuật mọi người đều biết về Wazuma nhưng công chúng ngày nay hầu như rất ít biết tới. Tháng 5 năm 1997, Wazuma đã được công nhận là tài sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hiện nay các hoạt động truyền thống vẫn đang diễn ra tại Hội bảo tồn Wazuma thuộc Hiệp hội ảo thuật gia chuyên nghiệp Nhật Bản.

Khám phá về văn hoá Nhật Bản

 

Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.

Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí! 

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

 

Tổng hợp LocoBee

Facebook