Nếu đã có bằng lái ô tô loại phổ thông tại Nhật Bản và có dự định về nước thời gian dài, bạn có thể làm thủ tục đổi bằng lái Việt Nam. Nhìn chung thủ tục không quá phức tạp, không bị nhân viên làm khó, tổng chi phí dưới 1 triệu. Sau đây là chia sẻ chi tiết theo các địa điểm đã làm thủ tục từ kinh nghiệm thực tế của bạn Hien Le.
Nội dung bài viết
Giải pháp mở tài khoản ngân hàng và gói vay mua xe trả góp ở Nhật – Đăng ký chỉ với điện thoại
1. Xin giấy xác nhận bằng thật
Địa điểm: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, số 27 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Giấy tờ cần chuẩn bị (các bản photo không cần công chứng):
- Hộ chiếu
- Bằng lái tại Nhật Bản
- Thẻ ngoại kiều
- CMND hoặc căn cước công dân (CCCD) (bảo vệ sẽ giữ giấy tờ này lại khi qua cổng)
- 1 bản photo hộ chiếu
- 1 bản photo bằng lái
- 1 bản photo CMND/CCCD
Nếu cần giấy tờ photo gì thì bảo vệ sẽ nhắc khi mình ở cổng. Phía bên kia đường có quán photo khá gần nên nếu có quên thì qua đó, giá cả bình thường, không bị chặt chém.
Quy trình:
- Lên tầng 2 lấy số thứ tự. Nhân viên sẽ đưa cho 1 tờ khai để điền theo mẫu có sẵn.
- Điền xong thì nộp lại và lấy giấy hẹn, sáng hôm sau lên lấy. Nếu bạn nào không thể đến lấy trực tiếp thì có thể xin giấy ủy quyền ở đó luôn
Chi phí: 450.000 đồng (có bài viết ghi là 460.000 đồng)
Lưu ý: chuẩn bị sẵn tiền lẻ vì có khả năng nhân viên đại sứ quán không có tiền trả lại
Kết quả:
Giấy xác nhận bằng lái của đại sứ quán Nhật Bản
2. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy xác nhận bằng thật
Địa điểm: Cục lãnh sự – 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội
Giấy tờ cần chuẩn bị:
- Giấy xác nhận bằng thật ở mục 1
- 1 bản photo giấy xác nhận bằng thật
- 1 bản photo CMND hoặc CCCD
- Tờ khai xin hợp pháp hóa lãnh sự
Tờ khai này tốt nhất là tự khai online rồi in ra (mẫu tờ khai), chọn mục “Tờ khai đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu”. Bạn có thể khai như sau. Nếu nhờ quán photo đối diện cục lãnh sự khai hộ, bạn sẽ phải trả phí là 50.000 đồng.
Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự
Quy trình:
- Đến Cục lãnh sự, vào cửa đưa tờ khai qua máy quét để lấy số thứ tự (thường thì nó hiện ra số 1 trên màn hình là được)
- Chờ đến lượt được gọi, nộp các giấy tờ trên, nhận giấy hẹn, nếu muốn nhận giấy tờ qua đường bưu điện thì đem ra quầy số 12 gần cửa
Chi phí: 35.0000 đồng (và phí vận chuyển bưu điện nếu đăng kí, ví dụ về Nghệ An là thêm 35.000 đồng)
Thời gian giải quyết: khoảng 2-3 ngày làm việc (nộp chiều thứ 5, thứ 2 tuần tiếp theo Cục lãnh sự gửi giấy tờ, thứ 4 đến Nghệ An)
Kết quả:
Giấy xác nhận đã được dán tem hợp pháp hóa lãnh sự
3. Dịch công chứng bằng lái Nhật
Giấy tờ cần chuẩn bị: bằng lái gốc
Địa điểm: tất cả các phòng công chứng
Chi phí: 140.000 đồng
Thời gian giải quyết: 1 ngày làm việc, sáng hôm nay làm, chiều hôm sau có kết quả
Lưu ý: khi nhận bản dịch công chứng nên kiểm tra kĩ vì có thể có một số điểm họ dịch không sát hoặc ghi sai thông tin. Nên xin liên lạc của nhân viên để nhờ họ gửi cho mình xem trước bản dịch
Kết quả:
Dịch công chứng
4. Đổi bằng
Địa điểm: Tùy vào nơi bạn ở, nên tra trước khi đi để tránh đến nhầm (Mình ở Nghệ An nhưng nơi làm không phải là sở GTVT mà là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, số 16 Trường Thi, Thành phố Vinh)
Giấy tờ cần chuẩn bị (nếu thiếu thì có thể photo miễn phí ở trung tâm):
Giấy xác nhận bằng lái đã được hợp pháp hóa lãnh sự
- 1 bản photo hộ chiếu
- 1 bản photo CMND/CCCD
- 1 bản photo bằng lái
- 1 bản dịch công chứng bằng lái
- 1 bản photo bản dịch công chứng
- Giấy tờ gốc: bằng lái, hộ chiếu, CMND/CCCD
Quy trình:
- Lấy số thứ tự ở cửa
- Nộp giấy tờ ở quầy tương ứng, nếu không có vấn đề gì thì chụp ảnh tại chỗ
- Lấy giấy hẹn, đóng phí, nếu muốn chuyển phát qua bưu điện thì đến quầy chuyển phát để đăng kí thêm
Chi phí:
- Phí đổi bằng: 135.000 đồng
- Phí chuyển phát qua đường bưu điện (nếu không thể đến lấy trực tiếp)
Thời gian giải quyết: khoảng 5 ngày làm việc
Kết quả:
Mặt trước bằng B1. Hạn sử dụng bằng đúng hạn của bằng lái bên Nhật
Mặt sau bằng B1. Nếu là B11 thì sẽ có thêm “số tự động” cho các loại xe tương ứng
Loại bằng: Bằng của mình là MT nên được đổi sang bằng B1 (được lái xe số sàn). Bằng AT thì bạn mình mới đổi đầu tháng 6, đổi được sang bằng B1 số tự động (chỉ lái xe số tự động)
Thời hạn của bằng: Giống với thời hạn ghi trên bằng lái Nhật Bản
5. Lưu ý
- Phải đến trực tiếp nộp hồ sơ để chụp ảnh, không nhờ người khác đi thay
- Không cần sổ hộ khẩu hay photo sổ hộ khẩu nếu bạn nộp hồ sơ ở tỉnh nơi đăng kí thường trú, nói chung là khớp với địa chỉ ghi trên CMND/CCCD
- Không cần giấy khám sức khỏe
- Không cần chuẩn bị tờ khai đổi bằng, nhân viên sẽ khai và in giúp mình
- Tất cả giấy tờ photo không cần công chứng
- Bằng lái Nhật của mình bị giữ lại và trả kèm bằng Việt Nam sau 1 tuần. Bạn mình làm ở Hà Nội thì được trả lại bằng gốc luôn, nên cái này bạn nào phải quay lại Nhật sớm thì nên hỏi xem có được cầm bằng gốc về luôn không
- Hồ sơ đổi bằng có thể có sự khác nhau giữa các tỉnh thành, có bạn nói ở thành phố Hồ Chí Minh thì yêu cầu 2 bộ chẳng hạn, nhưng loại giấy tờ thì cơ bản là giống nhau
Các thủ tục hành chính cần thiết khi sống tại Nhật Bản
Hi vọng bài viết mang lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Bài viết được xuất bản dưới sự cho phép của bạn Hien Le. Vui lòng không sử dụng hay sao chép khi chưa có sự đồng ý của LocoBee