7 bước trong nghi thức đi cầu nguyện ở đền tại Nhật – bạn cần biết
Hành động đến thăm một ngôi đền trong tiếng Nhật được gọi là ”sanpai”/参拝. Ở Nhật Bản, dù là thành phố hay nông thôn, bạn sẽ tìm thấy nhiều đền thờ lớn nhỏ khác nhau. Bất kỳ ai cũng có thể vào khuôn viên đền thờ và tỏ lòng thành kính, bất kể họ có niềm tin tôn giáo nào.
Để không thất lễ cũng như hiểu hơn về văn hoá đi thăm đền của Nhật, LocoBee sẽ giới thiệu tới bạn 7 bước trong nghi thức đi cầu nguyện ở đền tại Nhật.
Nội dung bài viết
1. Cúi đầu trước cổng torii
Cổng torii (鳥居) hay cổng đền được coi là ranh giới giữa thánh địa và thế giới. Đi qua cổng torii có nghĩa là bạn đã bước vào lãnh địa của các vị thần.
Mặc dù thời gian gần đây nhận thức về nghi thức torii đã giảm sút, nhưng việc cúi đầu một lần trước cổng torii là nghi thức chính xác và chuẩn mực. Vì vậy, trước khi đi qua cổng, hãy cúi đầu để thể hiện sự tôn kính của bạn đối với các vị thần.
2. Cố gắng không đi giữa lối đi và đi chậm
Trung tâm của lối đi vào điện thờ được dành để làm khu vực vị thần đi qua. Vì thế hãy tránh không gian trung tâm này, hãy đi sang rìa của con đường và hãy đi một cách nhẹ nhàng, chậm rãi nhé.
3. Làm sạch tay và miệng tại “temizuya” hoặc “chouzuya”
Temizuya (手水舎) hoặc chouzuya (手水舎) là nơi bạn thanh lọc cơ thể và tâm trí của mình (một nghi lễ được gọi là misogi) trước khi đối mặt với vị thần. Tuỳ vào từng đền mà thiết kế của temizuya sẽ khác nhau nhưng hầu hết sẽ là dưới một chòi có mái, với thùng nước bằng đá ở giữa, nước được chảy ra từ đường ống nước bằng tre hoặc từ các tượng các con vật linh thiêng như Rồng… và có gáo bằng tre hoặc gỗ để sẵn (hishaku – 柄杓).
Thứ tự thực hiện rất quan trọng!
Cuối chào một lần trước vòi nước
↓
Nhấc gáo lên múc nước bằng hai tay, sau đó dùng tay phải cầm cán, tay trái hứng nước đổ từ gáo
↓
Đổi gáo sang bên tay trái rồi đổ nước đó qua tay phải. Cả hai lần này để nước trôi đi, không cần giữ lại.
↓
Đổi gáo sang bên tay phải, chụm tay trái lại để giữ nước và cho tay trái lên miệng để dùng nước đó rửa miệng
↓
Dùng tay trái che miệng khi nhổ nước từ miệng ra
↓
Cầm gáo bằng tay phải, dội nước lên tay trái
↓
Cầm gáo bằng hai tay, nhẹ nhàng đưa lên góc gần 90 độ so với mặt đất để nước chảy hết đi, cầm gáo nước sao cho mặt hứng nước hướng về phía mặt
↓
Quay gáo nhẹ nhàng theo kim đồng hồ hướng để từ từ úp gáo lại chỗ thành thùng nước
↓
Lấy khăn tay lau tay và miệng
↓
Cuối cùng chào 1 lần rồi quay đi
*Không được để gáo chạm vào miệng.
Nếu không nhớ hãy thử nhìn mọi người xung quanh và làm theo nhé.
Nguồn: kamisinsei上川神道青年会
4. Rung chuông ở điện chính
Chính điện thờ (honden) là nơi cư ngụ của các vị thần. Tại đây sẽ có một cái chuông. Đứng thẳng nghiêm trang, rồi dùng hai tay lắc mạnh chuông bằng cách để dây chuông về phía điện để báo cho vị thần biết sự hiện diện của bạn.
5. Osaisen
Đây là nghi thức cho đồng xu vào hộp saisenbako có ở điện. Đồng xu “saisen” là một vật cúng dường cho các vị thần.
Nhiều người đưa ra đồng 5 yên, đây là một số tiền rất nhỏ, nhưng không phải vì họ muốn tiết kiệm. Cách phát âm tiếng Nhật của từ “5 yên” giống hệt với từ “goen” có nghĩa là “may mắn” hoặc “kết nối tốt”, vì vậy cách chơi chữ này được sử dụng để truyền đạt mong muốn may mắn. 5 yên có một lỗ ở giữa và nó có nghĩa là bạn có thể nhìn xuyên qua tương lai và tương lai của bạn trải qua một cách tốt đẹp.
Không nhất thiết phải là 5 yên. Bạn có thể ném bất kỳ đồng xu nào có giá trị lớn hơn cũng được.
Từ từ ném osaisen của bạn vào hộp được đặt trước điện thờ chính.
6. Cúi đầu và cầu nguyện
Đầu tiên, cúi đầu hai lần. (Đứng thẳng rồi cúi sâu 2 lần)
Sau đó, vỗ tay: bàn đầu để hai bàn tay cùng vị trí sau đó, kéo bàn tay phải thấp hơn so với bàn tay trái 1 đốt ngón tay. Rồi thực hiện vỗ tay hai lần. Rồi cho vị trí của bàn tay phải lên cao gần với bàn tay trái
Khi bạn vỗ tay xong, hãy chắp tay ở tư thế cầu nguyện bằng cách duỗi thẳng các ngón tay và đặt hai bàn tay vào nhau. (Đừng bắt chéo ngón tay và giữ các ngón tay thẳng.)
Khi bạn đã cầu nguyện xong, hãy cúi đầu một lần nữa. (Đứng thẳng và cúi đầu sâu)
Toàn bộ quá trình này được gọi là “Nirei Nihakushu Ichirei” (2 cái cúi đầu, 2 cái vỗ tay và một cái cúi đầu) trong tiếng Nhật.
7. Chào lần cuối ở cổng torii
Khi bạn ra khỏi khuôn viên của ngôi đền qua torii, hãy quay mặt về phía cổng và cúi đầu một lần. Động tác cuối cùng này ngụ ý cảm ơn các vị thần đã cho phép bạn vào đền thờ.
Một số đền thờ đã trở thành điểm thu hút khách du lịch trong những năm qua ở Nhật Bản. Đây cũng là một nơi để nghỉ ngơi, dừng chân để tận hưởng sự an bình của một số du khách. Mọi người đều được chào đón dù là tôn giáo hay quốc tịch nào đi nữa.
LocoBee hy vọng rằng hướng dẫn nhỏ này có ích với bạn. Nếu có dịp, hãy thực hiện nghi thức cầu nguyện ở đền tại Nhật nhé!
Hi vọng bài viết mang lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết thêm về thông tin gì, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee biết để chuẩn bị các bài viết để trả lời các vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Meiji Jingu, Tokyo – ngôi đền linh thiêng hàng đầu Nhật Bản
Nguyên tắc trong văn hóa chụp ảnh của Nhật Bản cần biết
Tổng hợp LOCOBEE
bình luận