Hôm nay, LocoBee sẽ giới thiệu thủ tục bảo lãnh khi đăng ký kết hôn từ xa. Đối tượng là các bạn ở Việt Nam không qua được Nhật để làm thủ tục kết hôn và vợ/chồng không về Việt Nam làm thủ tục được. Nội dung là chia sẻ của 1 bạn nữ người Việt ở Việt Nam và chồng là người Nhật ở Nhật Bản đã đăng ký kết hôn thành công mà không cần phải qua nước còn lại.
Kinh nghiệm đăng kí kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản
#1. Đăng ký kết hôn
Ban đầu, xin giấy xác nhận độc thân tại Việt Nam có ghi rõ số hộ chiếu, ngày tháng năm sinh, nơi cấp, địa chỉ của đối phương. Sau khi nhận được từ UBND xã/phường rồi cần mang giấy khai sinh, Giấy xác nhận độc thân mang đi dịch thuật công chứng. Chồng/vợ ở phía Nhật sẽ lên tòa nhà thị chính 市役所 (cấp huyện, tỉnh) xin giấy đăng ký kết hôn từ xa và nghe nhân viên hướng dẫn cho viết. Sau đó gửi về Việt Nam, cho người còn lại ký.
Gửi qua Nhật:
- Hồ sơ chồng/vợ đã gửi
- Giấy khai sinh (cần dịch thuật công chứng)
- Giấy xác nhận độc thân (đã dịch công chứng)
- Bản sao hộ chiếu
Chồng/vợ bên Nhật sẽ chuẩn bị:
- Sổ hộ tịch chi tiết 戸籍謄本 (gọi là koseki tohon)
- Giấy tờ cá nhân liên quan và hồ sơ bạn gửi mang lên tòa thị chính nộp
Sau khi xét duyệt hồ sơ, 3 tuần sau sẽ lên nhận kết quả là giấy đăng ký kết hôn 結婚届.
Tiếng Nhật của các loại giấy tờ trên:
1. 出生証明書 (shussho shomeisho): Giấy khai sinh
2. 結婚状態確認書 (kekkon jotai kakuninsho): Giấy xác nhận độc thân
3. パスポートのコピー (pasupoto no kopi): Bản sao hộ chiếu
4. 婚姻届 (konin todoke): Giấy đăng ký kết hôn
Sau đó, chồng/vợ bên Nhật sẽ gửi về Việt Nam:
- Bản sao hộ chiếu (có công chứng càng tốt, không thì lưu bản PDF trong điện thoại cho nhân viên hành chính đối chiếu)
- Giấy đăng ký kết hôn
- Sổ hộ tịch (chi tiết)
Riêng về giấy đăng ký kết hôn tại Nhật cần mang ra Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để hợp pháp hóa con dấu, chỉ cần cầm hộ chiếu người yêu cầu (là vợ/chồng có tên trong hồ sơ cần chứng nhận) phí là 980.000VND, Đại sứ quán chỉ chứng nhận con dấu cấp quận trở lên.
Sau 5 ngày lên nhận hồ sơ, tiếp đến mang bản dịch giấy đăng ký kết hôn có đóng dấu của công ty dịch thuật và lên trang web http://hopphaphoa.lanhsuvietnam.gov.vn/Legalization/Online-registered.aspx điền thông tin cần hợp pháp giấy tờ và in ra.
Tiếp theo, phía Việt Nam sẽ làm các bản sao:
- 1 bản dịch, 1 bản đã xác nhận con dấu của Đại sứ quán (bao gồm giấy đăng ký hết hôn)
- Nộp bản sao, mang bản gốc đối chiếu, mang theo CMND ra Bộ ngoại giao/Sở ngoại vụ nộp
Sau 24 tiếng bạn sẽ nhận được hồ sơ đã hợp pháp hóa (để tiến hành nộp hồ sơ nhanh, phía Nhật có hồ sơ gì thì nhờ phía Nhật scan trước rồi phía Việt Nam mang đi dịch thuật (chưa công chứng), hồ sơ về tới Việt Nam là có.
#2. Cấp trích lục kết hôn
Sau khi đã có đầy đủ hồ sơ thì mang đi công chứng giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu của người Nhật (riêng sổ hộ khẩu không cần phải hợp pháp hóa). Sau khi công chứng giấy tờ xong thì tập hợp hồ sơ ra UBND cấp quận, huyện phòng tư pháp làm trích lục giấy đăng ký kết hôn 結婚抜粋 (gọi là kekkon bassui).
Thành phần hồ sơ:
1. 出生証明書: Giấy khai sinh
2. 結婚状態確認書: Giấy xác nhận độc thân
3. パスポートのコピー: Bản sao hộ chiếu
4. 婚姻届: Giấy đăng ký kết hôn
* Giấy tờ phải xuất trình:
- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu ghi chú kết hôn (giấy tờ tùy thân)
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc)
Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.
* Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai ghi chú kết hôn theo mẫu [Ghi: KÍNH GỬI: UBND CẤP quận/huyện nơi bạn cư trú]
- Bản sao giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp
- Bản sao giấy tờ tùy thân của cả 2 bên nam, nữ nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính
- Nếu công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn (Trích lục ghi chú ly hôn)
- Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc ghi chú kết hôn
- Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền
a) Số lượng hồ sơ: 01 bộ
b) Thời hạn giải quyết: 12 ngày làm việc
c) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
d) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam
e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Phòng Tư pháp cấp huyện tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định
f) Cơ quan phối hợp: Không
g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Trích lục ghi chú kết hôn
h) Lệ phí: 50.000 đồng
#3. Thủ tục xin giấy COE
Sau khi nhận Trích lục giấy đăng ký kết hôn, bạn tập hợp tất cả hồ sơ, bao gồm sổ hộ khẩu đã dịch và công chứng của bạn. Photo các trang của hộ chiếu nếu đã từng đi nước ngoài. Hình thẻ 3×4 và những giấy tờ khác cần thiết mà các trang web trên mạng chỉ dẫn rất kỹ. Sau đó gửi qua Nhật để phía Nhật làm thủ tục xin giấy COE (Certificate of Eligibility – 有資格証書) – Giấy chứng nhận tư cách lưu trú.
Hướng dẫn bằng tiếng Việt: https://bit.ly/3luKRFv (Link của Chính phủ Nhật Bản)
Sau khi có COE tiếp tục lên Đại sứ quán xin visa.
Những địa điểm cần phải tới để làm hồ sơ tại TP.HCM:
Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM:
[261 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh]Department Of External Relations – Consular Section (Sở Ngoại vụ)
[TP.HCM: ベトナム Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 1, Pasteur, 184bis +842838298589]
Nội dung bài viết đã được xin phép trực tiếp từ chủ sở hữu. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.