Các bạn đã từng xem đấu vật Sumo bao giờ chưa?
Sumo là môn võ cổ truyền đã quen thuộc từ lâu với người Nhật, môn võ này cũng lưu giữ lại rất nhiều nét đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản. Thời nay, môn võ này được biến tấu thành môn thể thao chuyên nghiệp với tên gọi là Đấu vật Sumo – Osumo.
Dạo quanh lịch sử Nhật Bản với Sumo: Sumo là gì?
Tiếp nối kì trước, trong kì này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các đô vật Sumo.
Đô vật là ai?
Những đô vật Sumo trực thuộc Hiệp hội Sumo Nhật Bản được gọi là Rikishi (力士), có thể hiểu là lực sĩ. Công việc chính của các đô vật Sumo là tham gia vào các buổi biểu diễn honbansho do Hiệp hội Sumo Nhật Bản tổ chức 6 lần mỗi năm. Ngoài honbansho thì các đô vật còn tham gia lưu diễn về địa phương và quốc tế. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho honbansho, các đô vật cũng phải làm một việc rất quan trọng khác là tập luyện, tổng duyệt trong phòng tập Sumo.
Theo Thần Đạo của Nhật Bản, từ xưa khi làm lễ tế thần – còn gọi là thần sự/shinji (神事) ở trong điện thần thì các đô vật sẽ được các vị thần ban cho sức mạnh đặc biệt cho nên họ được gọi là các lực sĩ. Vì thế nên các đô vật cần phải tham gia vào lễ hội và sự kiện.
Trong phòng tập Sumo, các đô vật ở cấp thấp hơn sẽ phải chịu trách nhiệm làm việc vặt như dọn dẹp và chuẩn bị bữa ăn, cũng như chăm sóc cho đô vật cấp Makuuchi. Các đô vật Sumo được tuyển dụng và chi trả chi phí bởi Hiệp hội Sumo Nhật Bản. Mức lương sẽ tùy thuộc vào cấp bậc và đô vật chỉ được bắt đầu nhận lương khi thăng lên đến bậc Juryo.
Làm thế nào để trở thành đô vật?
Đầu tiên, những người muốn trở thành đô vật cần phải gia nhập phòng tập Sumo. Sau khi nhận được sự cho phép của sư phụ mình, người này có thể nộp hồ sơ gồm 4 loại giấy tờ lên Hiệp hội Sumo Nhật Bản. Sau đó người đăng kí cần tham gia buổi thi sát hạch đệ tử mới, gọi là shindeshi kensa (新弟子検査).
(1)Đơn đăng kí trở thành đô vật
(2)Đơn đồng ý của phụ huynh
(3)Giấy chứng nhận hộ tịch, hộ khẩu, Kosekitohon (戸籍謄本) hoặc Kosekishohon (戸籍抄本)
(4)Giấy khám sức khỏe được cấp bởi bác sĩ
Để trở thành đô vật, người đăng kí cần phải vượt qua kì thi sát hạch đệ tử mới được tổ chức trước mỗi buổi honbansho.
Điều kiện tham gia kì sát hạch được quy định như sau đây:
(1)Hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc (Tốt nghiệp cấp trung học cơ sở)
(2)Dưới 23 tuổi
(3)Cao hơn 167 cm, nặng hơn 67 kg
(4)Khỏe mạnh
Những người đảm bảo đủ 4 điều kiện trên có quyền tham gia vào kì sát hạch. Trong kì sát hạch đệ tử mới, sẽ có bài kiểm tra thể lực và phần kiểm tra sức khỏe, những người cao trên 167cm và nặng hơn 67kg đủ tiêu chuẩn vượt qua. Tuy nhiên nếu người đăng kí dự thi vào kì tháng 3, khi họ mới tốt nghiệp trung học cơ sở thì chỉ cần cao hơn 165cm và nặng hơn 65kg là đủ.
Người nước ngoài muốn trở thành đô vật cần làm gì?
Về cơ bản, người nước ngoài muốn trở thành đô vật Sumo cũng cần vượt qua kì sát hạch đệ tử mới giống như người Nhật. Trong trường hợp này, đơn đăng kí trở thành đô vật cần phải được kí bởi 2 người bảo lãnh. Sau khi tham gia và vượt qua kì sát hạch của Hiệp hội và được công nhận trở thành đô vật thuộc Hiệp hội, người này cần phải nộp giấy đăng kí chứng nhận người nước ngoài (外国人登録証明書/Gaikokujin toroku shomeisho) lên Hiệp hội.
Bạn đã nhìn thấy Sumo bao giờ chưa? Hãy đến Ryogoku!
Hãy ghi nhớ Shikona!
Shikona (四股名) là tên của đô vật Sumo sử dụng khi hoạt động. Tên này giống như nghệ danh của nghệ sĩ tức là tên của đấu sĩ trên sàn đấu. Tên này có thể lấy các chữ thể hiện cảm giác mạnh mẽ, hoặc là có liên quan đến chính bản thân đô vật, phòng tập Sumo ngày trước họ theo học, hoặc là lấy chữ trong tên của một tiền bối mà họ kính trọng. Có rất nhiều tên thú vị nên khi đọc bảng Banzukehyo hãy để ý thử xem.
Tên shikona của các đô vật người nước ngoài cũng rất thú vị. Ví dụ đô vật Baruto (把瑠都) người Estonia lấy tên từ biển Baltic ở Estonia, trong tiếng Nhật đọc là biển Baruto. Đô vật Kazafuzan người Kazakhstan lấy tên dựa theo tên đất nước của mình. Đô vật Osunaarashi người Ai Cập, anh này có tên thật là Shaelan, phiên âm sang tiếng Nhật thành Sharan nên đặt tên như vậy. Đô vật Orora và đô vật Amuuru đến từ Nga cũng là những cái tên thú vị.
Cách đặt tên tiện nhất là dùng chữ kanji trong tên phòng tập Sumo của mình, khi đó chỉ cần nhìn vào tên shikona là mọi người có thể biết đô vật đến từ nơi nào.
- Dùng chữ 琴 (ví dụ 琴奨菊/Kotoshogiku hoặc 琴欧洲/Kotooshu) sẽ biết là đến từ phòng Sadogatake (佐渡ケ嶽部屋)
- Dùng chữ 栃 (ví dụ như 栃ノ心/Tochinoshin hoặc 栃乃洋/Tochinonada) sẽ biết là đến từ Kasugano (春日野部屋)
- Dùng chữ 玉 (ví dụ như 玉乃島/Tamanoshima) sẽ biết là đến từ Kataonami (片男波部屋)
- Dùng chữ 魁 (ví dụ như 玉乃島/Tamanoshima) sẽ biết là đến từ Tomozuna (友綱部屋) hoặc Hanaregoma (放駒部屋)
- Dùng chữ 風 (ví dụ như 嘉風/Yoshikaze hoặc 星風/Hoshikaze) sẽ biết là đến từ Oguruma (尾車部屋)
- Dùng chữ 旭 (ví dụ như 旭天鵬/Kyokutenho) sẽ biết là đến từ Oshima (大島部屋)
- Dùng chữ 千代 (ví dụ như 千代ノ富士/Chiyonofuji hoặc 千代大海/Chiyotaikai) sẽ biết là đến từ Kokonoe (九重部屋)
Phấn đấu mỗi ngày để đạt tới vị trí Yokozuna
Yokozuna là vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng Banzuke của giới Sumo. Một khi đã lên tới vị trí Yokozuna thì sẽ không bị xét xuống hạng nữa, người mang danh hiệu Yokozuna sẽ được giữ danh hiệu này tới khi nào ngừng tham gia các hoạt động.
Để đạt được danh hiệu này cần phải đảm bảo đủ điểm số và đáp ứng được các yêu cầu về nhân phẩm. Các Yokozuna còn được tham gia một nghi thức đặc biệt chỉ dành riêng cho các đô vật thuộc bậc này, nghi thức này gọi là Yokozuna dohyoiri (横綱土俵入り) – Lễ vào sàn đấu của Yokozuna.
Nếu có cơ hội, hãy đến xem tận mắt nghi lễ đặc biệt của các Yokozuna để chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống còn lưu lại từ nhiều đời của Nhật Bản. Kể cả khi bạn chưa biết gì về Sumo thì chỉ cần đọc loạt bài này là sẽ hiểu được cơ bản. Vậy nên hãy đón đọc kì tới, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các đô vật Sumo.
Cảm ơn quý độc giả đã đọc tới cuối cùng. Cảm ơn theo phong cách Sumo nào!
Gocchan deshita!!
ごっちゃんでした!!
Nếu bạn có hứng thú thì hãy xem thử kênh Tiktok của Hiệp hội Sumo Nhật Bản
Ngạc nhiên với thực đơn khổng lồ tại quán “Kushikatsu Yokozuna”
W.DRAGON (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.