Rác thải nhựa được tái chế bao nhiêu %?

Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn cầu. Rác thải nhựa của hộ gia đình tại Nhật sẽ phải phân loại riêng trước khi thu gom. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng phân loại và việc xử lí rác thải nhựa bị trộn lẫn với rác khác còn tồn tại rất nhiều vấn đề.

Trung tâm tái chế rác thải


Theo chân một chiếc xe thu gom rác thải nhựa từ các hộ gia đình ở quận Chuo thành phố Tokyo tới đảo Jonan quận Ota trên vịnh Tokyo là trung tâm tái chế của Kaname-kogyo. Khi thùng xe phía sau mở ra, rác thải nhựa đổ xuống như tuyết lở và bốc mùi chua nồng nặc.
Tại quận Chuo, lịch thu gom chai nhựa và bao bì (khay đựng đồ ăn, hộp trứng, chai hoá chất tẩy rửa,…) là 2 ngày riêng biệt. Rác thải nhựa sau khi thu gom về trung tâm xử lí sẽ lên băng chuyền và được phân loại có thể tái chế hay không bằng tay. Khối lượng xử lí mỗi ngày là khoảng 2 tấn.
Về lí thuyết các chai nhựa trước khi bị vứt bỏ cần xé nhãn, bỏ riêng nắp và súc sạch bên trong nhưng số lượng chai còn nhãn, nắp và nước ở trong rất nhiều. Những chai vẫn còn băng dính của cửa hàng tiện lợi hoặc có dấu tích viết bằng bút lông sẽ không phù hợp để tái chế. Nhựa đóng gói có khi còn lẫn trong gìay thể thao. Trên tường của trung tâm viết dòng chữ “Cái gì bẩn vứt luôn không cần nghĩ”.
Nhựa sau khi phân loại được nén thành cục vuông gọi là “bale”, được tái chế bằng tiền của người kinh doanh theo Luật tái chế bao bì. Nếu bale có lẫn nhựa bẩn hoặc vật lạ thì sẽ bị xử lí theo các quy định nghiêm ngặt của Hiệp hội tái chế bao bì Nhật Bản. Mặc dù rất muốn tái chế nhiều nhất có thể nhưng nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm tra thì nhựa sẽ không được tái chế.

Nhà máy tái chế nhựa


Bale sau đó được đưa tới nhà máy tái thương mại hoá ở thành phố Futsu tỉnh Chiba. Tại đây sẽ có máy tự động phân loại polyetylen và polypropylen rồi tái sử dụng. Nhựa được chuyển thành pallet dạng hạt – nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm nhựa – và pallet dùng trong kho. Như vậy là khoảng 50% nhựa sẽ được tái sử dụng thành các sản phẩm nhựa khác. Vậy còn nửa còn lại?
Quay trở lại nhà máy, những bale không được sử dụng sẽ tích lại trong kho và hiện khối lượng là khoảng 400 tấn. Mặc dù các bale này không bẩn lắm nhưng vì nó lẫn nhiều loại nguyên liệu khác nhau nên rất khó để tách nó ra lần nữa để tái chế, chưa kể rất tốn thời gian và công sức. Gần đây Trung Quốc và các nước châu Á khác bắt đầu cấm nhập khẩu nhựa nên số lượng bale như thế này ngày càng tăng.
Theo Hiệp hội tái chế nhựa Nhật bản, lượng rác thải nhựa gia đình trong năm 2017 là 4,18 triệu tấn. Tỉ lệ tái chế bao gồm cả đốt để tạo ra năng lượng là 83% nhưng tỉ lệ chuyển lại thành nhựa chỉ là 16%. Vấn đề rác thải nhựa trôi ra biển cũng đang trở nên nghiêm trọng. Do đó mà không chỉ phân loại kĩ càng mà điều cần thiết hơn chính là giảm thiểu tối đa sử dụng nhựa trong cuộc sống.
Toàn cảnh về vấn đề rác thải nhựa

Theo 朝日

bình luận

ページトップに戻る