Bài viết đọc thêm: Câu chuyện người Việt ở Nhật
Tháng 6 này hãy cùng LocoBee đến với hành trình của một bạn gái lấy chồng là người Việt, sang Nhật Bản theo tư cách visa gia đình và nỗ lực học tập để trở thành nhân viên chính thức cho một công ty dịch vụ liên quan đến y tế của Nhật Bản.
Nhân vật tháng 6: Mai Linh
Công việc hiện tại: nhân viên chính thức tại một công ty dịch vụ du lịch – y tế
Trước khi sang Nhật Bản
Linh lấy chồng là kĩ sư IT người Việt Nam. Ban đầu Linh không có ý định học tiếng Nhật cũng như sang Nhật mà hai vợ chồng thống nhất là sẽ để chồng Linh làm vài năm rồi về Việt Nam làm việc. Tuy nhiên sau đó chồng Linh quyết định ở lại Nhật Bản làm việc lâu hơn nên đã đưa Linh sang theo visa gia đình (tư cách lưu trú cùng gia đình). Trước khi sang Nhật Linh làm việc tại 1 công ty dược của Nhật, ngày đi làm tối tự học ở nhà đến bài 20 của giáo trình tiếng Nhật Minnano Nihongo.
Bắt đầu cuộc sống ở Nhật Bản
Sau khi tới Nhật, Linh xác định với bản thân điều đầu tiên cần làm là học tiếng Nhật để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và xa hơn nữa là tìm việc làm. Do nộp hồ sơ xin học muộn nên Linh không đi học trường tiếng Nhật mà đăng kí học lớp tiếng Nhật tình nguyện mà chồng đã từng học. Thầy giáo dạy kèm 1-1. Thời gian học là 1 tuần học 4-5 buổi, mỗi buổi 2-3 tiếng. Thầy không có giáo trình chính thống mà thường cho học theo dạng đọc truyện cổ tích, nghe đĩa, hội thoại hàng ngày, đi cùng thầy ra ngoài để học trong thực tế.
Bên cạnh việc duy trì đến lớp để có môi trường học tiếng Nhật, Linh đăng kí đi làm thêm ở combini gần nhà 1 tuần 4 buổi sáng để trang trải kinh tế cùng chồng. Trước khi đi thi N3 Linh có đăng kí lớp luyện thi 1 tuần 1 buổi 2 tiếng nhưng tự bản thân xác định quan trọng nhất vẫn là tự học ở nhà.
Nhờ có kinh nghiệm sử dụng kính ngữ khi đi làm thêm ở combini và học cùng thầy cô nên khi đi thi N3 Linh cảm thấy không bị quá sức. Vậy là chỉ sau 8 tháng từ 20 bài của giáo trình sơ cấp cô bạn này đã thi đỗ N3.
Luôn xác định mục tiêu của bản thân
Mục tiêu đầu tiên khi sang Nhật của Linh là tìm được việc làm chính thức tại các công ty Nhật Bản hoặc công ty Việt Nam tại Nhật Bản. Tuy nhiên vì bằng dược sĩ của trường đại học tại Việt Nam không được công nhận nên công cuộc tìm việc khá khó khăn. Tại Nhật Bản, công việc của dược sĩ là làm tại trung tâm nghiên cứu thuốc hoặc quản lí nhà thuốc. Ngoài ra còn phải tham dự kì thi quốc gia bằng tiếng Nhật để lấy được bằng. Cảm thấy con đường làm dược sĩ sẽ khó theo vì mất tầm 4-5 năm, Linh chuyển sang tập trung học tiếng Nhật và tìm công việc liên quan đến y dược. Ngay sau khi đỗ N3 Linh tiếp tục ôn thi N2 và đỗ, tính ra là 14 tháng từ lúc sang Nhật.
Lưu ý nhỏ cho các bạn theo visa gia đình đi tìm việc là Hello Work không hỗ trợ tìm việc cho người có visa gia đình nên bạn cần tự gửi trực tiếp hồ sơ đến các công ty đang tuyển nhân sự.
Cơ duyên gặp công ty hiện tại
Xem thông tin trên mạng xã hội, Linh thấy có một công ty của Nhật Bản cần tuyển người biết về y dược nên đã thử gửi email để ứng tuyển. Có một điều khá thú vị là đại diện của công ty đã về Việt Nam để phỏng vấn các bạn khác nên mặc dù đang ở Nhật Bản nhưng Linh lại được phỏng vấn qua Skype (thực sự là có hơi ngược nhỉ). Sau buổi phỏng vấn đó Linh được hẹn đến văn phòng công ty tại Tokyo để phỏng vấn tiếp và kết quả là Linh được nhận làm nhân viên chính thức của công ty.
Nội dung công việc của Linh là dịch thuật các tài liệu về y tế từ tiếng Nhật sang tiếng Việt; tư vấn, tiếp đón khách hàng người Việt Nam có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch y tế tại Nhật Bản; phiên dịch viên cho các buổi thăm khám giữa bác sĩ người Nhật và khách hàng người Việt Nam…
Cảm nhận về công việc hiện tại
Ban đầu Linh cảm thấy khá lo lắng vì phải học lại tất cả những từ ngữ trong y tế bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên do đã có nền tảng về y tế nên khi nhìn chữ Hán của từ Linh sẽ tưởng tượng ra tên bệnh để nhớ ý nghĩa của nó.
Thông thường khi đi dịch y tế sẽ có 1 bác sĩ cố vấn, 1 bác sĩ của bệnh viện, 1 y tá, 1 bệnh nhân, 1-2 người nhà nên với vai trò của người phiên dịch, Linh phải biết điều chỉnh và sắp xếp cuộc nói chuyện giữa mọi người. Chính nhờ những lần như vậy mà giờ Linh đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm về tổ chức sắp xếp công việc, cách trình bày vấn đề đơn giản, ngắn gọn, súc tích… Bên cạnh đó là được làm công việc liên quan đến ngành y tế mà mình theo đuổi nên Linh cảm thấy rất hài lòng với hiện tại.
Lời nhắn nhủ đến các bạn đang sống tại Nhật với visa gia đình
Dù bạn đến Nhật với tư cách nào, hãy xác định rõ mục tiêu để phấn đấu. Mục tiêu rõ ràng sẽ tạo động lực, là kim chỉ nam giúp bạn không bị lạc lối, mất phương hướng trong cuộc sống bận rộn và nhiều lo toan bộn bề.
[Câu chuyện người Việt ở Nhật] “Em sẽ trở lại Nhật với visa kỹ năng đặc định”
Bài viết đọc thêm : Câu chuyện người Việt ở Nhật
Naoko (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.