Có hay không việc trộm cắp và mua bán Bonsai từ Nhật Bản về Việt Nam?

Trên trang NHK NEWS WEB ngày 17/1/2019 có đăng bài viết về nạn trộm cắp Bonsai quý tại Nhật Bản trong những năm gần đây. Đáng chú ý trong đó là một số hình ảnh so sánh giữa Bonsai bị đánh cắp và Bonsai tìm thấy tại Việt Nam.

Để trồng được một cây Bonsai, người trồng phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Có những cây được trồng từ khi chỉ là hạt giống, có những cây được mua về rồi chăm sóc. Dù là cây có nguồn gốc như thế nào thì hàng ngày người trồng đều phải bỏ tâm sức để nuôi dưỡng chúng. Không chỉ có giá trị cao về mặt tiền bạc, nhiều cây Bonsai được nuôi dưỡng trong hàng chục năm và tính theo tuổi của cây thì có thể lên đến 400 tuổi.

70% sản lượng Bonsai xuất ra và mua bán tại Nhật Bản là ở tỉnh Saitama nên có thể nói rằng đây là Vương quốc Bonsai của Nhật Bản.

 

Các vụ trộm cắp Bonsai tại Nhật Bản

2:30 ngày 1/11/2018, tại một vườn Bonsai ở thành phố Saitama đã xảy ra một vụ trộm khoảng 10 chậu Bonsai với tổng giá trị khoảng 3 triệu yên (600 triệu đồng). Theo hình ảnh từ camera giám sát, đối tượng đội mũ trùm kín từ đầu đột nhập vào vườn và nhanh chóng bê ra một số chậu Bonsai mà “không hề bị nhầm lẫn”.

Sáng 13/1/2019, tại thành phố Kawaguchi tỉnh Saitama, 4 chậu Bonsai do chủ vườn vất vả chăm sóc đã bị trộm mất. Trong số đó giá trị nhất là cây Bonsai có tuổi cây lên tới 400 năm, giá thấp nhất nếu bán ra là 6 triệu yên (1 tỉ 200 triệu đồng). Theo lời chủ vườn thì đây là vụ trộm cắp có kế hoạch bởi trong số 3000 chậu Bonsai của vườn kẻ trộm chỉ lấy đi những chậu có giá trị lớn.

Theo thông tin thu thập được, có những chủ vườn mất 100 chậu Bonsai chỉ trong 1 buổi tối. Từ 3 năm trước, cứ vào mùa thu là chủ vườn ở Kawaguchi lại bị trộm mất Bonsai. Năm 2018 là 10 chậu, 2017 là hơn 100 chậu, 2016 là vài chục chậu. Ước tính thiệt hại là 60 triệu yên (12 tỉ đồng). Mặc dù các chủ vườn đã lắp camera giám sát, nuôi chó canh cổng, dùng hàng rào dây thép gai nhưng những tên trộm sẵn sàng giết chó, cắt dây thép gai để trộm Bonsai.

 

Những cây Bonsai giống nhau

Anh Matsuoka, một chủ vườn Bonsai đã tìm hiểu xem liệu Bonsai có thể bị bán đi đâu. Sau khi tra thông tin trên mạng, anh đã tìm thấy một trang web có ảnh chụp vườn cá nhân của một người Việt Nam. Ở đó có một số chậu Bonsai rất giống với Bonsai tại vườn của anh Matsuoka. “Không thể nào nhầm được, đây chính là cây mà tự tay tôi chăm sóc. Rất có thể là nó đã bị vận chuyển và bán cho những người giàu có. Tôi đã báo với cảnh sát nhưng vì đây không phải là Nhật Bản nên việc điều tra rất khó khăn”

Ảnh trái: Bonsai bị trộm – Ảnh phải: Ảnh trên web của Việt Nam được anh Matsuoka tìm thấy

 

Một trường hợp khác là ông Kobayashi, chủ vườn Bonsai ở khu Edogawa, Tokyo. Trong chuyến đi công tác tại Luân Đôn của mình, ông đã nhận được điện thoại từ học sinh của mình báo rằng vườn đã bị trộm mất 3 cây Bonsai, tuy nhiên kẻ trộm chỉ lấy cây chứ không lấy chậu. Ước tính thiệt hại của ông là 15 triệu yên (3 tỉ đồng). Năm sau đó, khi ông đến một vườn Bonsai có quan hệ làm ăn tại Việt Nam thì tình cờ thấy chậu Bonsai đã bị trộm mất. Khi hỏi chủ vườn, người đó nói rằng họ mua từ một chủ vườn Việt Nam khác.

Ảnh trái: Bonsai bị trộm – Ảnh phải: Bonsai được tìm thấy ở Việt Nam

Đối với những người không có chuyên môn về Bonsai thì việc đánh giá giá trị của 2 hoặc nhiều cây có thế tương tự nhau là rất khó. Chính vì vậy theo ông Kobayshi thì kẻ trộm Bonsai là những người có hiểu biết rất tốt về Bonsai nên chúng không hề bị nhầm lẫn giữa một vườn cây mà chỉ lấy đi những chậu Bonsai có giá trị cao.

 

Có hay không việc vận chuyển Bonsai ra nước ngoài?

Theo lời người phụ trách của Hiệp hội Bonsai Nhật Bản, nếu bán một chậu Bonsai giá trị cao tại Nhật, người bán chắc chắn sẽ bị hỏi rằng đã lấy từ đâu… Người mua cũng có thể đem bức ảnh Bonsai đã bị ăn trộm ra để hỏi. Do đó việc bán lại Bonsai đã trộm ở nội địa Nhật Bản là quá khó khăn. Mặt khác, việc vận chuyển Bonsai ra nước ngoài cũng khó khăn không kém bởi thực vật sẽ phải trải qua kiểm dịch để đủ điều kiện xuất khẩu, chưa kể không thể vận chuyển theo cách thông thường bởi đây là mặt hàng cần được chăm sóc kĩ lưỡng. Như vậy nếu có thể vận chuyển ra nước ngoài hẳn phải có con đường phi pháp rất đặc biệt.

 

Bài viết trên NHK: https://www3.nhk.or.jp/news/html/20190117/k10011781501000.html

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

Facebook