Lối chơi chữ trong cách đặt ngày tháng của người Nhật (phần 1)

Nhật Bản có khá nhiều kì nghỉ trong năm như: kì nghỉ bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông), tuần lễ vàng, tuần lễ Obon, kỳ nghỉ Tết… Bên cạnh đó còn có các ngày nghỉ (ngày lịch đỏ) trong tháng như: ngày của Biển, ngày Quốc Khánh, ngày Hiến Pháp… Nhìn chung Nhật Bản có rất nhiều ngày nghỉ với nhiều tên gọi khác nhau. Nhưng bạn có biết tất cả các ngày thường trong tháng cũng có tên gọi khác nhau và nó có nguồn gốc từ rất lâu. Dựa vào các sự kiện hoặc lối chơi chữ mà người Nhật đã “phát minh” ra các tên gọi thật thú vị cho các ngày trong năm.

Hãy cùng điểm qua một số ngày tiêu biểu nhé!

 

Tháng 1

Ngày 4: ngày của đá (ishi no hi – 石の日). Trong tiếng Nhật số 4 có cách đọc là “し” và số 1 là “いち”, lịch Nhật theo thứ tự là năm/tháng/ngày nên ngày 4 tháng 1 sẽ thành 1/4 từ đó sẽ được đọc nhanh là “いし” cùng phát âm với từ đá (石) nên từ đó ngày 4 tháng 1 được gọi là ngày của đá.

Ngày 5: ngày dâu tây (ichigo no hi – いちごの日). Số 1 “いち” và số 5 “ご” đọc thành “いちご” trùng với phát âm của quả dâu tây. Đây cũng được xem là lối chơi chữ phổ biến tại Nhật Bản.

Ngày 6: ngày của sắc màu (iro no hi – 色の日). Số 1 “いち” và số 6 “ろく” đọc nhanh thành “いろ” trùng với phát âm của từ chỉ màu sắc (色).

 

Tháng 2

Ngày 4: ngày của hướng Tây (nishi no hi – 西の日). Số 2 “に” và số 4 “し” ghép thành “にし” cũng có nghĩa là hướng Tây. Người Nhật quan niệm rằng vào ngày này nếu bạn đi về hướng Tây thì sẽ được may mắn hoặc có thể gặp được tri kỷ.

Ngày 5: ngày của những cặp song sinh (futago no hi – ふたごの日). Số 2 “ふたつ” và số 5 “ご” đọc nhanh sẽ thành “ふたご” đồng âm với từ song sinh.

Ngày 9: ngày của trang phục (fuku no hi – 服の日). Số 2 “ふたつ” và số 9 “く” ghép thành “ふく” sẽ có nghĩa là trang phục.

Ngày 22: ngày của mèo (neko no hi – 猫の日). Tiếng mèo kêu trong tiếng Nhật là “ニャン” còn số 2 đọc là “に”. Nếu ngày 22/2 đọc nhanh và theo kiểu nũng nịu sẽ nghe như tiếng mèo kêu. Vì vậy ngày 22 tháng 2 được gọi là ngày của mèo.

 

Tháng 3

Ngày 3: ngày của tai (mimi no hi – 耳の日). Số 3 đọc là “みつ”, ngày 3/3 sẽ được đọc nhanh thành “みみ” đồng âm với từ tai (耳). Ngày của… tai, nghe kì kì phải không các bạn?

Ngày 5: ngày san hô (sango no hi – サンゴの日). Số 3 đọc thành “さん” và số 5 là “ご” nên khi đọc chung thành “さんご” có nghĩa là san hô.

Ngày 27: ngày anh đào (sakura no hi – さくらの日). Nếu theo lối chơi chữ cũ thì ắt hẳn số 27 không liên quan gì đến anh đào cả. Cách hình thành ngày anh đào ở đây là: 27 là từ “から” 3 “さん” x 9 “く” nên khi ghép lại thì ngày 27 sẽ là “さくら” đấy các bạn ạ.

 

Tháng 4

Ngày 6: ngày trắng (白の日). Số 4 “し” và số 6 “ろく” được ghép thành “しろ” có nghĩa là trắng (白). Từ trắng (白) trong ngày này được ghép với từ mỹ (美) nhằm tạo ý thức cho mọi người có ý thức bảo vệ làn da của mình luôn được trắng trẻo các bạn ạ.

Ngày 18: ngày của da (よいお肌の日). Ngày 18 tháng 4 với câu nói “よ(4)い(1)おは(8)だ” mang ý nghĩa khen ngợi về một làn da đẹp.

Ngày 26: ngày của… bồn tắm (よい風呂の日). Chắc đọc đến đây các bạn sẽ thấy Nhật Bản có những ngày thật kì lạ. Ngay cả bồn tắm cũng có ngày. Nhưng ngày 26 tháng 4 là ngày chỉ những bồn tắm tốt, chắc chắn (よ(4)いふ(2)ろ(6)) đấy các bạn ạ.

 

Tháng 5

Ngày 7: ngày quả dừa(ココナッツの日). Ngày quả dừa được hình thành như sau: コphát âm gần giống với số 5(ご) và ナッphát âm gần giống phát âm của số 7 (なな). Và khi ghép tháng 5 ngày 7 vào sẽ được cách đọc của quả dừa là ココナッツ. Nếu ngày quả dừa cũng có thì thật thú vị phải không các bạn?

Ngày 9: ngày bảng đen (kokuban no hi – 黒板の日). Ngày bảng đen được hình thành như sau: “こ”(5) + “く”(9) + “ばん”. Vào tháng 5 năm 1872 lần đầu tiên chiếc bảng đen được nhập khẩu từ Mỹ vào Nhật Bản. Sau này ngày 9 tháng 5 được đặt là ngày bảng đen không những vì lối chơi chữ mà còn là một hình thức để PR tính hữu ích của chiếc bảng đen.

Ngày 29: ngày của hạnh phúc (koufuku no hi – 幸福の日). Ngày hạnh phúc được hình thành như sau: “こ(5)う+ ふ(2) + く(9)”. Ngày 29 tháng 5 được hình thành với mong ước bản thân luôn được hạnh phúc, vui vẻ.

 

Tháng 6

Ngày 4: ngày côn trùng (mushi no hi – 虫の日). Ngày côn trùng được hình thành từ cách đọc số 6 “む” và số 4 “し”, khi ghép lại sẽ được đọc là “むし” mang ý nghĩa là loài côn trùng.

Ngày 5: ngày của người già (rougo no hi – ろうごの日). Ngày của người già cũng được hình thành từ cách đọc khác của số 6 “ろく” và số 5 “ご” , khi ghép lại và thêm trường âm sẽ trở thành từ “ろうご” mang nghĩa là người già. Ngày của người già không đơn giản chỉ là lối chơi chữ mà nó còn hàm chứa ý nghĩa sâu sắc: trong xã hội già hóa, ngay cả người già và người trẻ đều phải suy nghĩ về những gì nên làm, cùng nhau hỗ trợ, cùng nhau hành động để phát triển xã hội. Ngoài ra ngày của người già còn mang hàm ý khích lệ, động viên người lớn tuổi với câu nói “sức khỏe của người già là năng lượng cho người trẻ, năng lượng cho xã hội”.

Ngày 13: ngày của bố (otousan no hi – お父さんの日). Ngày của bố được hình thành từ cách gọi “おとう(10)さん(3)” của người Nhật. Không chỉ riêng ngày 13 tháng 6 mà tất cả các ngày 13 trong năm đều là ngày của bố đấy các bạn ạ.

Trên đây là tổng hợp tên các ngày từ tháng 1 đến tháng 6. Liệu trong các tháng kế tiếp sẽ có những ngày thú vị nào? Các bạn cùng chờ xem nhé. Không chỉ là lối chơi chữ mà các ngày trong tháng đều có ý nghĩa liên quan đến tên gọi của ngày đó. Với các tên gọi khác của các ngày trong tháng có thể giúp các bạn Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản có thêm hứng thú với đất nước này. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn đang sống và làm việc tại Nhật có thêm chủ đề để nói chuyện với người Nhật và ngày càng nâng cao trình độ tiếng Nhật của bản thân.

bình luận

ページトップに戻る