Trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản, đèn lồng không chỉ được nhắc đến như một vật dụng dùng để chiếu sáng, nhưng trên hết, chúng mang trong mình những giá trị văn hóa đặc trưng từ ngàn xưa của dân tộc Nhật, được duy trì cho đến hiện tại và luôn được trân quý ở đất nước này. Hãy cùng Locobee đi tìm hiểu sâu hơn về nét đẹp của đèn lồng Nhật Bản trong bài viết sau nhé!
Đèn lồng Nhật Bản có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, bắt nguồn từ kỹ thuật chiếu sáng trong thời cổ đại của đất nước này. Hiện nay, có 4 loại đèn lồng Nhật khác nhau với chất liệu, hình dạng, công dụng và ý nghĩa tượng trưng tùy thuộc vào từng loại.
Đèn lồng Nhật Bản
1. Tourou
Tourou là thuật ngữ dùng để chỉ đèn lồng truyền thống của Nhật bản, gồm có 2 loại chính là Ishidourou – đèn lồng làm bằng đá, và Tsuridourou – đèn lồng treo truyền thống.
Chất liệu của Ishidourou là đá granite và được sử dụng để chiếu sáng trong các ngôi đền và các khu vườn theo phong cách cổ xưa. Ngày nay, chúng chỉ được sử dụng trong các dịp lễ kỉ niệm đặc biệt.
Lồng đèn Ishidourou
Đèn lồng Tsuridourou có nguồn gốc phát triển từ Ishidourou với hình dạng tương tự. Tuy nhiên, chúng được treo lên trần nhà thay vì được gắn vào đất bởi một cột đá granite, và thường được thấy trong các đền thờ.
Đèn lồng Tsuridourou
Ngoài ra, nếu tháo dây và cột đèn ra, chúng ta sẽ có được một loại đèn lồng tourou đơn giản, mà ngày nay các công ty du lịch Nhật thường sử dụng chúng bằng chất liệu giấy để thả trôi trên sông và được gọi là tourou nagashi.
2. Chouchin
Chouchin là loại đèn lồng được du nhập từ Trung Quốc, với kết cấu đơn giản và dễ sử dụng hơn Tourou. Chúng thường được tìm thấy ở lối vào các ngôi chùa Phật giáo, tại các quán bar, nhà hàng và trong các lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Đặc biệt, đèn lồng chouchin không chỉ được sử dụng trong các dịp đặc biệt, nhưng còn tồn tại trong đời sống hàng ngày của người dân Nhật với mục đích chiếu sáng và trang trí.
Đèn lồng Chouchin
Đèn lồng Chouchin có hình bầu dục với cấu tạo từ các nan tre mềm. Đèn được bọc bên ngoài bằng giấy màu cùng trang trí bằng hình vẽ và chữ viết.
3. Bonbori
Khi đi dọc các lối vào đền chùa trong những ngày lễ hội diễn ra tại đây, du khách sẽ bắt gặp chiếc đèn lồng truyền thống Bonbori được dựng hai bên đường đi để thắp sáng và trang trí. Đèn lồng này có dạng lục giác, bên trên to hơn bên dưới và thường làm bằng giấy trong để có thể chiếu sáng tối đa.
Lồng đèn Bonbori
4. Andon
Đây là loại đèn lồng hiện đại nhất ở Nhật Bản, được dùng chủ yếu trong các phòng khách sạn, nhà hàng và cả những khu vườn nhỏ. Chúng có 4 mặt, dạng trụ hoặc khối, được làm bằng các khung kim loại hoặc nan tre và được đặt trên mặt đất hoặc trên kệ.
Đèn lồng Andon
Hàng năm, ở Nhật Bản sẽ diễn ra rất nhiều lễ hội đèn lồng đầy màu sắc với mong muốn xua đuổi điềm xấu và mang lại may mắn như: lễ hội đèn lồng Yamaguchi Tanbata Chochin Matsuri tại Yamaguchi (từ tháng 6-8) lễ hội Kanto Matsuri tại Akita (ngày 3-6/8), lễ hội Nihonmatsu Chochin Matsuri tại Fukushima (từ 4-6/10), lễ hội Tsunan Yki Matsuri tại Niigata (Chủ nhật thứ hai của tháng 3),…
Lễ hội đèn lồng Nhật Bản
Trong những dịp này, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng rất nhiều loại đèn lồng với hình dạng, kích cỡ và cách trang trí khác nhau được thắp sáng rực rỡ và rước đi thành từng đoàn dài trên đường phố. Người tham gia đoàn rước sẽ vây quanh các xe kiệu và vừa đi vừa hát theo tiếng reo hò, tạo nên những ngày hội vô cùng vui nhộn và hấp dẫn.
→ Mãn nhãn với màn trình diễn đèn lồng khổng lồ tại lễ hội Nebuta
Quyên (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.