Kí ức của mình về mỗi độ hè về là khi đám học sinh không còn cắp sách đến trường nữa. Khi tiếng ve râm ran ngoài khe cửa, hoa phượng nở khắp sân. Là những trái cây chỉ xuất hiện vào những ngày hè oi ả. Những quả dưa hấu, quả nhãn, vải, chôm chôm…
Từ khi sống ở Nhật, mình không còn biết khi nào hè đến nữa, khi mà những thứ tưởng chừng đặc trưng của ngày hè không xuất hiện nơi đây… Mấy hôm trước, tại siêu thị Nhật đã bắt đầu bán những quả vải. Mình chợt nhận ra, à thì ra mùa hè đã đến.
Không chỉ riêng mình, mà những người con xa xứ. Ai ai cũng nhớ cái vị ngọt đậm của quả vải, cơm quả vừa dày lại vừa dai… Mùa này ở Việt Nam giá vải cũng không đắt lắm. Nếu mua ngoài siêu thị thì 30.000-45.000 đồng/kg. Còn mua sỉ từ nhà vườn thì cái giá chỉ còn lại 5.000-10.000 đồng/kg. Vậy mà mới đây nhất trên cộng đồng mạng Facebook xuất hiện video thương lái chèn ép nhà vườn đến mức phải vứt bỏ mặc dù 1 kí vải từ nhà vườn bán ra có 4.000-5.000 đồng. Trong mình hiện lên bao nỗi thất vọng, tại sao vải Việt mình ngon đến thế, nhiều đến thế (đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng – theo cục trồng trọt Việt Nam) mà lại xảy ra trường hợp đáng buồn đến vậy. Rồi nhìn lại vải tại Nhật Bản mình thấy một sự khác biệt không hề ít.
Trước tiên phải nói đến khu vực trồng vải. Ở Nhật Bản có tỉnh Miyazaki (宮崎県) là trồng vải. Vải trồng trong nước Nhật chỉ chiếm 1% trên tổng lượng vải nhập vào đất nước này. Nguồn nhập chủ yếu là từ Đài Loan, Trung Quốc và các nước Đông Nam ASEAN. Còn ở Việt Nam, theo cục trồng trọt Việt Nam thì năm 2017 ở Việt Nam có khoảng 60.000 ha đất trồng vải. Một con số chênh lệch quá lớn. Có lẽ vì sự khan hiếm đó mà vải Nhật Bản được “nâng niu” hơn chăng?
Thứ hai về giá cả, như trên hình là 15 quả vải có giá 4.968 yên Nhật, tương đương khoảng 1 triệu đồng. Trong khi Việt Nam mình giá nhà vườn chỉ 5.000 đồng/1kg. Không những chỉ về giá cả mà nhìn vào đó còn cho ta thấy sự “quan tâm” về đầu ra của nông sản Nhật Bản, về sự đầu tư vào nông nghiệp một cách đúng đắn. Không tràn lan như Việt Nam để dẫn đến tình trạng không tìm được đầu ra, ép nhà vườn vào bước cùng.
Thêm nữa, nếu nhìn ở một góc độ khác thì vải Nhật được “đầu tư” cả về hình thức lẫn chất lượng. Những quả vải Nhật Bản khi được hái về thì sẽ qua công đoạn xử lý sơ bộ, kiểm tra độ chín của quả, kích thước quả, màu sắc của từng quả. Sau đó được xếp vào một chiếc hộp cứng để vải tránh bị dập nát, trông rất đẹp mắt và không kém phần sang trọng. Có thể nói chiếc hộp một phần nào đã “nâng tầm” những quả vải lên một mức cao hơn về mỹ quan.
Thế Việt Nam mình thì như thế nào? Vải được hái về và cho vào sọt lớn. Sau đó được các thương lái đưa đi tiêu thụ. Vải Việt Nam không qua công đoạn xử lý, không kiểm tra độ chín, tất cả chỉ bằng cảm quan… Nói về hình thức thì vải Việt được buộc thành chùm hoặc rời (nếu vải bị rơi cuống). Và lẽ dĩ nhiên về thẩm mỹ thì vải trở nên “thường” và giá cả cũng trở nên “thường”. Việt Nam mình đang lấy số lượng để bù cho chất lượng chăng? Nếu như vậy thì người dân Việt đến khi nào mới bớt khổ cực?
Đó chỉ là những cảm nhận khách quan từ một cá nhân. Không mang ý chê trách hay phàn nàn. Chỉ đơn giản là đưa ra những lời so sánh để thấy sự khác biệt, để cảm nhận và sẻ chia hơn.
Và cuối cùng, mình hy vọng bài viết có thể đến với người đọc Việt. Để cùng cảm nhận và sửa đổi, để vải Việt Nam mình có thể đến được nhiều nơi trên thế giới. Hẹn một ngày không xa vải Việt Nam sẽ ngập tràn khắp siêu thị Nhật Bản và có mức giá xứng đáng với công lao động của người dân Việt Nam mình.
Nguồn ảnh:
bình luận