Du học Nhật Bản sướng hay khổ?

Mỗi khi nhắc đến du học sinh nhất là du học sinh học bổng báo là trong tôi lại ùa về bao hình ảnh vất vả, nhọc nhằn của các bạn khi lựa chọn rời xa quê hương đến nơi đất khách quê người học tập, lập nghiệp.

Khác với các diện du học khác, học bổng báo luôn được quan tâm nhiều nhất do chi phí đi du học thấp, tỷ lệ đậu visa cao, hơn nữa khi sang Nhật các em sẽ có chỗ ăn ở và học phí tài trợ từ chương trình báo, mỗi tháng sẽ nhận được 10~11 man tiền lương phát báo hàng tháng.

Quả thật nếu nhìn vào ai cũng nghĩ hẳn đây là một cơ hội đổi đời nhanh chóng, vừa được học lại có tiền nhất là với các gia đình có điều kiện khó khăn, thôi thì cố vay mượn lấy tiền làm hồ sơ cho con đi du học với mong muốn đổi đời. Nhưng liệu mấy ai nhìn thấy được những khó khăn, vất vả mà các em phải trải qua. Khi ở nhà 2h sáng còn đang yên giấc nồng, 6h mẹ gọi ba la đồ ăn sáng bưng tận miệng mà còn chả muốn dậy muốn ăn. Còn bên này 2h sáng là khi mọi nhà còn chìm trong giấc ngủ, các bạn đã đồng hành cùng những chồng báo cao che kín người, là những chiếc xe đạp hay xe máy do bên công ty báo cung cấp tuỳ khu vực phát báo xa hay gần, là những hàng cầu thang cao tít tắp, chạy vội vàng nhét lẹ tờ báo vào hộp thư rồi nhanh chóng phát các nhà còn lại.

Những tưởng vậy thì cũng dễ dàng đúng không nào? Chỉ cần dậy sớm một chút, cố gắng chăm chỉ nhất là trước khi sang Nhật Bản, các em đã được rèn luyện thể lực và tính kỉ luật trước đó trong thời gian dài tại các trung tâm du học Việt Nam. Nhưng  người tính không bằng trời tính, liệu mấy ai thấu những đêm đông lạnh cóng, những hôm mưa như trút nước, đường trơn toàn tuyết, các em vẫn miệt mài phát những chồng báo cao ngất đến từng nhà. Có lẽ với các em ngày nghỉ chỉ có nằm trên lịch nghỉ do bên báo đề ra, chứ dù có trời sập các em vẫn phải làm vì tương lai, vì khoản vay đang đợi ở quê nhà.

Để rồi trong hành trình vất vả ấy, không may có những tai nạn đã xẩy ra, đường quá trơn khiến mất kiểm soát tay lái, báo đổ ướt hết hay tệ hơn là bong gân, sai tay, thậm chí có trường hợp thương tâm hơn lại xảy ra trên người đứa bạn thân của tôi. Hôm ấy, tuyết rơi dày đặc, vì chút nóng lòng mong về nhà sớm ôn bài, bạn đã mất tay lái và bị ngã. Do trời tối, vị trí bạn ngã cách khá xa xe máy của bạn. Do vậy mà chiếc xe đi ngược chiều không định vị được vị trí của bạn, mà nghĩ là bạn ở bên cạnh chiếc xe đang đổ nên họ lái tránh sang bên cạnh. Chỉ vậy thôi mà ngày hôm ấy, cũng là ngày cuối cùng tôi còn được nói chuyện với bạn, được nghe bạn hứa tối về sẽ kể những câu chuyện thú vị trong khi đi phát báo cho tôi. Bạn tôi đã đi xa, để lại gia đình ở xa đang mong ngóng từng ngày, để lại ước mơ xây nhà còn dang dở,…

Hay có bạn đi phát báo bị sái chân, sái tay không thể tiếp tục công việc, số tiền hàng tháng không nhận được để lo chi phí sinh hoạt, gia đình lại khó khăn không thể gửi tiền sang, đành ngậm ngùi khăn gói về nước khi ước mơ đang rộng mở ngoài kia, còn cánh cổng hi vọng của bạn khép lại với tấm vé trên tay.

Thật đúng là cơm người khổ lắm ai ơi, không như cơm mẹ vừa ngồi, vừa ăn mà có khi nó là bát cơm chan nước mắt, là những nỗi tủi, nỗi khổ không biết giãi bày cùng ai, gọi điện cho ba mẹ vẫn cố mỉm cười mẹ ơi, ba ơi con khoẻ, bên này sướng lắm, chỉ lo ăn học thôi ạ, đi làm nhàn lắm ạ, ba mẹ đừng lo, để rồi khi cúp máy xuống những dòng lệ lặng lẽ rơi, là những câu tự nhủ mai rồi mọi thứ sẽ tốt hơn, là hình ảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm áp, mà trước đó thấy quá đỗi bình thường, nhiều khi còn vì ham vui không cả muốn về ăn cùng cả nhà, mà nay sao nó xa quá, thèm một lần thôi, một lần nữa cho con được ăn cơm cùng cả nhà.

Hay cả những uất ức khi mới sang, tiếng kém đi làm baito người ta nói không hiểu gì, người ta chửi không dám cãi lại, là xung quanh là những tràng cười nhạo của người xa lạ mà không có lấy một bàn tay xoè ra, chỉ bảo như mẹ cha ở nhà.

Quả đúng là có ra ngoài mới thấy, xã hội này ra sao, nó không thơ mộng như khi còn bên gia đình, là nũng nịu đòi cái nọ, cái kia, là không được thì hờn, thì dỗi. Thậm chí còn cả những buổi làm đêm về đến nhà 1-2h sáng, vẫn cố gắng học bài vì mai có bài kiểm tra trên lớp, rồi những hôm mệt rã rời mà vẫn cố lên lớp để học, để tính chuyên cần, là sự tranh đấu giữa ngủ gật và cố gắng nghe bài. Là hình ảnh những tiết học vừa kết thúc đã gặm vội ổ bánh mì trên đường đến chỗ làm thêm.

Liệu những điều trên đây có làm bạn nản lòng, cảm thấy sợ hãi khi đã lựa chọn con đường du học Nhật Bản. Thực ra bạn không cần quá lo lắng, đó là những thử thách nhưng nhờ có vậy bạn mới trưởng thành hơn, tự lập hơn để theo đuổi những ước mơ của mình. Tôi luôn tâm niệm không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Nếu trong trái tim bạn luôn sục sôi nhiệt huyết tuổi trẻ, luôn đam mê cháy bỏng hết mình cho những ước mơ, tôi khuyên bạn hãy cứ mạnh dạn đi Nhật. Còn nếu đọc những điều trên mà bạn không muốn đi, bạn cảm thấy sợ hãi. Vậy bạn hãy ở Việt Nam đi và tìm cho mình một con đường khác thành công hơn.

Còn trẻ, hãy cứ đi trải nghiệm và thành công, không chỉ riêng gì Nhật Bản mà còn cả các nước phát triển khác nữa. Hãy mỉm cười, tự tin và bước đến, thoả sức mình với thử thách, chông gai, hãy để khó khăn nuôi ta lớn, hãy để thử thách giúp ta trưởng thành hơn.

Nguồn ảnh: bạn Tài Nguyễn – du học sinh báo Asahi

 

Ha Chin (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

Facebook