Nghiên cứu tạo ra nội tạng bằng tế bào iPS của con người bên trong cơ thể động vật
Ngày 23/7 vừa qua Hội nghị chuyên gia Nhật Bản đã công nhận việc thực hiện nghiên cứu tạo ra nội tạng dùng cho cấy ghép sử dụng tế bào iPS của con ngườibên trong cơ thể động vật . Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chấp nhận nghiên cứu như thế này. Nghiên cứu do nhóm của giáo sư y khoa Nakauchi Hiromitsu thuộc đại học Tokyo thành lập và đưa ra tại Hội nghị chuyên gia của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công Nghệ Nhật Bản.
Nội dung nghiên cứu
Đầu tiên người ta sẽ thực hiện thao tác trên phân tử di truyền của trứng đã được thụ tinh của chuột để tạo ra nội tạng bằng tế bào iPS của con người. Trứng đã được thụ tinh này sẽ được đưa trở lại tử cung của chuột để mang thai. Khi chuột con được sinh ra, ví dụ phần là tuyến tuỵ sẽ không phải là tế bào của chuột mà thay vào đó có thể là tuyến tuỵ với tế bào iPS của con người.
Tại Nhật Bản, việc đưa trứng đã thụ tinh của động vật có chứa tế bào của con người vào tử cung của động vật là hành vi bị cấm hoàn toàn. Vào tháng 3 năm nay lệnh cấm đã được gỡ bỏ và đây là lần đầu tiên Nhật Bản cho phép thực hiện nghiên cứu như vậy. Tuy nhiên việc cấy ghép nội tạng được tạo ra bên trong cơ thể động vật cho con người thì vẫn đang bị cấm.
Nhóm nghiên cứu sẽ bắt đầu thực hiện trên chuột ngay trong năm nay. Trong tương lai họ còn muốn thực hiện nghiên cứu tương tự như vậy trên lợn – động vật có kích thước cơ thể gần với con người.
Giáo sư y khoa Nakauchi phát biểu rằng “tôi biết có những người cảm thấy bất an với việc tạo ra sinh vật sống pha trộn tế bào của con người và động vật nên tôi sẽ cố gắng nghiên cứu hết sức cẩn thận”.
Mục đích của nghiên cứu
Mục đích cuối cùng của nghiên cứu đã được chấp nhận lần này là tạo ra nội tạng con người sử dụng cho cấy ghép bên trong cơ thể của động vật.
Hiện nay nội tạng cấy ghép thường là nhận từ người đã chết não… nhưng so với số người cần ghép tạng thì con số này vẫn quá nhỏ. Nếu sử dụng “phôi tổng hợp kiểu động vật” kết hợp tế bào của con người vào trứng đã thụ tinh của động vật thì có khả năng hiện thực hoá việc lấy nội tạng bên trong cơ thể động vật để ghép cho người.
Ở một khía cạnh khác, theo các chuyên gia về đạo đức thì việc đưa “phôi tổng hợp kiểu động vật” trở lại tử cung rồi để sinh ra có khả năng làm xuất hiện động vật có bộ não mang cảm giác của con người hoặc việc tạo ra sinh vật kết hợp giữa tế bào của người và động vật sẽ gây nên lo lắng về định nghĩa con người là gì trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư y khoa Nakauchi đã cân nhắc đến những lo lắng trên và sẽ thực hiện nghiên cứu theo hướng nếu tế bào con người trong não của chuột chiếm trên 30% thì chuột con sẽ không được sinh ra, đồng thời nhóm sẽ cực kì cẩn trọng khi nuôi dưỡng và nghiên cứu trong 2 năm.
Cập nhật tin tức mới nhất về Nhật Bản
Theo NHK
bình luận