Trong một báo cáo tại cuộc họp của Bộ Tài chính Nhật Bản có đề cập đến việc người nghỉ hưu ở Nhật cần khoảng 20 triệu yên (hơn 4 tỉ đồng). Rất nhiều ý kiến phê phán với nội dung “quỹ lương hưu đang vứt bỏ trách nhiệm của mình sao?”… đã được đưa ra. Vậy thực hư chuyện này ra sao?
Quản lí – xây dựng tài sản cho xã hội già hoá
Nhóm chuyên gia gồm giáo sư đại học, doanh nhân, nhà kinh tế học, luật sư của Bộ Tài chính đã công bố báo cáo “Quản lí – xây dựng tài sản cho xã hội già hoá” vào ngày 3/6/2019. Trong số những người 60 tuổi hiện nay, cứ 4 người thì có 1 người sống đến 95 tuổi. Xã hội Nhật Bản đang dần tiến đến thời đại con người 100 tuổi. Mục đích của báo cáo là với thời đại như vậy từng các nhân sẽ phải làm gì, phía cung cấp dịch vụ tài chính như quản lí tài sản, đầu tư sẽ phải làm gì…
Người nghỉ hưu ở Nhật cần 20 triệu yên?
Tạm tính tuổi già của 1 người bình thường là 95 tuổi, trong đó 65 năm là thời gian làm việc thật sự. Trung bình 1 gia đình có 2 vợ chồng nghỉ hưu, chồng trên 65 tuổi và vợ trên 60 tuổi.
- Thu nhập từ lương hưu: 209.198 yên
- Chi tiêu: 263.718 yên
Sau khi trừ đi, mỗi tháng số tiền cần có là 54.520 yên. Trong báo cáo con số này được thể hiện bằng chữ đỏ, là phần tài sản mà cá nhân phải tự bổ sung từ nguồn tài chính mà mình có (tiền tiết kiệm, tiền nghỉ hưu…)
Với phần chữ đỏ trên, tính đơn giản thì
- 30 năm là 20 triệu yên
- 20 năm là 13 triệu yên
Báo cáo chỉ ước tính đơn giản cho thấy người về hưu cần thêm bao nhiêu tiền ngoài lương hưu nhận được hàng tháng.
Phản ứng của xã hội
Trong những ngày qua đây là một chủ đề nóng trên mạng xã hội. Tại Quốc hội, Đảng đối lập đã chỉ trích rằng “Chính phủ đang chối bỏ trách nhiệm của mình”, ngược lại Đảng cầm quyền trả lời rằng mọi người đang “hiểu sai”. Cuối cùng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Aso đã tuyên bố vào ngày 11/6 rằng: “Chúng tôi đã đưa ra thông tin khiến cho công chúng lo lắng và hiểu lầm”, ông cũng tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận bản báo cáo ấy một cách chính thức.
Trên thực tế, số tiền mà mỗi người cần sau khi nghỉ hưu rất khác nhau vì nó còn phụ thuộc vào thu nhập và tiền tiết kiệm, chưa kể cách sống của mỗi người và thời điểm bắt đầu nhận lương hưu. Do đó thông tin trên báo cáo trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên sự việc lần này đã khiến Chính phủ cũng như người dân nhìn nhận lại lương hưu, cách sử dụng tiền bạc khi Nhật Bản đang có tốc độ già hoá cao với dân số sống thọ vào hàng bậc nhất thế giới.
Tổng hợp
bình luận