Người đàn ông ở Hokkaido bị lừa mất hơn 5 tỉ đồng trên trang web giả mạo

Một người đàn ông ở Sapporo đang chuẩn bị nghỉ hưu đã nghĩ rằng mình vừa tìm thấy một cách dễ dàng để kiếm tiền, và sự lạc quan của ông tăng cao khi nhận được những khoản lợi nhuận ban đầu. Nhưng chưa đầy 3 tuần sau, ông phát hiện ra mình đã bị lừa mất 30 triệu yên (khoảng 5.1 tỷ đồng).

lừa đảo đầu tư

Người đàn ông 60 tuổi này là một trong số nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo sử dụng danh tiếng của những thương hiệu nổi tiếng, và lần này là cửa hàng bách hóa Macy’s ở thành phố New York.

Vụ lừa đảo nhắm vào người đàn ông ở Sapporo có cách thức đặc biệt tinh vi. Cuối năm 2024, thông qua ứng dụng trao đổi ngôn ngữ Hello Talk, ông gặp một người phụ nữ tự xưng là một cư dân Trung Quốc 42 tuổi đang sống ở Seoul. Sau đó, họ tiếp tục trò chuyện qua ứng dụng nhắn tin Line. Khi người đàn ông hỏi về công việc của cô ấy, người phụ nữ giải thích rằng cô đang kinh doanh trên Macy’s và nhận 15% lợi nhuận từ doanh thu.

Cô ấy đề nghị giúp người đàn ông mở một cửa hàng trên trang web của Macy’s, giải thích rằng ông có thể nhận một phần lợi nhuận từ doanh thu mà không cần sở hữu bất kỳ hàng hóa nào. Sau khi nhận được một đường dẫn từ người phụ nữ, ông nhấp vào đó và trang web mở ra có logo của Macy’s, cùng với tùy chọn chuyển đổi ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Nhật. Không nhận thấy điều gì bất thường, ông quyết định mở một cửa hàng trực tuyến tại đó.

lừa đảo chuyển đổi SIM

Bước đầu tiên là nộp tiền đặt cọc, sau đó lựa chọn các sản phẩm như túi xách, đồ gia dụng và các mặt hàng khác của Macy’s để bán trong cửa hàng của mình. Mỗi lần đặt hàng, 85% giá bán lẻ của sản phẩm được trừ vào số tiền đặt cọc như một khoản thanh toán trước. Khi khách hàng thanh toán đầy đủ giá sản phẩm, ông sẽ nhận được 15% lợi nhuận.

Ban đầu, ông kiếm được 100 USD lợi nhuận nhờ các đơn hàng đến nhanh chóng, ngay cả với những sản phẩm cao cấp. Theo thông tin từ trang web, doanh số của cửa hàng ông đạt 40 triệu yên chỉ trong chưa đầy 3 tuần kể từ ngày 28 tháng 12, với mức lợi nhuận ước tính khoảng 6 triệu yên. Tuy nhiên, để theo kịp số lượng đơn hàng, ông phải tiếp tục nộp tiền đặt cọc mỗi ngày. Khi không đủ tiền để tiếp tục, ông yêu cầu hoàn lại số tiền đã gửi. Nhưng thay vào đó, ông được yêu cầu chuyển thêm 50.000 USD. Để nâng hạn mức giao dịch chuyển tiền, ông đã đến một ngân hàng ở Sapporo để xin tư vấn. Tại đây, nhân viên ngân hàng cảnh báo rằng đây có thể là một vụ lừa đảo.

lừa đảo chuyển đổi SIM

Trang web Macy’s thực tế là một trang giả mạo để đánh cắp thông tin. Các tài khoản Line và Hello Talk của người phụ nữ Trung Quốc này đã biến mất. 30 triệu yên mà ông đã gửi dưới dạng tiền đặt cọc cũng không còn, cuốn trôi toàn bộ số tiền tiết kiệm dành cho những năm tháng nghỉ hưu của ông. Sau đó, ông phát hiện ra rằng các khoản tiền đặt cọc này đã được chuyển vào một tài khoản đứng tên một cá nhân tại Nhật Bản. “Lẽ ra tôi không nên tìm cách kiếm tiền nhanh chóng,” ông chia sẻ đầy tiếc nuối.

Một quan chức cảnh sát Hokkaido cảnh báo người dân rằng “Có khả năng rất cao là lừa đảo nếu bạn được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.” Theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), hơn 10.000 vụ lừa đảo đã xảy ra trên toàn quốc trong năm 2024, gây thiệt hại lên đến 126,8 tỷ yên, cao gấp 2,8 lần so với năm trước.

lừa đảo

Các vụ lừa đảo thường sử dụng các đề nghị làm giàu nhanh, mạo danh các nhà đầu tư nổi tiếng hoặc người nổi tiếng để thu hút nạn nhân. Hầu hết các vụ lừa đảo này bắt đầu bằng tin nhắn trực tiếp trên mạng xã hội, sau đó dụ dỗ nạn nhân tham gia giao dịch tiền điện tử hoặc đầu tư vào dầu mỏ, khí đốt và thậm chí cả rượu vang quý hiếm.

Cảnh sát khuyến cáo người dân gọi ngay số điện thoại tư vấn #9110 nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào.

Sống ở Nhật: cảnh giác với chiêu trò lừa đảo qua email báo địa chỉ giao hàng sai

 

Nguồn: asahi

Biên tập: LocoBee

bình luận

ページトップに戻る