Thông tin tổng hợp về điều trị vô sinh tại Nhật Bản
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những phương pháp hiệu quả dành cho các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai con. Vào năm 2022, chính phủ Nhật Bản đã quyết định để bảo hiểm chi trả cho một số phương pháp điều trị vô sinh.
Nội dung bài viết
Lịch sử của các công nghệ hỗ trợ sinh sản tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, em bé đầu tiên được sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Đại học Tohoku vào năm 1983. Từ năm 1985, Hiệp hội sản phụ khoa Nhật Bản đã tổng hợp số trẻ được sinh ra nhờ các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) hàng năm. Năm 2019 có 865.239 trẻ em được sinh ra ở Nhật Bản, trong đó 60.598 trẻ được sinh ra bằng phương pháp ART (7,0% tổng số ca sinh). Trong 35 năm từ 1985 đến 2019, có 710.931 trẻ sinh ra bằng phương pháp ART tại Nhật Bản, cụ thể:
- 139.570 trẻ sinh ra bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
- 120.931 trẻ sinh ra bằng kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
- 451.114 trẻ sinh ra bằng phương pháp chuyển phôi đông lạnh
Vào năm 2023 sẽ tròn 40 năm kể từ khi em bé đầu tiên được sinh ra nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản chào đời ở Nhật Bản. Điều trị ART đã được coi là phương pháp điều trị vô sinh hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vào ngày 29 tháng 5 năm 2020, Nội các Nhật Bản đã quyết định trợ cấp chi phí điều trị vô sinh (IVF, ICSI) vốn đòi hỏi chi phí y tế cao nhằm giảm gánh nặng tài chính cho việc điều trị vô sinh. Ngoài ra chính phủ cũng xem xét áp dụng bảo hiểm y tế cho nhiều phương pháp điều trị có chỉ định và hiệu quả rõ ràng.
IVF và ICSI áp dụng cho trường hợp nào?
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF dành cho những người gặp khó khăn trong việc thụ tinh tự nhiên và thường được sử dụng bởi những người chưa thành công sau khi sử dụng các phương pháp tính thời gian hoặc thụ tinh nhân tạo (AIH). Cụ thể, những người có các triệu chứng sau đây mới đủ điều kiện làm IVF:
- Vô sinh ống dẫn trứng (卵管性不妊症)
- Vô sinh ở nam giới (男性不妊症)
- Vô sinh do miễn dịch (免疫性不妊症)
- Vô sinh không rõ nguyên nhân (原因不明不妊症)
ICSI được áp dụng nếu gặp vấn đề khó khăn khi IVF hoặc nếu tỉ lệ hình thái bình thường của tinh trùng ở mức thấp.
Chi phí cho các công nghệ hỗ trợ sinh sản tại Nhật Bản
Năm 2018 Nhật Bản có hơn 56.000 trẻ sơ sinh được sinh ra thông qua các phương pháp điều trị vô sinh tiên tiến như thụ tinh trong ống nghiệm, nghĩa là cứ 16 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ có sự can thiệp của các công nghệ hỗ trợ sinh sản. Theo “Khảo sát cơ bản lần thứ 15 về xu hướng sinh sản” của Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia năm 2015 thì có 35,0% các cặp vợ chồng đã từng lo lắng về vấn đề vô sinh; 18,2% các cặp vợ chồng đã thực sự trải qua xét nghiệm hoặc điều trị và 28,2% các cặp vợ chồng chưa có con.
Theo “Nghiên cứu khảo sát về thực trạng điều trị vô sinh” của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản năm 2020 thì chi phí trung bình cho thụ tinh nhân tạo là khoảng 30.000 yên (khoảng 4,7 triệu đồng) mỗi lần và thụ tinh trong ống nghiệm là khoảng 500.000 yên (khoảng 78,8 triệu đồng). Ngoài ra, khi được hỏi về tổng chi phí điều trị vô sinh trong cùng một cuộc khảo sát (1.636 người ở độ tuổi 20 đến 40) sẽ có sự khác biệt lớn tùy thuộc vào loại điều trị. Khoảng 70% những người chỉ có kinh nghiệm về phương pháp kiểm tra hoặc tính thời gian chi tiêu dưới 100.000 yên (khoảng 15,7 triệu đồng). Mặt khác, hơn một nửa số người từng trải nghiệm thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ tinh vi mô có tổng chi phí y tế từ 1 triệu yên (khoảng 157 triệu đồng) trở lên và chỉ dưới 30% đã chi hơn 2 triệu yên (khoảng 315 triệu đồng). Chi phí này sẽ thay đổi tùy theo vùng và phòng khám/bệnh viện. Ngoài ra, nếu phải đến cơ sở y tế ở xa thì chi phí đi lại cũng sẽ là một vấn đề lớn.
Thực trạng của việc điều trị vô sinh ở Nhật Bản
Ví dụ về tiền trợ cấp khi sử dụng ART
[Trường hợp 1] Điều trị vô sinh thông thường
- Tuổi bắt đầu điều trị cho nữ giới: 33 tuổi
- Xét nghiệm vô sinh: 30.000 yên
- Phương pháp tính thời gian 3 lần: 45.000 yên
- Thụ tinh nhân tạo 2 lần: 50.000 yên
→ Vì việc điều trị trong Trường hợp 1 không thuộc “điều trị vô sinh cụ thể” nên không thể nhận được trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thành phố sinh sống mà có thể có trợ cấp cho xét nghiệm vô sinh, phương pháp tính thời gian và thụ tinh nhân tạo.
[Trường hợp 2] Điều trị vô sinh nâng cao (thụ tinh trong ống nghiệm)
- Độ tuổi bắt đầu điều trị cho nữ giới: 40 tuổi
- Thu thập trứng – thụ tinh trong ống nghiệm – chuyển phôi tươi 1 lần: 450.000 yên
- Chuyển phôi đông lạnh 1 lần: 200.000 yên
→ Tổng số tiền trợ cấp của chính phủ là 400.000 yên (thu thập trứng – chuyển phôi tươi 300.000 yên + chuyển phôi đông lạnh 100.000 yên)
[Trường hợp 3] Vô sinh nam
- Tuổi bắt đầu điều trị cho nữ giới: 38 tuổi
- Lấy tinh trùng trong tinh hoàn qua kính hiển vi 1 lần: 300.000 yên
- Thu thập trứng – ICSI – chuyển phôi tươi 1 lần: 500.000 yên
→ Tổng trợ cấp của chính phủ là 600.000 yên (300.000 yên cho điều trị vô sinh nam + 300.000 yên cho việc lấy trứng và chuyển phôi tươi)
Mang thai và sinh con ở Nhật (Kỳ V – Trợ cấp chi phí điều trị vô sinh tại Nhật)
Hi vọng bài viết mang lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết thêm các thông tin khác, hãy gửi bình luận xuống dưới bài viết này để ban biên tập của LocoBee chuẩn bị các bài viết trả lời cho vấn đề mà bạn quan tâm nhé.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Phiếu giảm giá tại Don Quijote: Miễn thuế 10% và giảm thêm 5%
Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 10.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!
Tổng hợp: LocoBee
bình luận