Từ ngày 8/5/2023, theo Luật Bệnh truyền nhiễm thì Nhật Bản sẽ chính thức coi COVID-19 là 1 loại bệnh thuộc “Nhóm 5” như cúm mùa. Từ quyết định này, hệ thống y tế trong nước và gánh nặng chi phí của người nhiễm bệnh sẽ thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm bệnh ngày càng tăng và có khả năng cao sẽ xảy ra một trận dịch lớn trong tương lai.
Sau đây LocoBee sẽ tóm tắt một số thay đổi liên quan sau khi COVID-19 được xếp vào chung nhóm với “cúm mùa” như sau.
Nội dung bài viết
- 1. Chi phí điều trị
- 2. Chi phí điều trị ngoại trú
- 3. Viện phí
- 4. Chi phí thuốc
- 5. Thời gian cách ly ở nhà trong thời gian điều trị y tế
- 6. Cơ sở lưu trú
- 7. Người bệnh muốn có giấy tờ chứng minh về việc nhiễm bệnh thì phải làm như thế nào?
- 8. Tiêm chủng
- 9. Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm từ ngày 8 tháng 5 là gì?
- 10. Đeo khẩu trang
- 11. Các biện pháp hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giới
- 12. Điều gì xảy ra với virus đột biến?
- 13. Số người nhiễm bệnh liệu có tăng lên trong tương lai không?
1. Chi phí điều trị
Trước hết, nếu người bệnh có các triệu chứng như sốt thì hiện tại người đó có thể được làm xét nghiệm miễn phí, nhưng sau ngày 8/5 họ sẽ phải trả chi phí xét nghiệm vì chi trả công sẽ chấm dứt. Các thay đổi cụ thể như sau:
- Dự án phát kit xét nghiệm của chính quyền địa phương → Kết thúc
- Xét nghiệm PCR được thực hiện tại phòng xét nghiệm tư nhân → Có trả phí
Ngoài ra, ngay cả khi sử dụng bộ xét nghiệm để xét nghiệm tại cơ sở y tế thì người dùng sẽ phải tự trả tiền. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, nếu thực hiện kiểm tra trong lần khám đầu tiên, việc tự thanh toán cho chi phí kiểm tra, bao gồm cả phí khám lần đầu, sẽ như sau:
Xét nghiệm kháng nguyên:
- 30% phí tại quầy: 2.271 yên
- 10% phí tại quầy: 757 yên
Xét nghiệm PCR:
- 30% phí tại quầy: 3489 yên
- 10% phí tại quầy: 1.163 yên
Mặt khác, nếu có người mắc bệnh tại các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người già, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, nơi có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh nền nặng thì các tỉnh, thành phố… sẽ tiến hành xét nghiệm chuyên sâu đối với người dân, những người xung quanh và nhân viên, việc này sẽ được thực hiện miễn phí dưới hình thức “kiểm tra hành chính”.
2. Chi phí điều trị ngoại trú
Hiện bệnh nhân không phải trả tiền ngoại trú khi điều trị vì được hỗ trợ từ nguồn quỹ công. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã thực hiện các tính toán bằng cách so sánh chi phí điều trị virus corona mới và bệnh cúm theo mùa. Trong đó, người mắc virus corona đang được quỹ công chi trả hoàn toàn, trong khi những người mắc “cúm mùa thì chỉ được trả 30% chi phí tại quầy khám chữa bệnh bảo hiểm.
Sau ngày 8/5, chi phí điều trị người bệnh nhiễm virus corona được hỗ trợ sẽ bằng với chi phí người bệnh nhiễm “cúm mùa” được hỗ trợ, cụ thể:
- Đơn thuốc hạ sốt và trị corona (Lagebrio) (bao gồm phí xét nghiệm) → Tối đa 4170 yên
- Kê đơn thuốc hạ sốt/cảm cúm (Tamiflu) (bao gồm phí xét nghiệm) → Tối đa 4450 yên
Ngoài ra, trường hợp người từ 75 tuổi trở lên đóng 10% tại quầy khi khám chữa bệnh bảo hiểm thì chi phí được hỗ trợ như sau:
- Đơn thuốc hạ sốt và trị corona (Lagebrio) (bao gồm phí xét nghiệm) → Tối đa 1390 yên
- Kê đơn thuốc hạ sốt/cảm cúm (Tamiflu) (bao gồm phí xét nghiệm) → Tối đa 1480 yên
3. Viện phí
Người bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí nằm viện, chi phí y tế và các bữa ăn. Tuy nhiên, để tránh gánh nặng kinh tế tăng đột ngột, trước tiên chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp giảm giới hạn thanh toán của hệ thống chi phí y tế xuống 20.000 yên cho đến cuối tháng 9 như một biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch bệnh trong mùa hè.
Theo ước tính của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong số những người từ 75 tuổi trở lên có tỷ lệ nhập viện cao, nếu một người không được miễn thuế cư trú, có thu nhập hàng năm lên tới 3,83 triệu yên và nhập viện 10 ngày do nhiễm virus corona, người đó sẽ phải đóng khoản tiền đồng thanh toán 37.600 yên, riêng tiền ăn sẽ là 13.800 yên.
4. Chi phí thuốc
Nếu dịch bệnh lây lan mạnh vào mùa hè, chi phí thuốc corona đắt đỏ sẽ tiếp tục được nhà nước chi trả cho đến cuối tháng 9. Ví dụ: Nếu nhà nước không hỗ trợ, tính theo giá hiện tại của loại thuốc điều trị vi-rút corona mới “Lagebrio”, thì chi phí ngoại trú tối đa sẽ là 32.470 yên.
Từ tháng 9 trở đi, chính phủ sẽ xem xét các biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch bệnh trong mùa đông, trên cơ sở cân đối với các dịch bệnh khác và tình trạng tồn kho thuốc của cả nước để đưa ra chính sách phù hợp.
5. Thời gian cách ly ở nhà trong thời gian điều trị y tế
Việc có nên hạn chế ra ngoài trong thời gian điều trị y tế hay không sẽ tùy thuộc vào quyết định của từng cá nhân sau ngày 8 tháng 5. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã ban hành các hướng dẫn sau đây để người dân có thể tham khảo khi đưa ra quyết định:
- Không ra ngoài trong 5 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng
- Không ra ngoài trong khoảng 24 giờ sau khi các triệu chứng thuyên giảm
Ngoài ra, vì có khả năng virus có thể tồn tại trên cơ thể sau khi khỏi bệnh đến 10 ngày, người bị nhiễm bệnh cần quan tâm đến những người xung quanh, chẳng hạn như đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người lớn tuổi. Những người có tiếp xúc gần sẽ không còn bị pháp luật yêu cầu hạn chế ra ngoài, nhưng nếu tình trạng lây lan xảy ra tại cơ sở y tế hoặc cơ sở dành cho người cao tuổi, cơ quan chính phủ sẽ đánh giá xem họ có phải là những người tiếp xúc gần hay không và yêu cầu thực hiện các hạn chế đi lại.
Tại sao có khuyến nghị “Không ra ngoài trong 5 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng”?
Theo dữ liệu của Viện Truyền nhiễm Quốc gia, số lượng vi rút truyền nhiễm được phát hiện đã giảm đáng kể từ ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đến ngày thứ 5 và giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện vào ngày thứ 7. Căn cứ vào kết quả được Viện Truyền nhiễm Quốc gia trình bày tại cuộc họp chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi trong tháng này, số lượng virus truyền nhiễm được phát hiện trong mẫu xét nghiệm mũi và họng của 85 người nhiễm chủng Omicron BA. Số lượng so với ngày bắt đầu khởi phát như sau:
- 3 ngày sau khi khởi phát: Khoảng một nửa
- 5 ngày sau khởi phát: 1/20 hoặc ít hơn
- 6 ngày sau khởi phát: 1/40
- 7 ngày sau khởi phát: Dưới giới hạn phát hiện
Như vậy, sau ngày thứ 7, hầu như không phát hiện được virus nữa. Rủi ro lây nhiễm sẽ gần như bằng 0 sau thời gian điều trị 5 ngày, nhưng hãy cẩn thận để không lây nhiễm cho người khác bằng cách đeo khẩu trang cho đến khoảng ngày thứ 10. Thời gian điều trị 5 ngày cũng được áp dụng ở nhiều nước phương Tây.
6. Cơ sở lưu trú
Về nguyên tắc, các khách sạn và cơ sở lưu trú được chính quyền địa phương dành riêng để cách ly và phục hồi sức khỏe cho những người nhiễm bệnh sẽ bị xóa bỏ. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú cho người già và phụ nữ mang thai sẽ tiếp tục hoạt động cho đến cuối tháng 9 theo quyết định của chính quyền địa phương, với điều kiện là họ sẽ phải tự trả một số tiền nhất định, có tính đến số dư chi phí nhập viện.
7. Người bệnh muốn có giấy tờ chứng minh về việc nhiễm bệnh thì phải làm như thế nào?
Hiện tại, các cuộc kiểm tra sức khỏe mà các trung tâm y tế công cộng đang tiến hành đối với người già và những người mắc bệnh nền sẽ không còn được tiến hành nữa. Vì lý do này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi khuyến nghị rằng nếu bạn đang điều trị y tế và có bất kỳ lo lắng nào về các triệu chứng của mình, vui lòng liên hệ với cơ sở y tế gần đó hoặc liên hệ với bàn tư vấn 24 giờ của tỉnh/thành phố nơi bạn sống.
Ngoài ra, từ trước đến nay có nhiều bệnh nhân xin giấy chứng nhận nhiễm bệnh theo yêu cầu của nơi làm việc và được khám ngoại trú nếu có biểu hiện sốt, nhưng sau ngày 8/5, các trung tâm y tế công lập sẽ không cấp giấy chứng nhận nữa. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi muốn bạn sử dụng giấy chứng nhận y tế do cơ sở y tế cấp nếu bạn cần bằng chứng về việc bị nhiễm bệnh.
8. Tiêm chủng
Liên quan đến vắc xin corona chủng mới, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sẽ tiếp tục tiêm vắc xin miễn phí như hiện tại cho đến tháng 3 năm sau và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng sẽ được tiêm vắc xin 2 lần một năm vào tháng 5 và tháng 9. Người không có nguy cơ mắc bệnh nặng cũng sẽ được tiêm phòng từ tháng 9. Cụ thể, từ ngày 8/5, vắc xin chủng Omicron hiện tại sẽ bắt đầu được tiêm cho người già, người mắc bệnh nền cũng như nhân viên y tế và điều dưỡng. Lịch trình cụ thể từ tháng 9 và loại vắc xin được sử dụng sẽ được quyết định có tính đến sự đột biến của vi rút trong tương lai.
9. Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm từ ngày 8 tháng 5 là gì?
Điều này sẽ tùy thuộc vào cá nhân hoặc doanh nghiệp tự quyết định. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã đưa ra các biện pháp kiểm soát lây nhiễm cơ bản được coi là có hiệu quả trong tương lai để các cá nhân, tổ chức thể tham khảo khi ra quyết định. Cụ thể, vệ sinh tay, chẳng hạn như rửa tay và thông gió vẫn được khuyến nghị. Ngoài ra, người ta cho rằng việc duy trì khoảng cách giữa mọi người với nhau sẽ có hiệu quả đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng trong thời kỳ dịch bệnh.
Mặt khác, các tổ chức (doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn) có thể đưa ra quyết định dựa trên hiệu quả và chi phí của các biện pháp kiểm soát lây nhiễm như đo nhiệt độ khi vào, đặt chất khử trùng ở lối vào và lắp đặt các vách ngăn như tấm acrylic.
10. Đeo khẩu trang
Từ ngày 13/3/2023, việc đeo khẩu trang đã trở thành một quyết định mang tính cá nhân chứ không phải là việc được khuyến nghị hay bắt buộc. Mặt khác, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi khuyến nghị đeo khẩu trang trong các tình huống sau để ngăn ngừa lây nhiễm cho những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng:
- Khi đến cơ sở y tế
- Khi đến các cơ sở y tế hoặc cơ sở chăm sóc người cao tuổi, nơi có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh nặng
- Khi đi tàu hoặc xe buýt đông đúc, chẳng hạn như trong giờ cao điểm
Tuy nhiên, việc bắt buộc đeo khẩu trang khi đi Shinkansen, tàu, xe buýt tốc hành, nơi mọi người thường có chỗ ngồi riêng, đều bị loại trừ. Bên cạnh đó, người già, người có bệnh nền như ung thư, người có nguy cơ mắc bệnh nặng như phụ nữ mang thai được cho là nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người trong thời điểm dịch bệnh gia tăng. Ngoài ra, nhân viên tại các cơ sở y tế và viện dưỡng lão nơi có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh nặng cũng nên đeo khẩu trang khi làm việc.
Hiệu quả của khẩu trang được nhận định như thế nào?
Vào tháng 2/2023, các thành viên của cuộc họp chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã trình bày một tài liệu tóm tắt kiến thức khoa học. Theo đó, mục đích của khẩu trang là để:
- Không lây nhiễm cho người khác khi nói hoặc ho
- Phòng tránh cho bản thân khỏi bị lây nhiễm
Được biết, khoảng một nửa số ca nhiễm corona xảy ra trong thời gian ủ bệnh trước khi xuất hiện các triệu chứng và rất dễ lây nhiễm ngay cả từ những người không có triệu chứng. Sau khi phân tích 78 nghiên cứu ở mỗi quốc gia, ước tính nguy cơ lây nhiễm của những người đeo khẩu trang hàng ngày thấp hơn 0,84 lần so với những người không đeo khẩu trang và 0,76 lần so với người chỉ đeo 2 lần/tuần.
Ngoài ra, một phân tích của 21 nghiên cứu tại mỗi quốc gia cho thấy nếu việc đeo khẩu trang được khuyến nghị trong toàn cộng đồng sẽ có hiệu quả trong việc giảm số ca nhiễm mới, số bệnh nhân nhập viện và số ca tử vong. Hơn nữa, một nghiên cứu của Mỹ ước tính rằng thêm 10% người đeo khẩu trang sẽ giúp dịch bệnh dễ kiểm soát hơn 3,53 lần so với những người không đeo khẩu trang.
11. Các biện pháp hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giới
Sẽ không còn việc hạn chế di chuyển như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, khuyến nghị hoặc ra lệnh nhập viện và yêu cầu những người bị nhiễm bệnh hoặc những người đã tiếp xúc gần gũi không được ra ngoài. Ngoài ra, cho đến nay, chính phủ đã yêu cầu những người nhập cảnh vào Nhật Bản từ nước ngoài phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng 3 mũi để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng về nguyên tắc, các biện pháp đó không thể được thực hiện sau khi COVID – 19 được đưa vào “Nhóm 5” như bệnh cúm mùa.
12. Điều gì xảy ra với virus đột biến?
Về vi rút đột biến, người ta đã chỉ ra rằng chủng BA.5 Omicron vốn là chủ đạo trong đợt lây nhiễm thứ 8 vào mùa đông năm 2022 đã được kết hợp với nhiều chủng Omicron, khiến nó dễ dàng thoát khỏi khả năng miễn dịch hơn.” XBB” đang trở thành chủng virus có khả năng lây lan nhanh.
Tại Nhật Bản, số người nhiễm virus corona mới hiện đang ở mức thấp, nhưng tính đến ngày 20 tháng 4, khoảng 70% virus đột biến ở khu vực thủ đô Tokyo thuộc chủng “XBB” và trong số này, nhiều loại đã được phát hiện ở Hoa Kỳ. “XBB.1.5”, được phát hiện thường xuyên nhất ở Châu u, chiếm khoảng 40% tổng số. Mặt khác, WHO = Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định “XBB.1.16” đang mở rộng ở Ấn Độ và mặc dù nó chưa được phát hiện ở Nhật Bản nhưng các chuyên gia vẫn khuyên bạn nên cẩn thận. XBB.1.16” đang lây lan chủ yếu ở Ấn Độ và Nam Á. WHO dường như rất thận trọng với chủng virus mới này. Ở Ấn Độ, số người nhiễm bệnh đang thực sự gia tăng. Vì vậy, chúng ta cần giám sát chặt chẽ.Đây là một loại virus có khả năng thoát khỏi khả năng miễn dịch cao, nhưng đã thay đổi đáng kể so với các loại virus đột biến trước đây. Tuy nhiên, có khả năng các loại virus đột biến với các đặc điểm khác sẽ xuất hiện trong tương lai và điều quan trọng là phải duy trì hệ thống giám sát virus ngay cả sau khi virus được chuyển sang “Loại 5” để có thể phát hiện chính xác.
13. Số người nhiễm bệnh liệu có tăng lên trong tương lai không?
Tại cuộc họp chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi ngày 19/4, số ca nhiễm mới đang tăng dần trên toàn quốc, đặc biệt có thể tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ. Sau sự gia tăng dần số lượng người nhiễm bệnh là sự di chuyển của người dân giữa các khu vực trong thời gian chuyển sang năm tài chính, số người không đeo khẩu trang tăng dần và cũng có thể do khả năng miễn dịch có được do nhiễm bệnh và tiêm chủng đã giảm dần. Hơn nữa, vì virus corona chủng mới được đặc trưng là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nên người ta cho rằng số người nhiễm bệnh sẽ tăng lên trong thời kỳ mọi người tiếp xúc nhiều hơn và vào mùa đông. Trong trung và dài hạn, mùa hè năm nay, thời gian quanh lễ hội Obon, tháng 11 sẽ là khoảng thời gian cần lưu ý. Khả năng cao sẽ xảy ra một đợt dịch lớn vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 12.
Nguồn: NHK
Biên tập: LocoBee
bình luận