Nghiện game ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của học sinh Nhật
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện trên 13.000 trẻ em vào năm 2018, khoảng 5% học sinh tiểu học ở tỉnh Toyama bị nghi ngờ mắc chứng “rối loạn chơi game”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận chứng rối loạn chơi game là một chứng nghiện vào năm 2019. Các nhà nghiên cứu đang cảnh báo rằng trò chơi trực tuyến gây nghiện cho trẻ em và đang kêu gọi các gia đình đặt ra các quy tắc về chơi game để tránh thói quen dẫn đến các vấn đề lớn trong tương lai.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu trong khuôn khổ dự án của Ủy ban Giáo dục tỉnh Toyama. Các thành viên trong nhóm bao gồm Masaaki Yamada, 44 tuổi, một chuyên gia về Dịch tễ học và Nghiên cứu Chính sách y tế, đồng thời là Phó trưởng bộ phận Hỗ trợ y tế và Y tế khu vực tại Tổ chức Thúc đẩy Hợp tác Khu vực của Đại học Toyama.
Cuộc khảo sát đã hỏi 13.092 học sinh từ lớp 4 đến lớp 6 trong tỉnh những câu hỏi về trò chơi điện tử như liệu các em có thể kiểm soát thời gian dành cho hoạt động chơi game hay không; liệu các em có đang ưu tiên cho các trò chơi game trong cuộc sống hàng ngày của mình hay không. Khảo sát cũng hỏi về thời gian thức dậy và đi ngủ, có ăn sáng hay không, có cảm thấy không muốn đi học không, có bạn bè không, hiểu bài trên lớp học như thế nào, có trò chuyện với cha mẹ hay không và gia đình có quy tắc liên quan đến việc chơi game không.
Các nhà nghiên cứu đã nhận được câu trả lời từ 88,2% trẻ em. Trong số đó, 5,6% học sinh đánh dấu vào 3 mục
- “Em không thể kiểm soát thời gian chơi game”
- “Em đang ưu tiên các trò chơi game trong cuộc sống”
- “Em có gặp rắc rối nghiêm trọng liên quan đến việc chơi game, nhưng không thể ngừng chơi.”
Việc nói “có” với cả 3 mục này và có các triệu chứng như vậy trong 01 năm hoặc lâu hơn là tiêu chuẩn chẩn đoán chứng rối loạn chơi game theo Phân loại bệnh quốc tế. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, cần quan tâm đến trẻ nhỏ hơn vì đã có trường hợp nghiện trong thời gian ngắn hơn.
Trong cùng một cuộc khảo sát, phần lớn học sinh sử dụng Internet trong 2 giờ hoặc lâu hơn mỗi ngày cho biết không thể kiểm soát lượng thời gian chơi game của mình.
Phân tích cho thấy tình trạng bị “lệ thuộc” vào việc chơi game phổ biến ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, cũng như ở nhóm học sinh có thói quen sinh hoạt không đều đặn như thức dậy lúc 7 giờ sáng hoặc muộn hơn, không trò chuyện với cha mẹ và không có quy tắc về thời gian dành cho các kênh trực tuyến.
Anh Yamada tập trung vào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Việc học sinh sử dụng Internet trong thời gian dài có mối tương quan mạnh mẽ nhất với việc người mẹ online từ 2 giờ trở lên, tiếp theo là sự vắng mặt của các quy tắc gia đình và các ông bố online từ 2 giờ trở lên. Điều này chỉ ra rằng thời gian cha mẹ dành cho trực tuyến và việc có các quy tắc của gia đình về Internet hay không ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen sinh hoạt của trẻ.
Kiểm tra sức khỏe và tiêm vắc xin cho trẻ em tại Nhật
Ngoài giờ lên lớp trẻ em Nhật Bản học thêm những bộ môn nào?
Nguồn: The Mainichi
Biên tập: LocoBee
bình luận