Nhật Bản đặc biệt phê duyệt sử dụng thuốc điều trị đậu mùa của Mỹ

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do vi rút đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus gây ra. Lần đầu tiên được xác nhận ở người là tại Zaire (nay là Cộng hòa dân chủ Congo) năm 1970, sau đó phổ biến từ Trung Phi đến Tây Phi. Tại Nhật Bản, nó được coi là bệnh truyền nhiễm loại 4 theo Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Từ năm 2003, Nhật Bản không có báo cáo nào về bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, kể cả các trường hợp nhập cư. Tuy nhiên từ tháng 5/2022, người ta đã ghi nhận tại Châu Âu, Hoa Kỳ… có những bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ chưa bao giờ đi du lịch đến các quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ. Theo bản tóm tắt của CDC – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ vào ngày 27/6, hơn 4.300 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở 48 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Vì lý do này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã tạo ra một cơ chế mới cho phép bệnh nhân đậu mùa khỉ tại Nhật Bản nhận được thuốc uống “Tecovirimat” do một công ty dược phẩm của Mỹ phát triển để điều trị bệnh đậu mùa tự nhiên. Thuốc này được chấp thuận là thuốc chữa bệnh đậu mùa khỉ ở EU (Liên minh châu Âu) nhưng chưa được chấp thuận ở Nhật Bản, vì vậy nó được đặc biệt phê duyệt là “nghiên cứu lâm sàng cụ thể” để điều tra tính hiệu quả và an toàn của thuốc.

Đối tượng sử dụng thuốc là bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có cân nặng từ 13kg trở lên nhập viện tại Bệnh viện nghiên cứu y khoa và sức khỏe toàn cầu quốc gia ở Shinjuku, Tokyo trong 14 ngày.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cũng đang chuẩn bị vắc-xin đậu mùa tự nhiên và cải thiện hệ thống xét nghiệm trong trường hợp phát hiện bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Bí quyết xử lý tế bào chết trên da hiệu quả

 

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

bình luận

ページトップに戻る