Để đối phó với vấn nạn tuyển dụng thực hiện các hành vi phạm tội như cướp bóc, lừa đảo thông qua mạng xã hội, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) đã quyết định vào ngày 23/1 triển khai phương pháp “điều tra danh tính giả” bằng cách sử dụng giấy tờ tùy thân giả để ứng tuyển vào các “yamibaito”.
Yamibaito – cạm bẫy của thế giới việc làm ở Nhật
Hướng dẫn chi tiết về phương pháp này cũng đã được công bố, nhằm bắt giữ và ngăn chặn tội phạm. Mặc dù các cuộc điều tra này liên quan đến việc làm giả giấy tờ tùy thân, NPA đã xác định rằng đây là hoạt động hợp pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự và có thể thực hiện trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. “Chúng tôi muốn bắt đầu triển khai sớm nhất có thể ngay khi các sở cảnh sát tỉnh hoàn thiện kế hoạch,” đại diện NPA cho biết.
Theo hướng dẫn, phương pháp điều tra danh tính giả sẽ được thực hiện dựa trên các kế hoạch được cảnh sát trưởng tỉnh phê duyệt. Các tội phạm mục tiêu bao gồm cướp bóc, lừa đảo chuyên biệt, lừa đảo đầu tư qua mạng xã hội và lừa đảo tình cảm. Chỉ khi nhóm tội phạm yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, điều tra viên mới gửi hình ảnh giả mạo, chẳng hạn như giấy phép lái xe, thẻ My Number hoặc giấy chứng nhận cư trú với thông tin không khớp với danh tính thực tế của họ.
Để ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích, các bản gốc của giấy tờ giả mạo này sẽ được lưu trữ trong các cơ sở được bảo mật. Việc bàn giao bản gốc cho các nhóm tội phạm hoặc bất kỳ bên thứ 3 nào khác đều bị nghiêm cấm.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát sẽ tiến hành bắt giữ hoặc thẩm vấn các đối tượng tại địa điểm gặp gỡ trước khi chúng thực hiện các hành vi phạm tội. Tại buổi họp báo cùng ngày, Tổng cục trưởng NPA, ông Yasuhiro Tsuyuki cho biết: “Chúng tôi hy vọng phương pháp này không chỉ ngăn chặn tội phạm mà còn giúp xác định các kẻ chủ mưu, đồng thời ngăn chặn việc tuyển dụng thực hiện ngay từ đầu.”
Ở Nhật Bản, trong các cuộc điều tra về ma túy, phương pháp “điều tra mồi nhử” đã được áp dụng, trong đó các đối tượng buôn bán bị lôi kéo thực hiện giao dịch trước khi bị bắt giữ. Tuy nhiên, NPA khẳng định rằng điều tra danh tính giả khác biệt ở chỗ điều tra viên không thúc đẩy tội phạm và không thực hiện “điều tra thâm nhập” vào bên trong các tổ chức tội phạm.
Phương pháp điều tra danh tính giả là một phần trong các biện pháp khẩn cấp mà chính phủ Nhật Bản đã đưa ra vào tháng 12 năm 2024 nhằm giải quyết vấn nạn “việc làm đen”. Các biện pháp này bao gồm xây dựng hướng dẫn và đẩy nhanh việc triển khai thực tế.
Trộm đột nhập nhà và trói cụ bà 87 tuổi ở Chiba, có phải lại là “yamibaito”?
Nguồn: nippon
Biên tập: LocoBee